Ngày nay, có vô vàn phương pháp để học viên tiếp cận với việc học Anh văn giao tiếp hoặc các môn học thuộc lĩnh vực khác, nhưng đâu mới là phương pháp mang lại hiệu quả cho giáo viên và người học? Dưới đây là một vài chia sẻ của Phil Dexter - Cố vấn Phát triển Giáo viên của Hội đồng Anh trả lời trong một bài phỏng vấn của Carol Lethaby về phương pháp học tập phù hợp dành cho tất cả học viên.

Phương pháp học đa giác quan

"Mỗi người sẽ có cho mình một phương pháp học khác nhau. Một số người học chủ yếu từ thị giác, thính giác hoặc xúc giác, v.v... nhưng cách não bộ của người học hoạt động lại không giống như vậy. Nghĩa là không chỉ tập trung vào một giác quan duy nhất để tiếp nhận nội dung bài học. Các loại thông tin khác nhau trong bài học sẽ được xử lý trong các khu vực khác nhau của não. Tuy nhiên, bộ não được liên kết rất chặt chẽ với nhau nên ngay khi một phương thức (ví dụ: thị giác, thính giác) được kích hoạt, những phương thức khác cũng sẽ được kích hoạt cùng lúc." - Phil Dexter chia sẻ.

Ông cho rằng mọi người thường sử dụng các giác quan của mình trong cuộc sống, thì tất nhiên chúng ta vẫn có thể vận dụng các giác quan này vào trong việc học, nhất là trong các tiết học ngoại ngữ như học Anh văn giao tiếp, v.v... Ông nói thêm, nếu có giáo viên cho rằng một học viên chủ yếu học từ thị giác hoặc xúc giác, thì học viên đó sẽ bị thu hẹp khoảng cách tiếp nhận thông tin. Trong trường hợp này, giáo viên nên nghĩ thoáng hơn vì mỗi học viên đều có thể tiếp nhận thông tin bằng phương thức đa giác quan như: thị giác, thính giác và xúc giác trong một bài học.

Làm thế nào để tạo ra tiết học đa giác quan trong thực tế? 

Khi giáo viên trình bày một câu tiếng Anh với một lớp học, trong đó, có ngữ pháp, từ vựng và trật tự từ. Giáo viên sẽ hỏi: "Trật tự từ trong câu này là gì?" và học viên có nhiệm vụ xác định chủ ngữ, động từ và tân ngữ trong câu đó.

Để làm cho bài học bao gồm nhiều giác quan, giáo viên cũng có thể đưa một từ trên giấy cho các học viên rồi yêu cầu họ đứng lên và đặt thành câu hoàn chỉnh. Sau đó, học viên có thể thay đổi vị trí của từ để tạo ra một câu mới. Các phần khác nhau của câu cũng nên được ký hiệu bằng màu sắc, ví dụ: động từ ứng với màu xanh lá cây và tính từ ứng với màu đỏ. Nhiều hoạt động đa dạng cũng có thể hỗ trợ việc học, bởi vì một số học viên sẽ phản ứng tốt với những từ được ký hiệu bằng màu và một số khác sẽ tiếp thu bài học tốt khi tiết học được kết hợp với sự chuyển động.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những học viên đó sẽ luôn tiếp thu thông tin tốt bằng sự di chuyển hay bằng thị giác ở những bài học khác. Vì quá trình học tập còn có thể nhận thông tin bằng thính giác hoặc xúc giác. Do đó, trong các tiết học, giáo viên có thể thường xuyên sử dụng linh hoạt cách tiếp cận đa giác quan thì sẽ tránh được sự nhàm chán từ học viên và tiết học sẽ trở nên thú vị, phù hợp với tất cả mọi người. Ở những lớp học Anh văn giao tiếp, chúng ta dễ bắt gặp phương thức này vì chúng thường được sử dụng và đạt kết quả tốt cho cả giáo viên lẫn người học.

Giáo viên cần nắm bắt nhu cầu của người học

Đối với giáo viên, việc hiểu và nắm bắt nhu cầu ngôn ngữ của học viên là vô cùng quan trọng. Việc xây dựng các mối quan hệ giữa giáo viên và học viên trở thành một phần tất yếu trong chương trình học, kể cả giáo viên đó dạy một lớp trong một ngày hay một năm. Để thực hiện điều này, giáo viên cần thực hiện từng bước nhỏ, xem xét cách tiếp cận nào là phù hợp và khi không thành công trong lần đầu tiên thì có nên thử lại hay không. Giáo viên nên sẵn sàng xem những lỗi sai của mình hoặc của học viên như một phần của quá trình này để rút ra bài học.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần đưa ra phản hồi phù hợp cho học viên và ngược lại, học viên cũng cần biết những chỗ thiếu sót, những kiến thức, kỹ năng nào đang cần được cải thiện để nhận được những hỗ trợ thiết thực từ giáo viên. Có như vậy, mối quan hệ giữa thầy và trò mới sẽ trở nên tốt hơn.

Làm thế nào để giáo viên chia sẻ kinh nghiệm cho nhau?

Mọi thử nghiệm và sai sót diễn ra trong lớp học đều có thể được chia sẻ ra bên ngoài, đó được xem là một kết quả nghiên cứu. Thậm chí, giáo viên còn có thể trình bày các khám phá của mình trên các tạp chí, hội nghị và trên diễn đàn giáo dục. 

Giáo dục tràn ngập những phương pháp nhưng chỉ có thể hiểu được thông qua thực tiễn. Đó là lý do tại sao các giáo viên luôn muốn lắng nghe những chia sẻ từ đồng nghiệp. Cũng có rất nhiều thứ giáo viên có thể học hỏi từ những nghiên cứu hiện tại, nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa khi họ áp dụng trong lớp học của mình. Hãy thử phương pháp mới, học hỏi từ khám phá của mình, sau đó chia sẻ kinh nghiệm với các giáo viên khác và tất cả mọi người học hỏi lẫn nhau.

 

Thông tin liên quan