Lắng nghe là một trong những kỹ năng khó đối với người mới học tiếng Anh. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều hoạt động và chiến lược để giúp các bạn có thể xây dựng và phát triển kỹ năng này tốt hơn. Dưới đây là một số lời khuyên và phương pháp luyện nghe tiếng Anh cho người mới bắt đầu.
Những điều cần làm trước khi nghe
Trước khi bắt đầu thực hành kĩ năng nghe, bạn nên thực hiện các hoạt động sau để kích hoạt sơ đồ và kiến thức nền, khơi dậy sự quan tâm của mình dành cho chủ đề nghe và có sự chuẩn bị tốt về mặt ngôn ngữ khi nghe.
1. Mô hình "Hoa hồng từ vựng"
Chúng ta có thể chuẩn bị nền tảng về mặt ngôn ngữ trước khi nghe bằng cách tạo ra một "hoa hồng từ vựng". Đầu tiên hãy vẽ một vòng tròn, chính giữa tâm vòng tròn là chủ đề của bài nghe. Sau đó, bạn liệt kê tất cả những từ vựng mà bạn nghĩ là liên quan đến chủ đề đó, viết xung quanh vòng tròn và tạo sự kết nối với chủ đề. Bạn cũng có thể nhóm các từ vựng theo ý nghĩa tương đồng lại với nhau.
Ở các lớp học tiếng Anh cơ bản tại các trung tâm tiếng Anh, mô hình "hoa hồng từ vựng" này có thể được áp dụng rất tốt như một trò chơi khởi động trước khi bắt đầu bài nghe. Giáo viên chia học viên thành nhiều nhóm nhỏ. Khi nhóm đầu tiên tạo ra được một vòng tròn từ vựng liên quan đến chủ đề bài nghe thì chuyển tiếp đến nhóm kế tiếp để cùng thảo luận và thêm vào những từ vựng mới hoặc viết các từ đồng nghĩa ra bên cạnh. Lần lượt như thế cho đến khi cả lớp đều được tham gia đóng góp vào "hoa hồng từ vựng".
Việc tập trung vào các từ đồng nghĩa sẽ giúp ích rất nhiều cho người học vì thường thì người nói trong bài nghe sẽ sử dụng các từ đồng nghĩa để tránh bị lặp từ. Ngoài ra, việc liệt kê những từ vựng liên quan đến chủ đề sẽ giúp chúng ta hình dung được phần nào về nội dung bài nghe.
2. Dạy trước từ khóa
Đây là hoạt động thường xuyên diễn ra trong các lớp học tiếng Anh. Nếu có một số từ khóa trong bài nghe mà người học không biết định nghĩa, việc giáo viên dạy trước những cụm từ ấy là một điều hữu ích. Có rất nhiều cách khác nhau để làm điều này.
Người dạy có thể đưa ra một vài từ cho mỗi nhóm học viên và họ sẽ sử dụng từ điển để viết định nghĩa và tìm cách phát âm. Hoặc giáo viên có thể đặt vào các định nghĩa lộn xộn, khi ấy nhiệm vụ của người học là phải đi tìm các định nghĩa cho các từ vựng của nhóm mình.
Một phương pháp khác là đặt các từ khóa lên bảng (Tốt nhất là chọn các từ khóa quen thuộc nhưng có cách phát âm khó để chuẩn bị cho học viên làm quen với việc nghe). Sau đó, giáo viên đưa ra định nghĩa của các từ theo thứ tự ngẫu nhiên. Học viên sẽ nghe các định nghĩa ấy và nói từ đó ra.
3. Lời khuyên từ giáo viên
Việc luyện nghe tiếng Anh cho người mới bắt đầu không phải là một điều dễ dàng. Vì vậy, giáo viên nên có một số mẹo và gợi ý để giúp học viên tập trung toàn bộ năng lượng vào việc lắng nghe và thông hiểu, ví dụ:
- Cho biết trước có bao nhiêu người nói và bao nhiêu lần nghe.
- Cho học sinh thời gian để xem qua bài tập trước khi nghe để họ biết thông tin nào cần nghe và có thể bắt đầu đưa ra dự đoán.
- Nếu bài nghe có các thông số về ngày, thời gian hoặc những con số lớn, hãy khuyến khích người học tự đọc thầm trước khi nghe để chuẩn bị tốt tinh thần cho những dạng thông tin này.
Quan trọng nhất chính là khuyến khích học viên giữ bình tĩnh và tiếp tục lắng nghe. Có thể có những phần trong văn bản mà họ không hiểu, nhưng họ không nên dừng lại và lo lắng về những đoạn ấy. Họ nên tiếp tục lắng nghe và làm phần tiếp theo của nhiệm vụ.
Các hình thức luyện nghe tiếng Anh
Việc nghe tiếng Anh hiệu quả sẽ có liên quan đến việc sử dụng cả hai phương pháp: nghe từ trên xuống và nghe từ dưới lên một cách phù hợp. Chúng ta sẽ thường sử dụng chiến lược nghe từ trên xuống trong lần đầu tiên nghe để có được cái nhìn tổng quát về văn bản.
Vẽ sơ đồ và đưa ra dự đoán về nội dung trước khi nghe sẽ giúp người học củng cố phương pháp nghe từ trên xuống bởi vì khi ấy họ sẽ tập trung lắng nghe để xác minh tính đúng đắn của những dự đoán và mong đợi của họ trước đó. Còn chiến lược nghe từ dưới lên sẽ có liên quan đến sự hiểu biết sâu hơn về văn bản nghe, vì vậy các hoạt động nhằm khuyến khích người nghe hiểu một cách chi tiết hay tập trung vào âm thanh và ngôn ngữ cụ thể sẽ giúp họ phát triển phương pháp này.
1. Bài hát
Bài hát là một cách rất hữu hiệu để khuyến khích học viên lắng nghe. Tạo một danh sách nhạc bao gồm các bài hát yêu thích của học viên. Có hàng trăm hoạt động mà giáo viên có thể tự thiết kế để sử dụng các bài hát, ví dụ: tạo một danh sách từ vựng của lời bài hát để dự đoán nội dung của bài hát.
Nhiệm vụ của người học là khoanh tròn vào những từ mà họ nghe được trong danh sách từ vựng đó. Sau đó, yêu cầu người học nối các từ vựng ấy thành một câu hoàn chỉnh có ngữ pháp dựa trên lời bài hát.
2. Phim ảnh
Những đoạn phim ngắn từ các bộ phim sẽ là nguồn động lực to lớn cho những người mới học nghe tiếng Anh. Hoạt động này giúp xây dựng nền tảng cho phương pháp nghe từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới.
Có vô số bài tập dành cho việc luyện nghe với phim ảnh như: che hình ảnh và chỉ nghe tiếng hoặc là xem phim nhưng không có âm thanh để đoán nội dung. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng phụ đề để giúp củng cố ngữ pháp và âm thanh trong giai đoạn đầu.
3. Đọc chính tả
Bạn có thể luyện nghe bằng cách viết chính tả. Chọn những kênh học tiếng Anh như VOA hay những kênh học tiếng Anh dành cho thiếu nhi để luyện nghe là một ý tưởng khá hay. Vì những kênh này có tốc độ nói chậm rãi, giọng đọc chuẩn, bạn có thể chọn một audio và luyện nghe bằng cách viết xuống tất cả những gì bạn nghe được. Phương pháp này cũng sẽ giúp bạn vừa học kỹ năng nghe nhưng cũng vừa luyện ngữ pháp tiếng Anh.
Các hoạt động sau khi nghe
Sau khi nghe chúng ta có thể củng cố các kỹ năng tiếng Anh hoặc ngữ âm bằng cách tích hợp với các hoạt động sau:
1. "Đọc đuổi"
Đây là một hoạt động thú vị nhằm giúp người đọc phát triển ngữ điệu. Chọn một đoạn hội thoại ngắn hoặc dài mà bạn đã được nghe trước đó. Bây giờ, hãy thực hành bằng cách nói theo những gì nhân vật trong audio đang nói.
Phương pháp này giúp bạn có thể bắt chước chính xác các ngữ điệu của người bản xứ, trọng âm và nhịp điệu trong câu. Sau đó, lặp lại đoạn nghe lần nữa nhưng giảm âm lượng. Cuối cùng, bạn hãy tắt đoạn audio và bắt chước nói lại toàn bộ nội dung.
2. Phân loại từ
Một hoạt động hữu ích để giáo viên giúp người học nhận biết về những từ quan trọng cần lắng nghe chính là cung cấp cho học viên nội dung của bài nghe.
Yêu cầu học viên sắp xếp các từ vựng vào hai nhóm: Từ vựng nội dung (danh từ, tính từ, động từ chính, v.v...) và từ vựng liên kết (mạo từ, giới từ, đại từ, động từ phụ, v.v...). Hoặc yêu cầu họ xác định những từ nào trong bài nghe đã giúp họ trả lời những câu hỏi trong phần bài tập sau khi nghe và những từ vựng ấy thuộc nhóm nào trong hai nhóm vừa nêu trên.
Hoạt động này giúp nhấn mạnh một thực tế rằng: một từ vựng tùy vào ngữ cảnh mà có thể đóng nhiều vai trò ngữ pháp khác nhau. Chẳng hạn một từ vựng mang tính chất liên kết nhưng lại thuộc nhóm từ vựng nội dung.
Sau khi kết thúc hoạt động này, giáo viên sẽ mở lại bài nghe cho học viên cùng lắng nghe để nhận ra cách nhấn âm của người bản ngữ phần lớn thường rơi vào các từ vựng nội dung nhiều hơn.
3. Đặc trưng của ngôn ngữ nói
Thông qua những bài tập nghe, bạn cũng có thể thu nhặt ngôn ngữ nói bằng cách xác định những từ mang tính đặc trưng cho việc giao tiếp. Ví dụ: "err...", "um..." và một số câu cảm thán như: "really?", "no way!". Ngoài ra, còn các ví dụ về dấu chấm lửng hoặc các từ bị bỏ sót trong lúc nói, ví dụ: "You going now?" thay vì "Are you going now?"
4. Mở rộng kỹ năng nghe
Trong các lớp tiếng Anh, giáo viên có thể chọn ra ba hoặc bốn nhân vật từ bài nghe để học sinh tiếp tục cuộc đối thoại bằng cách tưởng tượng ra nội dung và thực hành nói với nhau. Đây là một cách tốt nhất để phát triển sự sáng tạo và trí tưởng tượng khi cuộc đối thoại vượt xa khỏi khuôn khổ bài học.
Ngoài việc nghe trên lớp, người học có thể phát triển khả năng nghe ngoài giờ học bằng cách nghe nhạc, xem phim truyền hình yêu thích, phim có phụ đề bằng tiếng Anh hoặc là nghe podcast, v.v...
Với một vài hoạt động gợi ý cho từng bước luyện nghe như trên, hy vọng các bạn sẽ nhanh chóng chinh phục được kĩ năng nghe tiếng Anh của mình.