Giáo viên bản ngữ có phải là lựa chọn tốt nhất?

Bạn đang tìm kiếm một công việc giảng dạy tại các trung tâm tiếng Anh giao tiếp? Nếu bạn là một giáo viên tiếng Anh bản xứ (NEST - Native English Speaker Teacher) thì bạn sẽ thấy rất nhiều cơ hội giảng dạy ngoài kia. Nhưng nếu bạn không phải là giáo viên bản địa (Non-Native English Speaker Teacher - NNEST) thì đó lại là một câu chuyện khác. Có nhiều ý kiến cho rằng những người học tiếng Anh nên lựa chọn các trung tâm tiếng Anh có giáo viên bản ngữ đứng lớp. Tuy nhiên, điều này có thực sự đúng trong tất cả các trường hợp? Marek Kiczkowiak, người chiến thắng giải thưởng Blog Dạy Tiếng Anh hay, sẽ cho chúng ta những nhận thức mới mẻ về điều này.

Sự ưu tiên lựa chọn NEST trong những năm gần đây

Có đến 70% các công việc được quảng cáo trên tefl.com (công cụ tìm kiếm việc làm lớn nhất cho giáo viên tiếng Anh) là NEST. Và ở một số quốc gia như Hàn Quốc, gần như các nhà tuyển dụng sẽ từ chối ứng cử viên không phải là người bản ngữ.

Nếu bạn bắt đầu đặt câu hỏi tại sao cho các số liệu thực tiễn này, bạn có thể nghe thấy một hoặc tất cả các lý do sau đây:

  1. Học sinh thích NEST hơn.
  2. Học sinh cần NEST để học tiếng Anh tốt hơn.
  3. Học sinh cần NEST để hiểu về văn hóa nhiều hơn.
  4. NEST tốt hơn cho các mối liên hệ công chúng.

Với những lý do nghe qua có vẻ khách quan nhưng theo Marek Kiczkowiak thì những lý do này vẫn còn nhiều thiếu sót. Mặc dù khi học Anh văn giao tiếp, nhiều người (không phải là người bản xứ) chủ trương về việc không xem trọng xuất thân của giáo viên, miễn sao học viên có thể giao tiếp tốt, học được những điều hữu ích cho công việc, v.v… là người giáo viên ấy đã đạt chuẩn về trình độ giảng dạy và khả năng truyền cảm hứng. Nhưng trong thực tế, nhiều học viên và các nhà tuyển dụng lại ăn sâu tư tưởng “người bản xứ là tốt nhất” nên thường không thực hiện đúng như những điều họ đã tuyên bố và nhìn nhận. 

NEST như một hình mẫu chuẩn trong mắt học viên

NEST dường như trở thành huyền thoại trong mắt nhiều học viên tiếng Anh. Họ cho rằng chỉ có NEST mới có đủ năng lực cung cấp lộ trình tiếng Anh tốt nhất cho họ. Và đôi khi họ phớt lờ những yếu tố cần thiết như: kinh nghiệm, trình độ và tính cách của giáo viên. 

Nhưng trong thực tế, một giáo viên không phải người bản ngữ vẫn có trình độ tiếng Anh tốt, chưa kể là một giọng nói dễ nghe, dễ hiểu hơn một người bản ngữ thực thụ. Hoặc thậm chí NNEST có thể không phải là người phát âm tiếng Anh giỏi (do môi trường sinh sống, điều kiện tự nhiên v.v..), nhưng chỉ cần họ không phát âm sai và có kinh nghiệm giảng dạy chuyên nghiệp thì điều này còn hơn cả sự thành thạo mà học viên tìm kiếm ở một người giáo viên. 

Như David Crystal đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn cho những người ủng hộ TEFL Equity: “Tất cả giáo viên tiếng Anh đều có trình độ, nhưng chỉ một tỉ lệ nhỏ có sự nhận thức đầy đủ về cấu trúc ngôn ngữ và họ biết cách truyền đạt nó như thế nào”. Vì vậy, chúng ta không nên vội vàng đánh giá trình độ của một giáo viên qua giọng nói tự nhiên của họ, thay vào đó, hãy dành cho họ cái nhìn khách quan và công bằng hơn. 

Liệu có thực sự tồn tại cái gọi là văn hóa Anh của người bản địa hay không?

Hầu hết, mọi người sẽ đồng ý rằng ngôn ngữ và văn hóa có mối liên kết chặt chẽ. Nhưng liệu có tồn tại cái gọi là văn hóa Anh cho những người bản địa hay không, khi mà tiếng Anh là ngôn ngữ chính tại hơn 60 quốc gia?

Câu trả lời có lẽ là không. Như đã trình bày ở trên: tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức tại hơn 60 quốc gia. Điều này đồng nghĩa tiếng Anh không thuộc sở hữu của người Anh hay người Mỹ. Thậm chí, ngay cả người bản ngữ cũng thừa nhận rằng họ không có kinh nghiệm và cũng không thể hiểu tất cả các khía cạnh của cái gọi là “văn hóa Anh/Mỹ”.

Nên chọn giáo viên tiếng Anh có kinh nghiệm giảng dạy hay giáo viên bản ngữ?

Một lẽ tất nhiên, nhu cầu của thị trường tiếng Anh luôn ưu tiên một “giáo viên toàn năng” hơn cả. Nghĩa là họ vừa là người bản ngữ và vừa phải giảng dạy giỏi – một điều hiếm khi xảy ra trong thực tế.

Khác với các trung tâm tiếng Anh khác, Hội đồng Anh duy trì chiến lược tuyển chọn cẩn thận những giáo viên giỏi nhất, có nhiều kinh nghiệm và trình độ rõ ràng mà không nhất thiết đó phải là người bản ngữ chuyên nói tiếng Anh. 

Một NNEST cũng có những lợi thế riêng của họ. Ví dụ: giáo viên dễ dàng biết được các vấn đề của các học viên, có mô hình học tập phù hợp và hiểu được cảm giác của học viên, v.v… Ngược lại, một NEST chưa chắc đã là một sự lựa chọn tốt nếu họ không có đủ trình độ và kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh.

Đến đây, lại có một câu hỏi khác được đặt ra: Vậy tại sao nỗi ám ảnh về NEST không chịu biến mất? Một phần có lẽ là vì trong nhiều năm trở lại đây, ngành giảng dạy tiếng Anh (ELT) đã nói với học viên rằng: chỉ có NEST mới có thể dạy họ tiếng Anh tốt, rằng NEST là liều thuốc cho mọi bệnh tật ngôn ngữ của họ. Nhưng thực chất, những lời có cánh này chỉ là những chiêu trò mời gọi học viên của các ngôi trường hay trung tâm Anh ngữ và đại bộ phận học viên không phải không nhận ra những mánh khóe chiêu sinh này, mà vấn đề là họ đã để sự phớt lờ trở thành thói quen vì nghĩ rằng: mình không thể làm gì khác hơn. 

Theo Marek Kiczkowiak, sự phớt lờ này cần phải thay đổi. Ở Pháp, TESOL đã ban hành một lá thư công khai lên án sự phân biệt đối xử với NNEST. Một số chuyên gia ELT nổi tiếng nhất như Jeremy Harmer và Scott Thornbury, cũng như các tổ chức giảng dạy tiếng Anh của Hội đồng Anh đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chiến dịch TEFL Equality Advocates để yêu cầu cơ hội nghề nghiệp bình đẳng trong môi trường giáo dục cho NNEST.

Thông tin tham khảo: Lệ phí và địa điểm thi IELTS tại trung tâm luyện thi

Xem thêm