Tại sao nhiều người sợ nói trước công chúng và làm thế nào để vượt qua điều này? Ros và Neil Johnson, các chuyên gia diễn thuyết tại Dramresurus đã giải thích vấn đề này trên facebook và gửi đến các bạn đọc nhiều lời khuyên hữu ích.
Nỗi sợ khi nói trước công chúng được gọi là Glossophobia. Theo một ước tính, khoảng 75 phần trăm người mắc phải dạng ám ảnh này và 10 phần trăm trong số đó thực sự cảm thấy rất kinh khủng. Nỗi sợ nói trước công chúng là nỗi ám ảnh số một ở Mỹ, nó còn phổ biến hơn nỗi sợ độ cao hay nỗi sợ rắn.
Các triệu chứng của Glossophobia
Các triệu chứng của Glossophobia bao gồm: các cơn đau dạ dày, lòng bàn tay đổ mồ hôi, khô miệng, chân run rẩy và cổ họng bị nghẹn. Trong trường hợp nghiêm trọng, nhiều người còn mắc chứng buồn nôn, hoảng loạn và lo lắng quá mức. Do đó, những người mắc hội chứng trên sẽ cố gắng hết sức để tránh nói trước công chúng.
Hầu hết các triệu chứng này là do sự gia tăng adrenaline trong cơ thể được tạo ra bởi vì con người đang trải qua "phản ứng chiến đấu". Phản ứng này tồn tại mặc dù thực tế là chúng ta không hề phải chiến đấu hay chạy trốn khỏi động vật hoang dã.
Có nhiều mối quan tâm khi chúng ta sắp có một bài phát biểu hoặc một bài thuyết trình: lo lắng mọi người sẽ nghĩ gì về bản thân, lo lắng sẽ vấp trong lời nói hoặc quên những gì cần nói, v.v... những điều này đủ để kích hoạt phản ứng tự nhiên hoặc bản năng chạy trốn bên trong cơ thể.
Một khi có thể học cách kiểm soát những cảm xúc và khôi phục sự "thôi thúc chạy trốn khỏi mối nguy hiểm" được cơ thể nhận thức, chúng ta có thể bắt đầu quá trình nói trước công chúng.
Nhiều người nổi tiếng đã từng sợ nói trước công chúng
Nhiều người nổi tiếng đã mắc chứng Glossophobia, bao gồm các diễn viên, chính trị gia và thậm chí cả tổng thống. Một số ví dụ điển hình là: Renée Zellweger, Nicole Kidman, Abraham Lincoln, Gandhi, Sigmund Freud và Thomas Jefferson. Tại một số thời điểm, tất cả đều đã đề cập đến việc đi ra ngoài để tránh nói trước công chúng.
Một trường hợp đặc biệt là Gandhi. Theo một bài báo trên tờ The Atlantic, Gandhi dự định sẽ nói chuyện tại tòa án, nhưng chỉ nói đến câu đầu tiên là ông không còn nói được điều gì nữa và người trợ lí phải bước vào và kết thúc bài phát biểu. Tất cả họ đã phải nghĩ ra các chiến lược để vượt qua nỗi sợ hãi này. Một ví dụ khác là: Emma Watson khi có bài phát biểu trước Liên hợp quốc. Thật thú vị khi cô ấy hồi hộp ngay từ những giây đầu, khi đó cô ấy nói hơi nhanh. Nhưng khi bài phát biểu dần đi vào nội dung chính, cô ấy thể hiện sự tự tin hơn. Bạn có thế tìm thấy video bài phát biểu này trên Youtube và nếu bạn xem, lắng nghe cẩn thận, bạn có thể quan sát thấy một số kỹ thuật cô ấy sử dụng để vượt qua khi các dây thần kinh bên trong đang mách bảo cô ấy phải chạy trốn nỗi sợ. Chúng bao gồm: cố gắng kiểm soát hơi thở, tạm dừng, nói chậm hơn và sử dụng sự nhấn mạnh (đã được luyện tập) vào các từ cụ thể.
Hít thở là một yếu tố rất quan trọng để khắc phục sự lo lắng gây ra bởi sự gia tăng của adrenaline. Adrenaline dư thừa làm cho chúng ta thở nhanh.
Làm thế nào để giúp bản thân thư giãn và kiểm soát hơi thở
Thư giãn và kỹ thuật thở rất hữu ích cho việc cố gắng làm dịu thần kinh của bạn. Khi chúng ta lo lắng, chúng ta thường hít thở nhanh. Điều này dẫn đến sự lo lắng được tăng thêm, vì vậy làm chậm nhịp thở và học cách thư giãn là cần thiết.
1- Học cách thư giãn
Tìm một nơi thoải mái và nằm trên sàn nhà. Nhắm mắt và tập trung thư giãn mọi bộ phận của cơ thể, bắt đầu từ chân và dần lên vai, cổ và đầu. Sau đó, hãy chú ý đến hơi thở. Để bắt đầu, chỉ cần lưu ý sự hít vào thở ra, sau đó, hãy thử tưởng tượng một nơi bạn có thể liên kết với sự bình tĩnh. Một khi bạn đã quen với việc nhớ lại địa điểm, hay các điều đặc biệt này, nó có thể là biện pháp tốt nhất cho bất cứ khi nào cảm thấy lo lắng - chẳng hạn như ngay trước khi lên sân khấu để phát biểu.
Học cách thư giãn cần có thời gian nhưng nó sẽ thực sự có ích, đặc biệt nếu bạn thực hiện bài tập này thường xuyên. Sau một thời gian, bạn sẽ có thể nhớ lại cảm giác thư giãn ở bất cứ đâu.
2- Định tâm bản thân
Đứng hai chân rộng bằng vai, hai tay buông thõng, vai hướng xuống và thả lỏng các cơ đầu và cổ. Đầu tiên, hãy cố gắng thu thập suy nghĩ, lúc này, bạn sẽ cảm thấy bản thân trở nên nhẹ hơn. Bây giờ hãy thử tưởng tượng bản thân mình đang cắm rễ xuống đất. Mọi trong lực đều dồn xuống đất thông qua cơ thể bạn. Quá trình này được gọi là "định tâm" và cần quá trình luyện tập. Bây giờ hãy hít vào và cảm nhận hơi thở đi thẳng vào trung tâm của bạn, nghĩa là, hơi thở đến tận đáy phổi và vào dạ dày. Thở ra cho phép cơ hoành của bạn kiểm soát hơi thở.
3- Nhận biết không gian của bạn
Căng thẳng thường đến từ những điều chưa biết, vì vậy hãy đi đến phòng hoặc hội trường nơi sẽ phát biểu và đi bộ xung quanh đó, nói điều gì đó thành tiếng. Bạn có thể nói một phần bài phát biểu của bạn và di chuyển xung quanh để giọng nói của bạn lấp đầy không gian.
Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu về chủ đề mình sắp nói
Điều này nghe có vẻ là điều rất hiển nhiên, nhưng quan trọng là phải tự tin vào chủ đề sẽ nói. Lập kế hoạch cho bài phát biểu và thực hành nó bằng cách nói to và hãy tưởng tượng một kết quả tích cực sau bài phát biểu. Những điều này sẽ khiến bài phát biểu trở nên rõ ràng và trôi chảy khi diễn thuyết trước công chúng.
Thực hành nhiều lần và đọc lại những chỗ bạn cần sử dụng để nhấn mạnh hoặc tạm dừng để người nghe tiếp thu thông tin. Đánh dấu chúng trên bài phát biểu một cách rõ ràng và chính xác.
Lên sân khấu như một diễn viên
Các diễn viên sẽ phải dành vài phút trước khi lên sân khấu, nơi giúp học khoác lên mình một nhân vật và thực hiện nhiều hành động. Hoạt động nhỏ này khiến họ trở nên tự tin và khán giả bắt đầu chú ý đến họ. Bạn nên tạo lập một thói quen tương tự như các diễn viên để vượt qua nỗi sợ trước khi phát biểu. Hãy dành một vài phút suy nghĩ về những khía cạnh tích cực của những gì bạn sắp làm, điều này giúp đẩy lùi nỗi sợ của bạn. Bạn có thể tự hỏi: khán giả của tôi nhận được gì sau bài phát biểu này? Tôi sẽ đạt được gì sau bài phát biểu? Sau đó, bạn có thể mang những cảm xúc tích cực từ những câu hỏi này lên sân khấu. Cảm xúc có thể là sự phấn khích, thỏa mãn, nhưng hiệu quả là nó sẽ cung cấp một lối thoát cho adrenaline của bạn.
4 - Hít thở vài phút trước khi bạn tiếp tục phát biểu
Ngay trước khi bắt đầu bài phát biểu của mình, hãy hít vào, đếm đến bảy và thở ra. Làm điều này ba hoặc bốn lần. Nó giúp làm chậm quá trình tích tụ adrenaline và giúp làm giảm nhịp tim, từ đó làm giảm cảm giác hồi hộp hoặc lo lắng.
Tập thể dục nhẹ nhàng: Một bài tập thể dục ngắn là một cách tốt để chống lại tác dụng của adrenaline mà cơ thể chúng ta đang mong đợi sử dụng.
Bài tập làm nóng: Đứng trong tư thế thoải mái, hai đầu gối rộng bằng vai. Duỗi thẳng tay lên trần nhà, mở rộng cánh tay và chân càng xa càng tốt. Từ từ ngồi xổm xuống, đặt tay xuống sàn. Lặp lại điều này hai hoặc ba lần. Quay trở lại vị trí đứng ban đầu, xoay vai và sau đó mở rộng cánh tay sang một bên và lặp lại. Điều này sẽ giúp giảm căng thẳng. Sau đó, chạy nhẹ nhàng, chậm rãi tại chỗ trong một phút hoặc lâu hơn, đảm bảo rằng bạn đang di chuyển cánh tay của bạn. Cuối cùng thả lỏng bằng cách lắc tay và chân. Hãy nhớ rằng, đừng lạm dụng bài tập này nếu bạn không muốn bị kiệt sức trước khi phát biểu.
Làm cho adrenaline thành bạn của bạn
Một tiêu đề bài báo trên Forbes từ năm 2011: "Làm cho adrenaline trở thành bạn của bạn giúp cơ thể và não hoạt động tốt hơn". Thật vậy, khi đã quen với việc kiểm soát adrenaline, bạn sẽ luôn chắc chắn mình có đủ khả năng để phát biểu trước công chúng bất cứ lúc nào.
Trên đây là những phát biểu của Ros và Neil Johnson về những phương pháp giúp khắc phục nỗi sợ khi diễn thuyết trước nhiều người. Ros và Neil Johnson là những người sáng lập của Dramreaursus, người điều hành các hội thảo Shakespeare, các khóa học kịch và các khóa học hè. Họ đã trở lại Hội đồng Anh tại Malaysia để tổ chức một số hội thảo về việc sử dụng các kỹ thuật sân khấu trong lớp học vào đầu năm 2017. Những chia sẻ này rất hữu ích đối với người lớn, thậm chí còn được vận dụng trong nhiều lớp tiếng Anh dành cho người đi làm - những người thường xuyên phải vận dụng kỹ năng nói trong công việc: giao tiếp với nhiều khách hàng, thuyết trình sản phẩm trước đám đông. Hi vọng rằng bài viết này sẽ giúp ích cho những người đang mắc nỗi lo sợ khi đứng trước đám đông có thể giải quyết được vấn đề và tự tin diễn thuyết.