Chương trình do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) thực hiện.
Chương trình tìm kiếm và mời các cá nhân, nhóm và tổ chức người Chăm tại tỉnh Ninh Thuận nộp hồ sơ ý tưởng dự án và hoạt động nhằm đóng góp giữ gìn và tiếp diễn di sản văn hóa sống của người Chăm tại các cộng đồng địa phương. Chúng tôi mong muốn qua việc hỗ trợ những dự án và hoạt động này sẽ tạo ra những cơ hội mà người dân có thể trực tiếp đóng góp và hưởng lợi từ việc giữ gìn và tiếp diễn di sản văn hóa tại địa phương mình.
Mục đích cụ thể của chương trình là:
- Tạo cơ hội để người dân địa phương cùng tìm hiểu, chia sẻ và có sự hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị di sản văn hóa bản địa;
- Hỗ trợ người dân địa phương sử dụng những giá trị di sản văn hóa bản địa này để tạo ra những cơ hội mới đem lại những lợi ích cụ thể như cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống.
Tại sao lại có lời mời này?
Trong khuôn khổ dự án Di sản Kết nối, do Hội đồng Anh, VICAS và các đối tác thực hiện tại Việt Nam từ năm 2018, chúng tôi tìm những cách làm mới mà qua đó việc làm việc với di sản văn hóa có thể đóng góp vào phát triển đồng đều. Cách thức làm việc chính của chúng tôi là thông qua việc phối hợp với người dân địa phương, các cá nhân thực hành và làm việc lĩnh vực di sản, các tổ chức làm việc về di sản và phát triển cộng đồng, cũng như các cấp quản lý nhà nước. Đối tượng hưởng lợi mà dự án hướng tới là những người, nhóm người và cộng động là chủ di sản. Qua dự án này, chúng tôi mong muốn tạo ra các cơ hội mà di sản văn hóa có thể đóng góp vào phát triển bền vững tại địa phương.
Di sản Kết nối cho đến nay đã cộng tác làm việc cùng với các cộng đồng địa phương người Jarai, Bahnar ở Kon Tum, Gia Lai, người Chăm ở Ninh Thuận, nghệ sỹ và người mộ điệu các loại hình diễn xướng Nam Bộ ở thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long, và công đồng nghệ sỹ, người nghiên cứu và thực hành nghệ thuật, di sản và văn hóa ở cả Việt Nam và Vương quốc Anh.
Trong năm nay, chúng tôi muốn mở ra cơ hội để những người Chăm ở Ninh Thuận có tâm huyết và cam kết giữ gìn và tiếp diễn những giá trị văn hóa Chăm có thể tự đề ra và thực hiện những ý tưởng làm việc với di sản văn hóa để góp phần phát triển địa phương mình, qua đó làm tăng tính bền vững cho hoạt động ở địa phương.
Ai có thể nộp hồ sơ?
Bất kỳ cá nhân, nhóm, hoặc tổ chức người Chăm nào ở Ninh Thuận. Nếu là nhóm hoặc tổ chức quần chúng, cần cử một người đứng ra đại diện nộp hồ sơ.
Đề xuất hoạt động gì?
Chúng tôi không giới hạn loại hình dự án hay hoạt động, miễn là nhằm đạt được mục đích của chương trình như đã nêu trên. Dưới đây là một vài gợi ý về các loại dự án, hoạt động phù hợp với mục đích của chương trình:
- Các hoạt động truyền dạy di sản văn hóa Chăm (ví dụ như chữ viết, nhạc nghi lễ, hát đồng dao, truyền thuyết vv…) trong cộng đồng địa phương, có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như lớp học, nói chuyện trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt cho thiếu nhi hay người trẻ tuổi, tập luyện biểu diễn phục vụ cho các nghi lễ tại địa phương, vv...
- Các hoạt động tìm hiểu, giao lưu, trao đổi về di sản văn hóa Chăm mở rộng cho các đối tượng trong và ngoài cộng đồng địa phương, có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như các buổi nói chuyện, bàn tròn, thảo luận, hội thảo trực tiếp hoặc trực tuyến, hoặc các hình thức tham gia trải nghiệm trực tiếp có tương tác, đặc biệt dành cho các đối tượng là khách du lịch muốn tìm hiểu về văn hóa bản địa, vv…
- Các hoạt động nhằm sử dụng và phát triển nghề thủ công truyền thống của người Chăm (ví dụ như nghề dệt vải, nghề làm gốm vv…), có thể được thực hiện qua nhiều cách như sưu tập và tái hiện câu chuyện về nghề thủ công truyền thống hay các sản phẩm thủ công truyền thống, hoặc quảng bá sản phẩm, kết nối với thị trường, trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm theo hướng thương mại công bằng và đạo đức nghề thủ công, vv…
- Các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng dựa trên di sản văn hóa như làm thí điểm mô hình du lịch bền vững do người dân làm chủ, cách làm homestay, hoặc việc nghiên cứu, thiết kế, phát triển và đi vào thực hiện các tour về di sản văn hóa Chăm, cũng như các hoạt động du lịch khác có thể kết nối và giới thiệu giá trị di sản văn hóa Chăm đến khách du lịch vv…
Chúng tôi khuyến khích các đề xuất dự án và hoạt động bao gồm các thành phần đa dạng trong cộng đồng như trẻ em, thanh niên, nam, nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, những người thu nhập thấp hay điều kiện đời sống khó khăn vv… cùng tham gia và cùng hưởng lợi. Chúng tôi cũng khuyến cáo các bên có dự định nộp hồ sơ lưu ý về những khó khăn mà Covid-19 có thể gây ra làm cản trở đến việc thực hiện các ý tưởng về dự án hay hoạt động đề xuất, và dự trù những phương án vượt qua khó khăn.
Các hoạt động cần diễn ra ở đâu?
Để đảm bảo cam kết thực hiện và tính bền vững cao của hoạt động, chúng tôi khuyến khích việc thực hiện các hoạt động trong phạm vi tỉnh Ninh Thuận, hoặc có thể có các hoạt động diễn ra ở địa phương khác (ví dụ như các hoạt động đi học tập mô hình du lịch cộng đồng ở địa phương khác, hoặc hoạt động quảng bá sản phẩm hay du lịch địa phương tại địa bàn khác, hoặc các hoạt động diễn ra tại địa phương nhưng cần sự tư vấn, hỗ trợ của người ở ngoài địa phương vv…) nhưng đối tượng hưởng lợi của các hoạt động này là người Chăm sinh sống tại tỉnh Ninh Thuận.
Các hoạt động cần diễn ra trong thời gian nào?
Để đảm bảo mục đích theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện của các hoạt động, chúng tôi khuyến khích việc thực hiện các hoạt động từ lúc bắt đầu đến khi sử dụng hết ngân sách tài trợ không quá sáu tháng, dự kiến từ tháng Mười năm 2021 đến tháng Ba năm 2022.
Các dự án và hoạt động được lựa chọn sẽ nhận được hỗ trợ gì?
- Gói tài trợ ngân sách thực hiện: mỗi hồ sơ dự án hay hoạt động có thể đề xuất một gói ngân sách hỗ trợ từ 1.000 bảng (khoảng 31,000,000 VNĐ) đến 5.000 bảng (khoảng 150,000,000 VNĐ), bao gồm tất cả các loại thuế áp dụng hiện hành.
- Hội đồng Anh và VICAS có thể sẽ mời các chuyên gia tư vấn mặt chuyên môn (ví dụ về di sản văn hóa Chăm, về xây dựng mô hình du cộng đồng, về kể chuyện bằng hình ảnh vv...) để giúp quá trình thực hiện dự án hay hoạt động nếu hồ sơ được chọn và có yêu cầu. Điều này không có nghĩa là chúng tôi có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu tư vấn về mặt chuyên môn.
Những dự án và hoạt động được lựa chọn sẽ cần đảm bảo những yêu cầu gì?
- Thực hiện đúng theo chi tiết đề xuất trong hồ sơ dự án hay hoạt động, nhằm đạt được mục đích của chương trình, và không vượt quá thời gian cũng như mức ngân sách đề xuất (áp dụng cho phần ngân sách thực hiện được tài trợ).
- Đảm bảo quá trình thực hiện tuân thủ theo những yêu cầu về quản lý tài chính, báo cáo tiến độ thực hiện, và các yêu cầu khác về thông tin, truyền thông cho toàn bộ dự án hay hoạt động. Những yêu cầu này sẽ được cung cấp và hướng dẫn cụ thể sau khi hồ sơ được lựa chọn.
- Thông báo và được sự chấp thuận bằng văn bản của Hội đồng Anh hoặc VICAS cho bất kỳ thay đổi nào khi thực hiện dự án hay hoạt động so với nội dung đề xuất ban đầu.
Các hồ sơ sẽ được lựa chọn như thế nào?
Hội đồng Anh và VICAS sẽ cùng với các chuyên gia lựa chọn hồ sợ dựa trên các tiêu chí sau:
Tiêu chí | Điểm |
Hồ sơ thể hiện rõ ràng là dự án hay hoạt động được đề xuất sẽ tạo cơ hội để người dân địa phương cùng tìm hiểu, chia sẻ và có sự hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị di sản văn hóa bản địa | 25 |
Hồ sơ thể hiện rõ ràng là dự án hay hoạt động được đề xuất sẽ giúp cho người dân địa phương sử dụng những giá trị di sản văn hóa bản địa này để tạo ra những cơ hội mới đem lại những lợi ích cụ thể như cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống | 25 |
Hồ sơ thể hiện rõ ràng là dự án hay hoạt động được đề xuất có tính bền vững, có triển vọng sẽ được tiếp tục lâu dài tại địa phương ngay cả sau khi ngân sách hỗ trợ của Hội đồng Anh đã được sử dụng hết | 20 |
Hồ sơ thể hiện rõ ràng tính khả thi của việc thực thi dự án hay hoạt động được đề xuất, qua năng lực của người làm đề xuất, khả năng các hoạt động được triển khai đúng mục đích của chương trình và trong giới hạn thời gian | 15 |
Hồ sơ thể hiện rõ ràng tính khả thi của việc thực thi dự án hay hoạt động được đề xuất, qua ngân sách được phân bổ rõ ràng và hợp lý, cũng như có kế hoạch ứng phó với những khó khăn do Covid-19 có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án hay hoạt động | 15 |
Tổng điểm | 100 |
Các bước thực hiện và thời gian dự kiến?
Các bước | Thời gian dự kiến |
Lời mời nộp hồ sơ mở | 15.08.2021 |
Thảo luận bàn tròn với cố vấn chuyên môn và quản lý dự án về nội dung lời mời, ý tưởng triển vọng, và cách thức làm hồ sơ | 26.08.2021 |
Nộp hồ sơ | 17.09.2021 |
Hồ sơ được xét duyệt và thông báo kết quả đến người nộp hồ sơ | 27.09.2021 |
Ký kết hợp đồng tài trợ | 01.10.2021 |
Thực hiện dự án hay hoạt động | 01.10.2021–31.03.2022 |
Báo cáo tổng kết gửi tới cho Hội đồng Anh | 31.03.2022 |
Video ghi hình buổi thảo luận bàn tròn với cố vấn chuyên môn của chương trình và ban quản lý dự án có thể xem tại đây.
Cách thức nộp hồ sơ?
Bước 1: Tải xuống và điền thông tin vào mẫu đơn bên dưới (chỉ có bằng tiếng Việt). Chúng tôi chấp nhận hồ sơ đánh máy hoặc viết tay bằng tiếng Việt.
Bước 2: Gửi đơn đăng ký với điền đầy đủ thông tin đến hòm thư điện tử vnarts@britishcouncil.org.vn hoặc gửi đơn đăng ký tới địa chỉ Ban Nghệ Thuật, Hội đồng Anh Việt Nam, 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội trước ngày 17 tháng 09 năm 2021.
Các câu hỏi thắc mắc có thể gửi đến địa chỉ hòm thư điện tử hong.pham@britishcouncil.org.vn trước ngày 26 tháng 08 năm 2021.