Nhóm nữ dệt thổ cẩm Chăm tại HTX Mỹ Nghiệp
Lớp học truyền dạy nghề dệt thổ cẩm Chăm tại Hợp tác xã Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận 

Hội đồng Anh và các đối tác phối hợp thực hiện trân trọng giới thiệu Quỹ Di sản Văn hóa Sống 2022. 

Mục tiêu của Quỹ là hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ cho các sáng kiến thực hiện chương trình, hoạt động nhằm đóng góp giữ gìn và tiếp diễn di sản văn hóa sống ở các địa phương. Trọng điểm của Quỹ trong năm 2022 là các cộng đồng người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận, và các cộng đồng người dân tộc Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai. Chúng tôi mong muốn qua việc hỗ trợ những sáng kiến của các cá nhân, các nhóm cộng đồng, tổ chức làm việc với di sản văn hóa tại địa phương sẽ tạo ra những cơ hội mà người dân có thể trực tiếp đóng góp và hưởng lợi từ việc giữ gìn và tiếp diễn di sản văn hóa tại địa phương mình. 

Mục đích cụ thể của chương trình là:

  • Tạo cơ hội để người dân địa phương cùng tìm hiểu, chia sẻ và có sự hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị di sản văn hóa bản địa;
  • Hỗ trợ người dân địa phương sử dụng những giá trị di sản văn hóa bản địa này để tạo ra những cơ hội mới đem lại những lợi ích cụ thể như cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống.  

Trân trọng kính mời các cá nhân, nhóm cộng đồng, tổ chức tại các địa phương trọng điểm tham gia vào chương trình và nộp hồ sơ xin tài trợ trước ngày 07.09.2022 theo nội dung như sau.

Tại sao có lời mời nộp hồ sơ này?

Trong khuôn khổ chương trình Di sản Kết nối, do Hội đồng Anh và các đối tác thực hiện tại Việt Nam từ năm 2018, chúng tôi tìm những cách làm mới mà qua đó việc làm việc với di sản văn hóa có thể đóng góp vào phát triển đồng đều. Cách thức làm việc chính của chúng tôi là thông qua việc phối hợp với người dân địa phương, các cá nhân thực hành và làm việc lĩnh vực di sản, các tổ chức làm việc về di sản và phát triển cộng đồng, cũng như các cấp quản lý nhà nước. Đối tượng hưởng lợi mà dự án hướng tới là những người, nhóm người và cộng động là chủ di sản. Qua dự án này, chúng tôi mong muốn tạo ra các cơ hội mà di sản văn hóa có thể đóng góp vào phát triển bền vững tại địa phương. 

Di sản Kết nối cho đến nay đã cộng tác làm việc cùng với các cộng đồng địa phương người J’rai, Ba-na, Ê-đê ở Kon Tum, Gia Lai, người Chăm ở Ninh Thuận, nghệ sỹ và người mộ điệu các loại hình diễn xướng Nam Bộ ở thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long, và cộng đồng nghệ sỹ, người nghiên cứu và thực hành nghệ thuật, di sản và văn hóa ở cả Việt Nam và Vương quốc Anh. 

Năm 2021, chương trình đã hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ cho hơn 20 ý tưởng chương trình, hoạt động làm việc với di sản văn hóa tại Ninh Thuận và Gia Lai, góp phần bảo tồn và tiếp diễn giá trị quý báu của di sản văn hóa, qua việc đem lại những cơ hội đưa di sản văn hóa vào đời sống sinh hoạt và tạo ra những sinh kế thiết thực tại địa phương. 

Trong năm 2022, chúng tôi mong muốn tăng cường cơ hội để những cộng đồng người dân tộc ít người ở Ninh Thuận và Gia Lai có tâm huyết và cam kết giữ gìn và tiếp diễn những giá trị văn hóa bản địa tự lên ý tưởng và thực hiện các chương trình hoạt động làm việc với di sản văn hóa địa phương, qua đó làm tăng tính bền vững cho hoạt động ở địa phương. 

Ai có thể nộp hồ sơ?

Ưu tiên các cá nhân, nhóm, hoặc tổ chức người Chăm tại tỉnh Ninh Thuận và người J’rai, Ba-na, Ê-đê và các dân tộc ít người khác tại tỉnh Gia Lai tham gia nộp hồ sơ. Nếu là nhóm hoặc tổ chức quần chúng, cần cử một người đứng ra đại diện nộp hồ sơ và làm đầu mối liên lạc. 

Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích các cá nhân, nhóm, tổ chức xã hội, đoàn thể làm việc trong các lĩnh vực như phát triển nông thôn, quyền của người dân tộc thiểu số, du lịch cộng đồng bền vững, vv.. đặc biệt có kinh nghiệm làm việc với người dân tộc ít người tham gia nộp hồ sơ, với điều kiện là hồ sơ đề xuất làm việc tại Ninh Thuận và Gia Lai, và bao gồm các đối tượng thụ hưởng từ các cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận, và người J’rai, Ba-na, Ê-đê và các nhóm dân tộc ít người khác tại Gia Lai.

Đề xuất hoạt động gì?

Chúng tôi không giới hạn loại hình hoạt động mà các bên nộp hồ sơ có thể xây dựng đề án thực hiện, miễn là nhằm đạt được mục đích của chương trình như đã nêu trên. Chúng tôi khuyến khích sự tìm tòi, khám phá của các bên nộp hồ sơ về loại hình hoạt động phù hợp và khả thi với chính các đối tượng người dân tại các cộng đồng địa phương, để người dân có thể trực tiếp tham gia và hưởng lợi. 

Dưới đây là một vài gợi ý về các loại hoạt động phù hợp với mục đích của chương trình:

- Các hoạt động truyền dạy di sản văn hóa bản địa (ví dụ như chữ viết, nhạc nghi lễ, nhạc truyền thống hát đồng dao, kể chuyện truyền thuyết, chữ viết, âm nhạc cồng chiêng, nghi lễ, lễ hội truyền thống, ngôn ngữ, tri thức dân gian và các hình thức nghệ thuật và diễn xướng dân gian như tạc tượng, sử thi, dân ca vv…) trong cộng đồng địa phương, có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như lớp học, nói chuyện trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt cho thiếu nhi hay người trẻ tuổi, tập luyện biểu diễn phục vụ cho các nghi lễ tại địa phương, vv...

- Các hoạt động tìm hiểu, giao lưu, trao đổi về di sản văn hóa bản địa mở rộng cho các đối tượng trong và ngoài cộng đồng địa phương, có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như các buổi nói chuyện, bàn tròn, thảo luận, hội thảo trực tiếp hoặc trực tuyến, hoặc các hình thức tham gia trải nghiệm trực tiếp có tương tác, đặc biệt dành cho các đối tượng là khách du lịch muốn tìm hiểu về văn hóa bản địa, vv…

- Các hoạt động nhằm sử dụng và phát triển nghề thủ công truyền thống của người bản địa (ví dụ như nghề dệt vải, nghề làm gốm, đan lát, tạc tượng vv…), có thể được thực hiện qua nhiều cách như sưu tập và tái hiện câu chuyện về nghề thủ công truyền thống hay các sản phẩm thủ công truyền thống, hoặc quảng bá sản phẩm, kết nối với thị trường, trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm theo hướng thương mại công bằng và đạo đức nghề thủ công, vv…

- Các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng dựa trên di sản văn hóa như làm thí điểm mô hình du lịch bền vững do người dân làm chủ, cách làm homestay, hoặc việc nghiên cứu, thiết kế, phát triển và đi vào thực hiện các tour về di sản văn hóa bản địa, cũng như các hoạt động du lịch khác có thể kết nối và giới thiệu giá trị di sản văn hóa bản địa đến khách du lịch vv…

Chúng tôi khuyến khích các đề xuất hoạt động bao gồm các thành phần đa dạng trong cộng đồng như trẻ em, thanh niên, nam, nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, những người thu nhập thấp hay điều kiện đời sống khó khăn vv… cùng tham gia và cùng hưởng lợi. 

Chúng tôi đặc biệt khuyến khích các đề xuất hoạt động nhằm vận động sự tham gia của nữ giới làm việc với di sản văn hóa, nhất là các hoạt động khuyến khích nữ giới tích cực đóng góp ý kiến và đưa ra quyết định khi làm việc với di sản văn hóa. 

Các hoạt động cần diễn ra ở đâu?

Để đảm bảo cam kết thực hiện và tính bền vững cao của hoạt động, chúng tôi khuyến khích việc thực hiện các hoạt động trong phạm vi tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Gia Lai, hoặc có thể có các hoạt động diễn ra ở địa phương khác (ví dụ như các hoạt động đi học tập mô hình du lịch cộng đồng ở địa phương khác, hoặc hoạt động quảng bá sản phẩm hay du lịch địa phương tại địa bàn khác, hoặc các hoạt động diễn ra tại địa phương nhưng cần sự tư vấn, hỗ trợ của người ở ngoài địa phương vv…) nhưng đối tượng hưởng lợi của các hoạt động này là người Chăm ở Ninh Thuận, và người J’rai, Ba-na, Ê-đê và các nhóm dân tộc ít người khác ở Gia Lai.

Các hoạt động cần diễn ra trong thời gian nào?

Để đảm bảo mục đích triển khai theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện của các hoạt động được hiệu quả, chúng tôi khuyến khích lên kế hoạch triển khai hoạt động từ lúc bắt đầu đến khi sử dụng hết ngân sách tài trợ không quá sáu tháng, dự kiến từ tháng Mười năm 2022 đến tháng Ba năm 2023. 

Tham gia vào chương trình sẽ nhận được hỗ trợ gì? 

  • Các bên có quan tâm tiến hành xây dựng đề án để nộp hồ sơ cho Hội đồng Anh, sẽ được mời đăng ký tham dự buổi chia sẻ thông tin về Quỹ Di sản Văn hóa Sống 2022. 
  • Gói tài trợ ngân sách thực hiện: mỗi đề án có thể thiết kế đề xuất một gói ngân sách hỗ trợ từ Hội đồng Anh từ 1000 bảng (khoảng 28 triệu đồng) đến 5000 bảng (khoảng 141 triệu đồng), trong đó bao gồm tất cả các loại thuế áp dụng hiện hành. 
  • Chương trình hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn, bao gồm các buổi tập huấn về các kỹ năng cần thiết như lập đề án và quản lý triển khai đề án, các kỹ năng và quy trình phát triển cộng đồng, các kỹ năng và quy trình làm việc với di sản văn hóa bản địa, các chủ đề liên quan như cân bằng giới, vận động sự tham gia đồng đều, sự đa dạng và tính nguyên bản của văn hóa bản địa, vv… Tất cả các bên được nhận tài trợ từ chương trình sẽ được mời tham gia tập huấn đề chuẩn bị cho việc triển khai các đề án tại địa phương.

Hội đồng Anh có thể sẽ mời các chuyên gia tư vấn chuyên môn (ví dụ về di sản văn hóa bản địa, về xây dựng mô hình du cộng đồng, về kể chuyện bằng hình ảnh vv...) để trợ giúp quá trình thực hiện các đề án được lựa chọn nếu được yêu cầu. Điều này không có nghĩa là chúng tôi có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu tư vấn về mặt chuyên môn. Chúng tôi khuyến khích các đề án chủ động tìm hiểu và đề xuất các giải pháp tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn trong khuôn khổ hoạt động đề xuất.

Những đề án được lựa chọn sẽ cần đảm bảo những yêu cầu gì?

  • Thực hiện đúng theo chi tiết đề xuất trong hồ sơ đề án, nhằm đạt được mục đích của chương trình, và không vượt quá thời gian cũng như mức ngân sách đề xuất (áp dụng cho phần ngân sách thực hiện được Hội đồng Anh tài trợ).
  • Đảm bảo quá trình thực hiện tuân thủ theo những yêu cầu về quản lý tài chính của chương trình và các quy định hiện hành của nhà nước, báo cáo tiến độ thực hiện, và các yêu cầu khác về thông tin, truyền thông cho toàn bộ hoạt động. Những yêu cầu này sẽ được cung cấp và hướng dẫn cụ thể sau khi hồ sơ được lựa chọn.
  • Đảm bảo tuân thủ những quy định hiện hành cho các hoạt động của các cơ quan quản lý tại địa phương một cách đầy đủ. 
  • Thông báo và được sự chấp thuận bằng văn bản của Hội đồng Anh cho bất kỳ thay đổi nào khi thực hiện hoạt động so với nội dung đề xuất ban đầu. 

Các hồ sơ sẽ được lựa chọn như thế nào? 

Hội đồng Anh sẽ phối hợp với các đối tác và chuyên gia về di sản văn hóa và phát triển cộng đồng, trong đó có các chuyên gia đến từ các địa phương trọng điểm, lựa chọn hồ sợ dựa trên các tiêu chí sau: 

Tiêu chí Điểm
Hồ sơ thể hiện rõ ràng là dự án hay hoạt động được đề xuất sẽ tạo cơ hội để người dân địa phương cùng tìm hiểu, chia sẻ và có sự hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị di sản văn hóa bản địa 25
Hồ sơ thể hiện rõ ràng là dự án hay hoạt động được đề xuất sẽ giúp cho người dân địa phương sử dụng những giá trị di sản văn hóa bản địa này để tạo ra những cơ hội mới đem lại những lợi ích cụ thể như cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống  25
Hồ sơ thể hiện rõ ràng là dự án hay hoạt động đề xuất có tính bền vững, có triển vọng sẽ được tiếp tục lâu dài tại địa phương ngay cả sau khi ngân sách hỗ trợ của Hội đồng Anh đã được sử dụng hết  20
Hồ sơ thể hiện rõ ràng tính khả thi của việc thực thi dự án hay hoạt động được đề xuất, qua năng lực của người làm đề xuất, khả năng các hoạt động được triển khai đúng mục đích của chương trình và trong giới hạn thời gian  15
Hồ sơ thể hiện rõ ràng tính khả thi của việc thực thi dự án hay hoạt động được đề xuất, qua ngân sách được phân bổ rõ ràng và hợp lý, cũng như có kế hoạch ứng phó với những khó khăn do Covid-19 có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án hay hoạt động  15
Tổng điểm  100

Các bước thực hiện và thời gian dự kiến?

Các bước Thời gian dự kiến
Lời mời nộp hồ sơ cho quỹ Di sản Văn hóa Sống 15.08.2022
Câu hỏi, thắc mắc cho chương trình  21.08.2022
Buổi thông tin giới thiệu quỹ Di sản Văn hóa Sống  23.08.2022
Hạn nộp hồ sơ 07.09.2022
Hồ sơ được xét duyệt và thông báo kết quả 20.09.2022
Ký kết hợp đồng tài trợ  30.09.2022
Chuỗi tập huấn tăng cường năng lực chuyên môn và quản lý dự án cho các nhóm được lựa chọn nhận quỹ tài trợ 01.10.2022 - 31.10.2022
Triển khai thực hiện các đề án 01.10.2022 - 31.03.2023
Báo cáo tổng kết gửi Hội đồng Anh 31.03.2023

Để tham gia vào buổi thảo luận bàn tròn với cố vấn chuyên môn của chương trình và ban quản lý dự án xin đăng ký tại đây.

Cách thức nộp hồ sơ?

Bước 1: Tải xuống và điền thông tin vào mẫu đơn bên dưới (chỉ có bằng tiếng Việt). Chúng tôi chấp nhận hồ sơ đánh máy hoặc viết tay bằng tiếng Việt. 

Bước 2: Gửi đơn đăng ký với điền đầy đủ thông tin đến hòm thư điện tử vnarts@britishcouncil.org.vn hoặc gửi đơn đăng ký tới địa chỉ Ban Nghệ Thuật, Hội đồng Anh Việt Nam, 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội trước ngày 07 tháng 09 năm 2022. 

Các câu hỏi thắc mắc có thể gửi đến địa chỉ hòm thư điện tử hong.pham@britishcouncil.org.vn trước ngày 21 tháng 08 năm 2022.