Hoạt động trưng bày Kết nối Di sản, tôn vinh những di sản văn hóa độc đáo của cộng đồng Ba Na và Chăm, tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội từ ngày 01 đến 07 tháng 12 năm 2023 ©

Kilomet109

Bối cảnh

Di sản Văn hóa hướng đến sự Phát triển đồng đều là một chương trình nghiên cứu hành động do Hội đồng Anh thực hiện tại Colombia, Kenya và Việt Nam, nhằm sử dụng các di sản văn hóa để đem đến lợi ích cho mọi đối tượng trong xã hội. Phiên bản Việt Nam của chương trình là dự án Di sản Kết nối – làm việc với các di sản văn hóa, đặc biệt là các giá trị ít được biết đến hoặc có nguy cơ mai một.

Trong giai đoạn 2018-2021, dự án gồm hai hợp phần chính liên quan chặt chẽ: Di sản Cộng đồng, và FAMLAB (Phim, nhạc và lưu trữ). Các hoạt động của Hợp phần Một tập trung vào các nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại các cộng đồng địa phương, trong khi đó Hợp phần Hai hướng đến cộng đồng sáng tạo nói chung – đặc biệt là nghệ sĩ và khán giả – nhằm giúp khởi phát các dự án đương đại tương tác với các giá trị truyền thống. Từ năm 2021 đến nay, Di sản Kết nối tiếp tục triển khai với các hợp phần là Kể chuyện Di sản, Quỹ hỗ trợ Thách thức Di sản văn hóa cộng đồng và Bộ sưu tập số Di sản Kết nối.

Tiếp nối các hoạt động hỗ trợ cộng đồng hưởng lợi từ việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của địa phương, Hội đồng Anh vừa ra mắt Câu lạc bộ Di sản Kết nối vào tháng Một năm 2024. Câu lạc bộ này hướng đến các thành viên đã tham gia vào của dự án Di sản Kết nối trong vòng năm năm qua cũng như các cá nhân và tổ chức quan tâm và đang hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa và phát triển bền vững. Thông qua các hoạt động đa dạng như trò chuyện trực tuyến, thảo luận và kết nối, Câu lạc bộ mong muốn chia sẻ các ví dụ điển hình và các câu chuyện truyền cảm hứng, từ đó hỗ trợ cộng đồng địa phương chủ động hơn trong việc thiết kế và triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa.

Thông báo mời nộp hồ sơ

Trong khuôn khổ các hoạt động của Câu lạc bộ Di sản Kết nối, Hội đồng Anh trân trọng giới thiệu Quỹ hỗ trợ nhỏ - Di sản Văn hóa và Phát triển bền vững, nhằm tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức lên ý tưởng và triển khai các sáng kiến sử dụng di sản văn hóa như một nguồn lực đóng góp vào sự phát triển bền vững tại địa phương. Mục tiêu của chương trình là khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia và đóng góp vào việc bảo vệ và phát triển bền vững di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam.

Các cá nhân, nhóm cộng đồng và tổ chức quan tâm có thể gửi hồ sơ đến chương trình trước ngày 01.03.2024 theo hướng dẫn chi tiết phía dưới đây. 

Ai có thể nộp hồ sơ?

Mục đích của chương trình là kích thích các giải pháp sáng tạo và chiến lược phát triển bền vững, vì vậy chúng tôi hướng đến tất cả các cá nhân, nhóm, hội hay các tổ chức đang hoạt động cũng như quan tâm đến lĩnh vực văn hóa và phát triển.

Đề xuất hoạt động gì?

Chương trình không có giới hạn loại hình dự án hay hoạt động kinh doanh, miễn là sáng kiến này sử dụng các phương thức tiếp cận sáng tạo, khuyến khích các thành viên cộng đồng khám phá những cách thức mới để tương tác với di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững. Dưới đây là một vài gợi ý về các loại dự án, hoạt động phù hợp với mục đích của chương trình:

  • Một nhóm hội hay mạng lưới liên kết những người nắm giữ và thực hành di sản với những đối tác tiềm năng như các nhà thiết kế, các doanh nghiệp,v.v
  • Hoạt động xây dựng và phát triển sản phẩm gắn với di sản văn hóa, các hoạt động này bao gồm nghiên cứu thị trường, cải tiến sản phẩm, quảng cáo, kết nối với thị trường, trưng bày và giới thiệu sản phẩm, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng 
  • Hoạt động tương tác với công nghệ, truyền thông nhằm duy trì và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể 

Chương trình mong muốn nhận được những đề xuất cho các dự án hợp tác và sáng tạo nhằm hướng tới các giá trị bền vững và tác động lâu dài và mang lại lợi ích cho ngành di sản ở Việt Nam. Chúng tôi khuyến khích các đề xuất dự án và hoạt động bao gồm các thành phần đa dạng trong cộng đồng như trẻ em, thanh niên, nam, nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, những người thu nhập thấp hay điều kiện đời sống khó khăn vv… cùng tham gia và cùng hưởng lợi.

Các hoạt động cần diễn ra ở đâu?

Để đảm bảo cam kết thực hiện và tính bền vững cao của hoạt động, chúng tôi khuyến khích việc thực hiện các hoạt động tại Việt Nam. 

Các dự án và hoạt động được lựa chọn sẽ nhận được hỗ trợ gì?

Gói tài trợ ngân sách thực hiện: mỗi hồ sơ dự án hay hoạt động có thể đề xuất một gói ngân sách hỗ trợ tối đa là 2.000 bảng Anh (khoảng 60 triệu đồng), bao gồm tất cả các loại thuế áp dụng hiện hành. Chúng tôi mong đợi ngân sách này sẽ được sử dụng như một vốn hạt giống để cộng đồng có thể hiện thực hóa và phát triển ý tưởng liên quan đến di sản văn hóa và sự phát triển bền vững, vì vậy chương trình cũng khuyến khích các nguồn lực khác từ bên ngoài. 

Các hoạt động cần diễn ra trong thời gian nào?

Để đảm bảo mục đích theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện của các hoạt động, chúng tôi khuyến khích việc thực hiện các hoạt động từ lúc bắt đầu đến khi sử dụng hết ngân sách tài trợ không quá sáu tháng, dự kiến từ tháng Ba đến hết tháng Chín năm 2024.

Tiêu chí lựa chọn của chương trình là gì?

STT Tiêu chí Điểm tối đa
1

Tính liên quan
-  Di sản văn hóa và cộng đồng là hai nguồn lực chính cho các hoạt động của sáng kiến

40
2

Tính khả thi
- Kinh nghiệm đã thực hiện triển khai các hoạt động tương tự
Hồ sơ được chuẩn bị đầy đủ, gồm: kế hoạch thực hiện dự án rõ ràng, ngân sách hợp lý 

30
3

Tác động tiềm năng
- Sáng kiến tạo cơ hội cho cộng đồng cơ hội nhìn nhận lại cũng như hưởng lợi từ di sản văn hóa cả trên khía cạnh xã hội và kinh tế
- Sáng kiến có khả năng được duy trì và phát triển bởi cộng đồng (sau khi dự án kết thực)
- Kết quả dự án có tiềm năng phát triển và/hoặc thu hút các nguồn tài trợ khác 

30
TỔNG ĐIỂM 100

Các mốc thời gian tham khảo

Kế hoạch dự kiến Nội dung
05.02.2024 Thông báo gửi ý tưởng
25.02.2024 Hạn gửi câu hỏi
01.03.2024 Hạn gửi ý tưởng
11.03.2024 Lựa chọn đề cử và thông báo
18.03.2024 Các đề cử được lựa chọn bắt đầu triển khai các hoạt động

Các bước nộp hồ sơ

Bước 1: Tải xuống và điền thông tin vào mẫu đơn bên dưới. Chúng tôi chấp nhận hồ sơ đánh máy hoặc viết tay bằng tiếng Việt.

Bước 2: Gửi đơn đăng ký với điền đầy đủ thông tin đến hòm thư điện tử vnarts@britishcouncil.org.vn trước 23.59 ngày 01 tháng 03 năm 2024 (giờ Việt Nam).

Các câu hỏi thắc mắc có thể gửi đến địa chỉ hòm thư điện tử nga.phan@britishcouncil.org.vn trước 25 tháng 02 năm 2024.

Xem thêm