Thợ dệt vải thủ công người Chăm tại Hợp tác xã dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp tỉnh Ninh Thuận ©

Hội đồng Anh 

1. Thông tin chung về Hội đồng Anh  

Hội đồng Anh là tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa và cơ hội giáo dục của Vương quốc Anh. Chúng tôi xây dựng các kết nối, sự hiểu biết và tin tưởng giữa người dân Vương quốc Anh và các quốc gia khác thông qua nghệ thuật và văn hoá, giáo dục và ngôn ngữ tiếng Anh. Năm trước, chúng tôi đã kết nối trực tiếp với 80 triệu người và với 791 triệu người thông qua các kênh trực tuyến, các chương trình phát thanh, truyền hình và các ấn phẩm. Được thành lập năm 1934, Hội đồng Anh là một tổ chức từ thiện của Vương quốc Anh, hoạt động theo Hiến chương Hoàng gia Anh và là một tổ chức công của Vương quốc Anh. Chính phủ Anh tài trợ 15 phần trăm ngân sách hoạt động của chúng tôi. Xem thêm thông tin tại www.britishcouncil.org

2. Giới thiệu 

Di sản Văn hóa hướng đến sự Phát triển đồng đều là một chương trình nghiên cứu hành động do Hội đồng Anh thực hiện tại Colombia, Kenya và Việt Nam, nhằm sử dụng các di sản văn hóa để đem đến lợi ích cho mọi đối tượng trong xã hội. Trong trường hợp này, di sản văn hóa bao gồm từ các di sản vật thể đến các truyền thống văn hóa phi vật thể như âm nhạc hay ngôn ngữ, còn sự phát triển đồng đều nhằm chỉ các nỗ lực xóa bỏ mối quan hệ đối nghịch giữa phát triển kinh tế và khoảng cách giàu nghèo. Phiên bản Việt Nam của chương trình là dự án Di sản Kết nối – làm việc với các di sản nhạc và phim, đặc biệt là các giá trị ít được biết đến hoặc có nguy cơ mai một. Xem thêm thông tin về Di sản Kết nối tại link sau.  

3. Đề xuất hợp tác

Hội đồng Anh mong muốn xây dựng Bộ sưu tập số Di sản Kết nối – một bộ sưu tập số hóa những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các cộng đồng, các nhóm, và cá nhân đa dạng đã tham gia vào của dự án Di sản Kết nối trong vòng bốn năm qua. Bộ sưu tập này muốn nhắm đến các cộng đồng người Bahnar, Ede và Jrai ở Tây Nguyên, cộng đồng người Chăm ở Nam Trung Bộ, và cộng đồng nghệ sỹ và người mộ điệu các loại hình diễn xướng Nam Bộ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mục tiêu chung của bộ sưu tập này là đảm bảo rằng những giá trị di sản văn hóa của các cộng đồng đa dạng, đặc biệt là những di sản ít được biết đến và có khả năng sớm bị lãng quên, cũng như những câu chuyện, những cộng đồng và con người đằng sau những di sản này sẽ được ghi lại một cách chân thực và được trình bày sáng tạo dưới hình thức kỹ thuật số, có thể được chia sẻ trong và ngoài các cộng đồng.

Trong năm 2021-2022, nội dung ban đầu của bộ sưu tập đã hoàn thiện với 17 tư liệu về di sản văn hóa và việc thu thập này được thực hiện thông qua các đề xuất của các thành viên cộng đồng tại Gia Lai, Ninh Thuận, Kon Tum và Thành phố Hồ Chí Minh. Xem thêm thông tin về bộ sưu tập và các tư liệu ở link sau. 

Dưới đây là những kết quả mong đợi của bộ sưu tập số Di sản Kết nối trong giai đoạn 2025, cụ thể là sẽ trở thành một nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực di sản cho tất cả các nhóm và cộng đồng tại Việt Nam với những chức năng chính sau:

- Học hỏi: trình bày và giới thiệu một cách sáng tạo nội dung ban đầu của bộ sưu tập Di sản Kết nối trên một nền tảng kỹ thuật số cùng với hoạt động tương tác. Bộ sưu tập này hiện bao gồm 17 tư liệu về các di sản văn hóa, mỗi tư liệu cung cấp thông tin chung về di sản, ảnh chụp, hình vẽ, phim ngắn, và /hoặc file ghi âm. Đây sẽ là nguồn tư liệu hữu ích, giúp các cá nhân đang làm việc trong lĩnh vực di sản cũng như ai quan tâm đến chủ đề này có thể học hỏi về các di sản văn hóa sống của các cộng đồng khác nhau tại Việt Nam, đặc biệt các giá trị văn hóa ít được biết đến và có nguy cơ bị mai một. Ấn vào sơ đồ sau để có thêm thông tin về các tư liệu đã được số hóa. 

- Chia sẻ: cho phép các thành viên cộng đồng, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số và các chuyên gia trong lĩnh vực di sản có thể tự đăng tải cũng như chia sẻ bất kì nội dung nào về di sản văn hóa của họ, các nội dung này có thể ở dạng hình ảnh, video, hay thông tin. Nói cách khác, nền tảng này có thể xây dựng như thư viện mở wiki, do chính người sử dụng sở hữu và sáng tạo nội dung.  

- Phát triển: cung cấp chuỗi các hoạt động bao gồm gặp gỡ báo chí, trò chuyện trực tuyến, các buổi chia sẻ thông tin, kể chuyện di sản hay các cuộc thi trực tuyến nhằm khuyến khích quảng bá các di sản văn hóa sống đến với công chúng. Hoạt động này có thể mở rộng và mang đến lợi ích cho mạng lưới các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực di sản, phát triển bền vững, các cá nhân thực hành cũng như các thành viên cộng đồng tại Việt Nam. 

Chúng tôi đang tìm kiếm một đối tác quan tâm đến việc xây dựng tầm nhìn và một kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch này nhằm xây dựng, quản lý và quảng bá tốt nhất trang tư liệu về di sản này tại Việt Nam trong ba đến năm năm tới. Đối tác này có thể là một nhóm sáng tạo với kinh nghiệm và chuyên môn trong ngành di sản, truyền thông và công nghệ kỹ thuật số. Mục tiêu của chúng tôi là nền tảng số này sẽ được quảng bá và sử dụng rộng rãi, với số lượng khán giả trực tuyến khoảng 80,000 người trong năm đầu tiên. 

Lưu ý rằng việc hợp tác này sẽ bao gồm việc quản lý dữ liệu và cần tuân thủ theo Chính sách Quản lý Thông tin và Quản lý Rủi ro của Hội đồng Anh. Đối tác cũng sẽ cần tôn trọng những Điều khoản và Điều kiện về Sở hữu trí tuệ đang được áp dụng với những nội dung hiện có. Chi tiết của các quy định này sẽ được thảo luận và thể hiện rõ ràng trong thỏa thuận hợp tác.

4. Thời gian 

Chúng tôi mong muốn có thể làm việc với đối tác tiềm năng theo kế hoạch dưới đây:

Hoạt động (có thể thay đổi theo
thỏa thuận giữa hai bên)
Thời gian
Thông báo mời hợp tác 16 tháng 11 2022
Hạn chót gửi câu hỏi liên quan 01 tháng 12 2022
Hạn chót gửi đề xuất trả lời
của đối tác tiềm năng
11 tháng 12 2022
Thông báo kết quả 16 tháng 12 2022
Thỏa thuận có hiệu lực 23 tháng 12 2022 
Kết thúc thỏa thuận  ba đến năm năm kể từ
ngày thỏa thuận có hiệu lực

5. Khoản tài trợ

Chúng tôi sẽ dành một khoản tài trợ tối đa là VND720,000,000 (khoảng GBP 25,000) cho việc trình bày, chia sẻ, quản lý và quảng bá cho trang tư liệu này trong khoảng từ ba đến năm năm. Khoản chi phí này không nhằm vào việc phát triển nội dung mới cho trang web. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích các đối tác tiềm năng có một tầm nhìn để phát triển nội dung mới với các nguồn kinh phí khác. Vui lòng lưu ý rằng khoản tài trợ này bao gồm các chi phí kỹ thuật như duy trì tên miền, hosting và bảo trì cho website với những nội dung hiện có trong khoảng từ ba đến năm năm. 

6. Tiêu chí lựa chọn

Phản hồi của các đối tác tiềm năng sẽ được xem xét và lựa chọn dựa trên đánh giá về tầm nhìn và kế hoạch quản lý trang tư liệu như đề xuất, cân nhắc các yếu tố sau: 

- Các lợi ích cho lĩnh vực di sản, nghệ thuật, văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam, đặc biệt là:

  • các ý tưởng sáng tạo trong việc trình bày, quản lý và quảng bá nội dung của nền tảng số 
  • truyền thông tích cực và tiếp cận tới khán giả mục tiêu là các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực di sản, phát triển bền vững, các cá nhân thực hành cũng như các thành viên cộng đồng; và
  • chú ý tạo ra lợi ích cho các thành viên cộng động bao gồm phụ nữ và trẻ em gái, người dân tộc thiểu số từ thành phố đến nông thôn 

- Nguồn kinh phí được lên kế hoạch sử dụng một cách tối ưu để đạt được mục tiêu đề ra nhằm trình bày, quản lý và quảng bá tốt nhất cho nguồn tư liệu 

- Chuyên môn và kinh nghiệm liên quan của đối tác tiềm năng 

7. Hướng dẫn gửi câu trả lời

Các đối tác tiềm năng có quan tâm vui lòng gửi câu trả lời và ngân sách dự kiến theo mẫu dưới đây và gửi về địa chỉ vnarts@britishcouncil.org.vn trước 23.59 giờ Việt Nam, 11 tháng 12 2022.

8. Các câu hỏi liên quan 

Các câu hỏi liên quan (nếu có) vui lòng gửi tới vnarts@britishcouncil.org.vn trước 01 tháng 12 năm 2022.