Hoạt động làm phim tại Trung tâm TPD. ©

TPD

FAMLAB x Stories – Khóa học Làm phim tài liệu sáng tạo 
Tìm kiếm thành viên tham dự  

Thời gian: 15–26 tháng 10 năm 2019 
Địa điểm: Trung tâm TPD – 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội

Khóa học do Hội đồng Anh tại Việt Nam hợp tác cùng Viện Phim Tài liệu Scotland và Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD tổ chức. Chúng tôi đang tìm kiếm 15 nhà làm phim và ba đến năm nhạc sỹ cho khoá học Làm phim tài liệu sáng tạo – FAMLAB x Stories, nhằm kỷ niệm và tôn vinh những cá nhân nữ và phi nhị giới thực hành âm nhạc truyền thống tại Việt Nam. 

Hạn nộp hồ sơ: 15 tháng 9 năm 2019. 

1. Tổng quan 

Trong khuôn khổ Dự án Di sản kết nối đang được triển khai bởi Hội đồng Anh tại Việt Nam, khóa học này mong muốn tạo ra cơ hội cho các nhà làm phim Việt Nam để gắn kết chặt chẽ hơn với các chất liệu âm nhạc truyền thống được ít người biết đến, từ đó đóng góp vào việc bảo tồn di sản âm nhạc Việt Nam. Dựa trên mô hình chương trình Stories (Những câu chuyện) của Viện Phim Scotland, khóa học kéo dài 10 ngày này sẽ làm việc với 15 nhà làm phim trẻ Việt Nam với các khách mời là các nhạc sỹ và cá nhân thực hành âm nhạc truyền thống, nhằm sản xuất năm bộ phim ngắn về câu chuyện của những cá nhân nữ và phi nhị giới thực hành âm nhạc truyền thống, vượt ra ngoài chân dung nhân vật thông thường. 

Chương trình sẽ kết thúc với một buổi chiếu năm bộ phim được hoàn thiện trong quá trình học với thời lượng mỗi bộ phim từ 5 đến 10 phút. Chúng tôi hy vọng rằng các bộ phim và những các câu chuyện được khởi xướng sẽ đem lại một góc nhìn đa chiều về cuộc sống trong bối cảnh khác nhau.   

2. Thông tin về khóa học 

  • Địa điểm: Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD – 51 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Địa điểm quay sẽ được lựa chọn bởi ứng viên.
  • Ngày: 15–25 tháng 10 (nghỉ ngày 20 tháng 10). Buổi trình chiếu sẽ được tổ chức vào ngày 26 tháng 10 tại Rạp Hội Điện ảnh Việt Nam (cùng toà nhà với Trung tâm TPD).
  • Thời gian: 09.00–12.00 và 13.30–18.00. Người tham dự có thể làm phim ngoài giờ nếu thấy phù hợp.
  • Mục tiêu mong đợi: những người tham dự khóa học sẽ có được:
    + kĩ năng kể chuyện sáng tạo và góc nhìn sâu sắc, đặc biệt là cách làm việc với các nhân vật và khai thác câu chuyện trong bối cảnh âm nhạc truyền thống
    + sự kết nối với các nhạc sỹ và các cá nhân thực hành nghệ thuật truyền thống
    + một bộ phim tài liệu sáng tạo (mà các thành viên sẽ cùng làm)
    + trình chiếu bộ phim này tới khán giả ngay sau khóa học, và có thể chiếu tại nước ngoài 
  • Lịch làm việc: chúng tôi đang xây dựng một lịch làm việc theo ngày phù hợp nhất với bối cảnh của Việt Nam và các nhà làm phim Việt Nam. Vào ngày thứ hai của workshop, mỗi thành viên trong số 15 nhà làm phim tham dự sẽ trình bày ý tưởng câu chuyện của mình, chọn ra năm ý tưởng và phát triển ý tưởng này trong năm nhóm, mỗi nhóm ba thành viên. Lịch làm việc dự kiến có thể tải xuống ở phía dưới. 
  • Thông tin khác: Toàn bộ bữa trưa sẽ do Ban tổ chức chuẩn bị trong tất cả các ngày diễn ra khóa học và một bữa tối vào buổi chiếu phim ngày 26 tháng 10 năm 2019. 

3. Tiêu chí lựa chọn thành viên tham dự 

  • Các nhà làm phim và nhạc sỹ (có thể là sinh viên) người Việt Nam, trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi
  • Có kỹ năng và kinh nghiệm cơ bản về làm phim /làm nhạc 
  • Quan tâm và hứng thú với chủ đề của khoá học (những cá nhân nữ và phi nhị giới thực hành âm nhạc truyền thống)
  • Yêu thích làm phim tài liệu  
  • Cam kết tham gia đầy đủ các hoạt động của khoá học và đóng góp vào việc hoàn thiện phim. 

Ban tổ chức tin rằng sự đa dạng cần được tôn vinh và tài năng tồn tại trong xã hội không phân biệt giới tính, tôn giáo, hay tầng lớp xã hội, vì vậy chúng tôi khuyến khích các nhà làm phim từ tất cả các tầng lớp tham dự chương trình. 

Chúng tôi cũng khuyến khích các nhà làm phim không sinh sống tại Hà Nội tham dự chương trình, miễn là các thành viên có thể tiếp cận được các câu chuyện cho mục đích của khóa học. Thành viên sẽ tự chi trả cho các chi phí liên quan (bao gồm di chuyển và ăn ở tại Hà Nội) để có thể tham dự toàn bộ khóa học. 

4.  Hồ sơ đăng ký tham dự 

Nếu quan tâm, vui lòng nôp bộ hồ sơ đăng ký tham dự bao gồm: 

Đối với nhà làm phim

  • Một đoạn tóm tắt (tối đa 500 từ) về câu chuyện (tại Hà Nội và liên quan đến chủ đề của khoá học) mà ứng viên muốn phát triển trong khoá học
  • CV (tối đa một trang A4) chi tiết về kinh nghiệm làm phim và thực hành phim
  • Link trực tuyến (không quá 3) của các phim mà ứng viên đã tham gia vào quá trình sản xuất, ghi rõ thông tin, công việc trong đoàn mà mình đã thực hiện

Đối với nhạc sỹ (hoặc sinh viên âm nhạc) 

  • CV (tối đa 1 trang A4) về kinh nghiệm soạn nhạc cho phim
  • Link trực tuyến (không quá 3) của các sản phẩm trước

Vui lòng gửi bộ hồ sơ tới địa chỉ vnarts@britishcouncil.org.vn trước 15 tháng 9 năm 2019. Vòng phỏng vấn các ứng viên được lựa chọn sẽ diễn ra trong tuần từ 23 tháng 9 năm 2019. Kết quả thông báo vào 30 tháng 9 năm 2019.

5. Hoạt động sau khóa học?

Những bộ phim được sản xuất từ các khoá học tổ chức bởi Viện Phim tài liệu Scotland đã được trình chiếu tại các liên hoan phim bao gồm Liên hoan phim Locarno, Liên hoan phim quốc tế Edinburgh, Liên hoan phim tài liệu Sheffield…  

Các bộ phim FAMLAB x Stories sẽ được phân phối và giới thiệu tại các hoạt động và chương trình khác bởi Hội đồng Anh, Viện phim Tài liệu Scotland và TPD. Viện phim Tài liệu Scotland sẽ khai thác chiến lược phân phối nhắm đến các liên hoan phim tại địa phương và quốc tế. Quyền sở hữu của bộ phim sẽ thuộc về ban tổ chức, nhà làm phim sẽ có quyền trình chiếu phim theo kế hoạch được thống nhất trước. 

Stories (Những câu chuyện)

Stories (Những câu chuyện) là một chương trình thí điểm làm phim chuyên sâu, do Viện phim Tài liệu Scotland phát triển và thực hiện, phối hợp cùng Hội đồng Anh. Các nhà làm phim sẽ được cung cấp những công cụ sáng tạo và thực tế nhằm khám phá về danh tính và tính dân tộc thông qua các bộ phim. Những bộ phim được sản xuất cũng đưa ra những hiểu biết bất ngờ và đa sắc thái về những thành phố thông qua những câu chuyện đặc sắc do các nhân vật dẫn dắt.

Đã có chín khóa học được tổ chức từ năm 2010 khắp Trung Đông/ Bắc Phi, Trung Phi Saharan, Đông Nam Á và hơn 40 bộ phim ngắn được ra mắt. Gần đây nhất, vào năm 2017 chương trình Stories Syria đã làm việc với các nhà làm phim tại Lebanon, Jordan và hai địa điểm ở Thổ Nhỹ Kỳ. 

Các bộ phim từ chương trình Stories đã được lựa chọn tham dự các liên hoan phim quốc tế danh tiếng bao gồm Liên hoan phim tài liệu Sheffield, Liên hoan phim BFI London, IDFA (Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam); Liên hoan phim Locarno, SXSW, OpenCityDocs tại London; Chuyển động Châu Phi tại London; Zagrebdox, Croatia; Liên hoan phim tài liệu Yogyakarta; Liên hoan phim ngắn Encounters UK; Liên hoan phim quốc tế Beirut; Hot Docs của Canada. 

Các phim thuộc chương trình Stories có thể xem tại đây

BAN TỔ CHỨC 

Hội đồng Anh và Dự án Di sản Văn hóa hướng đến sự Phát triển đồng đều

Hội đồng Anh là tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa và cơ hội giáo dục của Vương quốc Anh. Chúng tôi kiến tạo hiểu biết và chia sẻ tri thức thân thiện giữa người dân Vương quốc Anh và các nước khác. Chúng tôi thực hiện sứ mệnh này thông qua những đóng góp tích cực cho Vương quốc Anh và các quốc gia nơi chúng tôi hoạt động – thay đổi cuộc sống của mọi người bằng việc kiến tạo các cơ hội, xây dựng cầu nối và tạo dựng niềm tin.

Di sản Văn hóa hướng đến sự Phát triển đồng đều là một chương trình thí điểm kéo dài hai năm do Hội đồng Anh thực hiện tại Colombia, Kenya và Việt Nam, nhằm sử dụng các di sản văn hóa để đem đến lợi ích cho mọi đối tượng trong xã hội. Trong trường hợp này, di sản văn hóa bao gồm từ các di sản vật thể đến các truyền thống văn hóa phi vật thể như âm nhạc hay ngôn ngữ, còn sự phát triển đồng đều nhằm chỉ các nỗ lực xóa bỏ mối quan hệ đối nghịch giữa phát triển kinh tế và khoảng cách giàu nghèo.

Tại Việt Nam, dự án này làm việc trực tiếp với di sản nhạc và phim, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một, và bao gồm hai hợp phần có liên kết chặt chẽ: Di sản văn hóa cộng đồng, và Phim, Nhạc và Lưu trữ (FAMLAB – Film, Archive and Music Lab). Khởi động vào tháng 4 năm 2018, dự án hướng tới việc kiến tạo các cơ hội mới để các cộng đồng trên khắp cả nước có thể đóng góp vào quá trình bảo tồn và phát triển các giá trị di sản văn hóa của họ, cũng như hưởng lợi từ chính quá trình đó. Thông tin chi tiết xem tại www.britishcouncil.vn/cac-chuong-trinh/nghe-thuat/di-san-ket-noi 

 

Viện Phim Tài liệu Scotland

Viện Phim Tài liệu Scotland đã và đang ươm mầm các tài năng từ khi thành lập vào năm 2003, làm các bộ phim tài liệu sáng tạo thông qua sáng kiến phim ngắn hằng năm Bridging the Gap, This is Scotland, Right Here và các công viêc. Viện Phim thực hiện các chương trình bao gồm Stories và Edinburgh Pitch nhằm kích thích và truyền cảm hứng cho phim tài liệu tại Scotland và hơn thế nữa. Đứng giữa nghệ thuật và công nghiệp, Viện Phim hỗ trợ và sản xuất các bộ phim của các tác giả dựa trên nội dung và trải nghiệm cảm xúc, các bộ phim gần đây nhất bao gồm: Freedom Fields, Becoming Animal, Donkeyote, Time Trial, Nae Pasaran, Syrian Stories… Viện cũng phát triển các chiến lược sáng tạo với khán giả và cam kết hỗ trợ quảng bá phim tài liệu và hỗ trợ các nhà làm phim trên toàn thế giới. Xem thêm thông tin tại www.scottishdocinstitute.com 

Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD

Được thành lập từ năm 2002, Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD là một trung tâm chuyên nghiệp phi lợi nhuận hỗ trợ cho các hoạt động phát triển điện ảnh Trẻ. Trung tâm mong muốn góp phần vào sự phát triển của xã hội Việt Nam thông qua các dự án tài trợ làm phim ngắn, tạo môi trường cho các nhà làm phim trẻ sáng tạo và đặc biệt là dự án phổ cập nghệ thuật nghe nhìn cho thanh thiếu niên. Phương châm hành động của TPD là: 1. Đam mê quan trọng hơn tiền bạc. 2. Kỹ thuật không quan trọng bằng cảm xúc. 3. Thực hành trước kiến thức sau. Xem thêm thông tin tại www.tpdmovie.com.vn/