Chị Mai Thu Hà, Cán bộ Xã hội và Phát triển, Hội đồng Anh chia sẻ về trải nghiệm sau khóa tập huấn Phát triển chuyên môn được tổ chức tại Vương quốc Anh từ ngày 2 đến 6 tháng 2 năm 2015.
Đoàn chúng tôi 8 người gồm tôi và 7 giáo viên trung học cơ sở cùng đoàn giáo viên từ Hàn Quốc và Indonesia có chuyến thăm quan học tập phát triển chuyên môn tại Vương quốc Anh vào đầu tháng 2 vừa qua. Thông qua các buổi dự giờ tại các trường tiểu học và trung học cơ sở tại Anh, và tham dự hội thảo “Đào sâu chương trình giảng dạy”, những gì chúng tôi học hỏi được vượt trên cả sự kỳ vọng ban đầu.
Ranh giới thầy trò
Một điểm khác biệt rất lớn giữa giáo dục Việt Nam và giáo dục Vương quốc Anh là ranh giới thầy trò. Không giống với quan hệ truyền thống tại Việt Nam, tại xứ sở sương mù, thầy đóng vai trò là người hướng dẫn, điều phối và hỗ trợ còn trẻ mới là tác nhân chính chủ động trong quá trình học của mình. Tại các trường đoàn chúng tôi tới thăm quan, một điểm chung dễ dàng nhận thấy là sự chủ động và tự tin trong học tập của học sinh. Ví dụ tại trường Bristol Bruney Academy, trong lớp “khoa học”, các em học sinh rất hào hứng làm việc theo nhóm thí nghiệm gia tốc của 2 máy bay có trọng lượng khác nhau được thả từ tầng 2 xuống tầng 1. Các em tỏ ra rất thích thú khi thực hành thí nghiệm, nghiêm túc ghi chép số liệu. Sau đó các em viết bài thu hoạch và tự đánh giá bài của mình theo những tiêu chí đánh giá thầy giáo phát sẵn trước khi nộp bài cho thầy. Phương pháp lấy học sinh làm trung tâm, để học sinh làm chủ quá trình học của mình là một trong những yếu tố quan trọng giúp trẻ tự tin, hào hứng học và độc lập, nghiên túc học tập.
Sáng tạo trong giảng dạy
Một điều đáng quý ở nước bạn là các giáo viên luôn nỗ lực sáng tạo không ngừng để đổi mới cách thức giảng dạy, nhờ đó giúp học sinh hào hứng học hơn. Tại trường Lampton School, chúng tôi được trò chuyện cùng cô giáo Muriel Huet dễ mến dạy tiếng Pháp. Để tránh đi vào lối mòn của cách giảng dạy truyền thống, Muriel biến lớp học tiếng Pháp của mình thành một rạp chiếu phim mini. Những đoạn phim hoạt hình vui nhộn được chọn lọc và cắt độ dài phù hợp, đã kích thích trí tò mò của học sinh lớp Muriel, khiến trẻ hào hứng tham gia vào bài giảng và hứng khởi làm bài tập về nhà là tự mình quay những đoạn phim ngắn sử dụng tiếng Pháp.
Một nét nổi bật khác về sáng tạo trong giáo dục đoàn chúng tôi được giới thiệu là phần chia sẻ về “trường học không vách ngăn” do tổ chức 5x5x5=creativity hợp tác cùng Theatre Royal Bath nằm trong hội thảo “Đào sâu chương trình giảng dạy” (Taking Curriculum Deeper). Dự án thử nghiệm “trường học không vách ngăn” cho phép học sinh của trường St Andrew's C of E Primary School được học nội trú tại khu The Egg (một rạp hát) trong thời gian 7 tuần trong mùa hè. Tại đây, học sinh được học tập trong những không gian mở, được tiếp cận tới các nghệ sỹ và được thưởng thức những màn trình diễn trong rạp hát. Dự án đã đạt được nhiều thành công to lớn: trẻ tăng tự tin, sáng tạo, chủ động trong quá trình tự học cũng như hỗ trợ các bạn khác cùng học. Một điểm đặc biệt nữa là hội thảo được tổ chức tại Wallscourt Farm Academy, một minh chứng hoàn hảo cho “trường học không vách ngăn”. Thay vì những bức tường kiên cố phân chia ranh giới lớp học, trường áp dụng những “khu vực học tập (learning zones) được chia theo màu sắc: màu cam, màu vàng, xanh lá, xanh biển… Tại trường, các bé chủ động tìm khu học của mình, tự do chọn tư thế thoải mái nhất để học và giáo viên đi các góc hướng dẫn và hỗ trợ trẻ. Không gian học không bảng, không phấn, không tường đó giúp trẻ giảm áp lực, tăng sáng tạo và hào hứng trong học tập.
Kết nối nguồn lực, tận dụng nguồn lực địa phương
Cũng trong hội thảo “Đào sâu chương trình giảng dạy”, chúng tôi rất ấn tượng với cách thức các trường bạn kết nối và tận dụng các nguồn lực. Các trường học liên kết chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, học tập cho nhau một cách thường xuyên, nhờ vậy những thực tiễn tốt đã được áp dụng ở một trường sẽ được giới thiệu đến trường khác, cùng giúp nhau tiến bộ hơn. Trong phần trình bày của mình, giáo sư Keri Facer từ trường đại học Bristol đã đưa ra quan điểm về tầm quan trọng và lợi ích từ mối quan hệ trường học- thành phố. Theo giáo sư, chính địa phương và môi trường xung quanh trường học sở hữu những tài nguyên và nguồn lực rất hữu ích cho quá trình học của trẻ. Ví dụ như dự án Heritage curriculum tại trường tiểu học Glenfrome, Bristol, học sinh được khuyến khích tìm hiểu về lịch sử, truyền thống, môi trường và văn hóa của thành phố Bristol. Những kiến thức này được lồng ghép rất nhiều vào các bộ môn lịch sử, địa lý, văn hóa, văn học,…của trường. Ngoài ra dự án cũng giúp các em thêm yêu và tự hào về thành phố của mình.
Kết thúc chuyến đi thăm 2 thành phố London và Bristol, đoàn chúng tôi đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm bổ ích và quý báu. Trong những đánh giá sau chuyến đi, các giáo viên có những góp ý cho đồng nghiệp Anh và có những điều tâm đắc muốn mang về áp dụng tại trường lớp mình. Và tôi vui mừng nhận thấy trong những ánh mắt rạng ngời của những giáo viên ham học hỏi ấy là quyết tâm nỗ lực không ngừng nghỉ cho sự nghiệp trồng người cao cả và dài lâu.