‘Lan đi tập huấn về hiểu được thế nào là doanh nghiệp xã hội, cảm động lắm khi thấy doanh nghiệp của mình không chỉ đảm bảo thu nhập cho gia đình mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội … Lan muốn mở rộng quy mô hoạt động, muốn thành công và tạo được nhiều ảnh hưởng - ghi chép của Phan Thảo My - Tập huấn viên chương trình Công dân Tích cực của Hội đồng Anh tại Việt Nam.
Giữa năm 2017, nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Hội đồng Anh tại Việt Nam và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam, khóa tập huấn 3 ngày Nâng Cao Kỹ Năng Lãnh Đạo – Chương Trình Công Dân Tích Cực đã thu hút và truyền cảm hứng tới 40 doanh nhân xã hội và sáng tạo đến từ các dân tộc thiểu số vùng núi Tây Bắc.
Thực hiện mô hình du lịch cộng đồng mới gắn với di sản văn hóa là cách thức mới để giải quyết các vấn đề xã hội và tăng sự thịnh vượng bền vững cho Việt Nam đặc biệt là vùng sinh sống của các dân tộc thiểu số. Là mục tiêu mà khóa tập huấn Nâng Cao Kỹ Năng Lãnh Đạo – Chương Trình Công Dân Tích Cực mong muốn truyền tải, tiếp tục dưới góc nhìn của Phan Thảo My, tập huấn viên của chương trình Công dân tích cực tại Việt Nam, chúng ta cùng gặp lại Lan để hiểu hơn về sự sáng tạo cũng như quyết tâm đạt tới thành công của một trong những doanh nhân xã hội và sáng tạo trong chương trình tập huấn lần này.
Tôi đã có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với một số anh chị em người Dao, người H'mong, người Tày đến từ các bản làng ở Lào Cai và Hà Giang. Nhiều anh chị tuy tiếng Kinh không sõi, chưa học đọc học viết, nhưng có nhiều ý tưởng kinh doanh táo bạo, đã được truyền cảm hứng từ các diễn giả và tập huấn viên để bắt đầu mô hình du lịch cộng đồng, trong đó du khách được trải nghiệm cuộc sống ở nhà dân và cùng tham gia các sinh hoạt hàng ngày với người bản địa, từ đó tạo công ăn việc làm, giải quyết vấn đề xoá đói giảm nghèo tại địa phương, đồng thời góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc và quê hương. Cũng đặt trọng tâm khai thác tiềm năng du lịch, tuy nhiên Lý Thị Lan lại có cách làm khác.
Lan là người H'mong, hai má lúc nào cũng hây hây hồng. Lan nhỏ tuổi hơn tôi, đã lấy chồng được năm năm và kịp sinh ba cô con gái. Bố mẹ chồng muốn con dâu đẻ tiếp để xem bao giờ ra con trai, nhưng chồng Lan bảo tạm thế đủ rồi, phải ổn định cuộc sống đã. Hai vợ chồng sàn sàn tuổi nhau, có thời từng học làm hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, vợ thì không biết đọc, biết viết, chồng lại không nói được tiếng Anh. Tối tối dắt nhau trên con đường quanh co hơn 8 kilomet về bản, hai vợ chồng dạy nhau con chữ, riết rồi cũng đọc được, cũng nói được. Đi làm hướng dẫn viên được mấy hôm, cái bụng thấy không hợp, hai vợ chồng chuyển hướng mở một cửa hàng nhỏ mang tên “Hemp & Embroidery” chuyên bán các trang phục truyền thống của dân tộc H’Mong, Dao, Dáy…bằng thổ cẩm do chính vợ chồng Lan thiết kế ở trung tâm thị trấn Sapa, Lào Cai.
100 phần trăm họa tiết vải trong cửa hàng của Lan được sản xuất từ những miếng vải thổ cẩm tái chế. Dân trong vùng ai có vải lanh bó chân không dùng nữa, ai muốn thay váy xoè mới hơn, đẹp hơn, thì tìm Lan đổi lại những đồ vải cũ ấy. Nhiều khi Lan mua những xấp vải lanh mới để đổi lấy những bộ quần áo cũ. Lan cắt ghép lại những họa tiết, những miếng vải thổ cẩm trong những bộ quần áo cũ, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thêu tay, dệt hoa văn thành những túi to, túi nhỏ, giày thổ cẩm, những vỏ gối, ga giường, áo váy thổ cẩm mang đậm thẩm mĩ người H'mong và các dân tộc thiểu số khác ở Tây Bắc. Tất cả đều làm thủ công nên sản phẩm không có cái nào giống hệt cái nào.
Lan đi tập huấn về hiểu được thế nào là doanh nghiệp xã hội, cảm động lắm khi thấy doanh nghiệp của mình không chỉ đảm bảo thu nhập cho gia đình mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội về môi trường, bảo tồn văn hoá truyền thống, tạo được công ăn việc làm cho đồng bào của mình. Lan muốn mở rộng quy mô hoạt động, muốn thành công và tạo được nhiều ảnh hưởng như chị Tần Thị Su, sáng lập kiêm giám đốc doanh nghiệp xã hội Sapa O'Chau, người nằm trong danh sách 30 Under 30 của Forbes Vietnam 2016.
Tôi rất mến và phục Lan. Hy vọng doanh nghiệp của Lan ngày càng phát triển và những chương trình như Công dân tích cực ngày càng tiếp cận được với nhiều người để nhân rộng những ảnh hưởng tích cực lên cộng đồng.
Phan Thảo My
Tập huấn viên chương trình Công dân Tích cực của Hội đồng Anh tại Việt Nam