Nhân ngày Thế giới nhận biết về chứng tự kỷ 02.04 hàng năm, hãy cùng nghe câu chuyện từ chính con trai của thầy Peter Moran - giáo viên Hội đồng Anh và cách con đã vượt qua những khó khăn để tiếp cận Anh văn thiếu nhi, đồng thời cùng tìm hiểu thông tin và lời khuyên dành cho nhà giáo để có thể nhận biết và hỗ trợ trẻ em mắc chứng tự kỷ trong quá trình học tập.
Nếu bạn là các bậc phụ huynh, hẳn bạn sẽ nhớ rất rõ những cảm xúc bồi hồi, choáng ngợp khó có thể diễn đạt mà bạn đã trải qua trước khi con bạn chào đời: sự đan xen giữa sợ hãi và lo lắng, giữa hi vọng và niềm vui, và hơn hết là trong mạch cảm xúc ấy chính là nghĩa vụ cùng trách nhiệm lớn lao của đấng sinh thành. Bạn lo lắng liệu mọi thứ có diễn ra như bình thường hay không, bạn hân hoan khi nghĩ đến viễn cảnh mình sẽ dạy dỗ và nuôi dưỡng đứa trẻ, bạn cố gắng kiềm chế cơn hoảng sợ khi nghĩ về những gì đang được mong đợi ở chính mình. Khi con trai tôi chào đời, tôi đã vẽ ra trong tâm trí một bức tranh tuyệt đẹp và những câu chuyện lí tưởng về tình phụ tử: cùng nhau chia sẻ, đi cắm trại, chơi bóng đá, dạy con tiếp cận với Anh văn thiếu nhi, nuôi nấng đứa con trai đáng để mình tự hào, hoàn hảo đến mọi khía cạnh. Tôi đã quyết tâm trở thành người cha hoàn hảo, và con trai tôi, tất nhiên, sẽ trở thành một đứa con trai tốt nhất từng được sinh ra.
Khoảng sáu tuổi, trong năm đầu tiên ở trường tiểu học, Ben được chuẩn đoán mắc hội chứng Asperger - một chứng rối loạn phát triển thần kinh hay còn gọi là tự kỷ. Tất nhiên, trước đây đã có dấu hiệu nhưng tôi cứ quy cho những nguyên do như: biết nói khá muộn để có thể được nuôi dạy trong một môi trường song ngữ, khá hứng thú với việc chơi một mình và làm việc cá nhân khá vụng về, cũng ổn thôi, chắc là gen của tôi, và còn một vài thứ khác. Tình trạng của Ben ngày càng trở nên rõ ràng hơn trong khoảng một hai năm tiếp theo. Cháu học một lớp nhiều năm, được chuyển đến các trường khác nhau và nhận được nhiều chẩn đoán bao gồm các vấn đề về thính giác, kỹ năng vận động, hành vi ám ảnh cưỡng chế và nhiều vấn đề khác. Nhìn con, tôi có thể thấy, khác xa hẳn so với định nghĩa về một đứa con hoàn hảo của tôi trước đây. Và suy nghĩ ấy đã đeo bám tôi trong nhiều năm, cho đến khi, theo thời gian, tôi trưởng thành và khôn ngoan hơn một chút. Khi tôi biết sống chậm lại để dành thời gian nhìn nhận và thấu hiểu nhiều hơn là phán xét, tôi đã hiểu rằng con trai tôi hoàn hảo cũng giống như bất cứ một ai. Con trai tôi khác biệt - một lẽ tất nhiên, đã và đang có rất nhiều điều cháu không thể làm. Nhưng con có thể thấy những điều tôi không thể thấy, và có những thứ con đã dạy mà sẽ chẳng thể nào tôi học được. Từ đó, không ngày nào trôi qua mà tôi không học hỏi những điều ấy.
Bạn có thể tự hỏi tại sao tôi đã chọn thời điểm này để bắt đầu một bài viết hướng đến đối tượng là các giáo viên với một câu chuyện cá nhân như vậy. Lý do là vì đây là một khía cạnh mà giáo viên hiếm khi được tiếp cận. Kinh nghiệm dạy một đứa trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ là một điều không hiếm gặp, nhưng trải nghiệm làm cha mẹ của một đứa trẻ như vậy lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Là giáo viên, chúng tôi thường nhận thấy trước những chẩn đoán ban đầu, ở trường mầm non hoặc mẫu giáo, và những giáo viên thường là những người đầu tiên nói về vấn đề này với phụ huynh hoặc đề nghị được chẩn đoán chính thức. Thật khó để nói với cha mẹ rằng con của họ bị rối loạn phát triển, nhưng điều đó lại còn khó để được biết hơn rất nhiều lần, và tôi hi vọng rằng những lời lẽ trên có thể cho bạn cái nhìn sâu sắc về suy nghĩ và cảm xúc của các bậc cha mẹ ở vị trí đó.
Hội chứng Asperger: những hiểu biết và lầm tưởng trong xã hội
Hội chứng Asperger có một dạng tự kỷ chức năng cao. Đó là một rối loạn phát triển thần kinh, một trong năm rối loạn trên phổ tự kỷ (ASDs). Trong 10.000 trẻ em có sẽ có 48 trẻ mắc hội chứng này, mặc dù mắc độ nghiêm trọng khác nhau rất nhiều. Nó ảnh hưởng đến cả hai giới, và thường thì giới tính nam sẽ mắc bệnh nhiều hơn: khoảng bốn nam mắc Asperger/mỗi nữ. Những con số này đã tăng lên trong những năm gần đây, phản ánh về sự gia tăng về tần số mắc bệnh.
Không có nguyên nhân cụ thể nào được xác định gây ra hội chứng Asperger. Bằng chứng tốt nhất chỉ ra rõ ràng rằng tất cả các ASD đều có cơ sở di truyền, mặc dù không có gen nào chịu trách nhiệm chính về việc đó. Cũng có thể xuất hiện một số yếu tố làm tăng nguy cơ, bao gồm các biến chứng khi mang thai và một số yếu tố môi trường như là ô nhiễm không khí trong thai kỳ.
Thật không may, có một lượng lớn thông tin sai lệch về chủ đề này, điều này có thể dẫn đến việc các bậc cha mẹ sẽ có những hy vọng sai lầm và tìm đến các phương pháp điều trị đắt đỏ mà không có bất kỳ cơ sở khoa học nào. Trái với những thông tin có thể đọc được trên web, Asperger không bị gây ra bởi bất kỳ điều nào sau đây: chế độ ăn uống, tiêm chủng, sinh vật biến đổi gen (GMO), fluoride trong nước, kháng sinh hoặc hay việc nuôi dạy con không tốt.
Nhận biết hội chứng Asperger
Hiện không có tập hợp các hành vi cố định nào phổ biến cho tất cả những người mắc Asperger. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu lặp đi lặp lại nhất định mà chúng ta có thể quan sát ở trẻ em mắc Asperger.
- Nói chậm - cả về thời điểm trẻ bắt đầu nói và mức độ hạn chế của lời nói.
- Không có hoặc có rất ít giao tiếp bằng mắt hay gặp các vấn đề khi quay đầu - một đặc điểm rất phổ biến và là một dấu hiệu rõ để nhận biết căn bệnh.
- Độ nhạy bén với âm thanh và các vấn đề cảm giác khác - nhiều trẻ em bị Asperger phản ứng rất mạnh với một số âm thanh nhất định, thậm chí đến mức cảm thấy đau đớn về thể xác; các vấn đề khác bao gồm quá mẫn cảm về mùi, xúc giác và vị giác, các vấn đề về thể chất như cân bằng, kỹ năng vận động, sức mạnh cơ bắp và sự phối hợp.
- Giọng nói đều đều, lên xuống thất thường, và lời nói dường như không được hướng đến người nghe.
- Suy nghĩ theo kiểu từ dưới lên trên - có xu hướng tập trung vào các yếu tố riêng lẻ hơn là toàn phần; khó khăn trong việc tổng hợp, tóm tắt, lựa chọn và ưu tiên, bao gồm khó khăn trong việc chấp nhận sự thiếu chính xác hoặc sự không hoàn hảo.
- Không có khả năng dự đoán hành vi - gặp vấn đề trong việc nắm bắt các nguyên nhân và kết quả, động lực và phản xạ cảm xúc trong hành vi con người.
- Phản ứng hoảng loạn trước những điều bất ngờ - trẻ em mắc Asperger sử dụng các tình huống đã biết về hành vi của chúng, và nếu các tình huống không giống với những kinh nghiệm trong quá khứ, thậm chí chỉ khác dù một chút, cũng có thể gây nhầm lẫn và xáo trộn. Điều này có liên quan đến xu hướng chú trọng việc hướng đến và phụ thuộc vào thói quen. Trong nhiều trường hợp còn hướng tới hành vi ám ảnh hưỡng chế - vốn là một đặc trưng của nhiều trẻ em mắc Asperger.
- Không có khả năng hiểu ẩn dụ và ám chỉ - bao gồm những câu chuyện cười, châm biếm, mỉa mai, suy luận và những lời đề nghị.
- Khó khăn trong việc diễn đạt cảm xúc, cảm giác và lời nói - đối với người ngoài, là những phản ứng không giải thích được như đi ra khỏi phòng mà không báo trước hay giải thích, đứng dậy bất ngờ, la lớn, vẫy tay, v.v.
- Không có nhu cầu tiếp xúc với bên ngoài và tương tác xã hội - các tương tác thường nhật như là hỏi xem ai đó cảm thấy thế nào, hỏi thăm về một ngày của họ, hỏi ý kiến về việc một cái gì đó trông như thế nào (quần áo) hoặc nếu một cái gì đó được yêu thích,...
- Có một phạm vi quan tâm khá hẹp, rập khuôn, nhưng nhiều trẻ em mắc Asperger vẫn có niềm đam mê với các lĩnh vực khác như lịch sử, bản đồ học, động vật học hay tập trung cao độ vào việc sưu tầm vật phẩm.
Các đặc trưng phổ biến khác bao gồm: phối hợp vật lý và các vấn đề về kỹ năng vận động tinh thần (vấn đề với nút và dây giày, bút chì và thước kẻ), một trí nhớ tuyệt vời để lưu trữ thông tin, vốn từ vựng phong phú trước tuổi, vấn đề về sự tập trung, trí thông minh trên trung bình, giọng nói lớn không điều chế và quy tắc ứng xử luôn cố định và không linh hoạt. Như bạn có thể thấy, các đặc điểm, dấu hiệu của bệnh khá đa dạng và đây là một trong những lý do tại sao việc chẩn đoán không hề đơn giản.
Giúp trẻ Asperger ngay trong lớp học
Việc giúp đỡ nên được khởi đầu bằng sự thấu cảm. Do đó, điều quan trọng nhất mà bất kỳ giáo viên nào cũng có thể làm là tìm hiểu về chứng rối loạn này, để từ đó cách xử sự trong lớp và các vấn đề trong quá trình học của trẻ được thấu cảm và không bị nhìn nhận một cách lệch lạc. Giống như sự trung thực thẳng thắn điển hình của những người bị Asperger có thể bị hiểu sai là sự thô lỗ, vì vậy những hành động bất thường của một đứa trẻ Asperger có thể bị nhẫm lần với hành vi gây rối.
Nếu một đứa trẻ trong lớp của bạn ném thứ gì đó khắp phòng, nhảy, la hét, tự làm tổn thương bản thân, che mặt, mắt, miệng hoặc tai, tự ôm mình, ném đồ xuống sàn hoặc khắp phòng, nói chuyện với chính mình, mặc hoặc cởi quần áo, làm những động tác lặp đi lặp lại và nhiều hơn nữa. Lúc này việc kiên nhẫn đánh giá, xem xét tình hình và tìm cách loại bỏ nguyên nhân là chìa khóa quan trọng, đồng thời việc ghi chú lại các trường hợp hành vi có vấn đề là rất hữu ích vì nó có thể cho phép bạn xác định các yếu tố nào gây kích thích với trẻ (ví dụ: thời gian trong ngày, loại hoạt động, địa điểm, v.v...).
Hiểu vấn đề sẽ giúp giáo viên sửa đổi hành vi của chính mình để hạn chế được các rắc rối tiềm ẩn. Ví dụ, nhận thức được rằng trẻ em đang mắc chứng Asperger thường hiểu theo nghĩa đen là rất quan trọng. Hãy tưởng tượng những khó khăn có thể nảy sinh từ sự hiểu biết cứng nhắc theo nghĩa đen theo các hướng dẫn sau:
- 'Hãy cắt nó thành tám mảnh bằng nhau.'
- 'Hãy tô nó cùng màu với bức tường.'
- 'Đừng di chuyển cho đến khi thầy/cô trở lại nhé.'
Tuy nhiên, đối với một đứa trẻ mắc Asperger, những sự hướng dẫn này có thể dẫn đến sự thất vọng: các mảnh có thể không bao giờ chính xác bằng nhau; sơn có sẵn có thể không phù hợp chính xác với các bức tường; hay không thể đứng yên mà không di chuyển được đủ lâu. Kết quả có thể là sự thất vọng, tức giận và gián đoạn ở trẻ nhưng những điều ấy không phải nảy ra từ ý xấu, mà là từ nỗ lực cố gắng thực sự chỉ để làm theo một yêu cầu trẻ không thể đáp ứng.
Kế hoạch sáu bước
Sau đây là bước đầu tiên trong kế hoạch sáu bước dành riêng cho giáo viên có học sinh mắc chứng Asperger. Tôi đã dành một phần riêng cho nó, bởi lẽ giáo dục bản thân chính là chìa khóa mà nếu thiếu nó thì mọi thứ khác đều bất khả thi. Sáu bước đầy đủ như sau:
1. Tự giáo dục bản thân về bệnh Asperger (xem ở trên)
2. Tiếp cận phụ huynh: hãy bắt đầu từ trước năm học nếu có thể; xây dựng niềm tin (phụ huynh có thể đã có những trải nghiệm tiêu cực); học hỏi từ phụ huynh, những người thực sự hiểu con cái họ hơn bạn có thể, liên lạc thường xuyên và rõ ràng, tìm hiểu từ nơi đã chẩn đoán cho trẻ và nơi cha mẹ có thể tìm thấy sự hỗ trợ - có nhiều tổ chức có thể cung cấp điều này.
3. Chuẩn bị lớp học: chú ý những gì có thể gây mất tập trung hoặc gây rối; cũng nên nhớ rằng các thói quen rất quan trọng để giúp trẻ cảm thấy thoải mái, vì vậy hãy tạo thói quen, đồng thời phải làm cho chúng rõ ràng và nhất quán.
4. Hướng dẫn các đồng nghiệp của mình và thúc đẩy các mục tiêu xã hội: những đứa trẻ khác cần hiểu rằng bạn bè của chúng tuy khác biệt nhưng vẫn rất đáng trân quý; nếu phụ huynh đồng ý, hãy xem xét việc xử lý vấn đề một cách rõ ràng và công khai; phải nhạy bén trong việc nhận thức được nguy cơ trẻ bị bắt nạt.
5. Hợp tác với Chương trình Giáo dục Cá nhân của Trẻ em (IEP): tất cả trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt nên có các bản IEP trong trường học của chúng, nếu có thể, hãy tự mình làm quen với điều này.
6. Quản lý các thách thức về hành vi ứng xử (xem ở trên)
Bạn có thể tìm hiểu thông tin về chủ đề này ở trang web của Tổ chức Nghiên cứu Tự kỷ, nơi bạn có thể tìm thấy hướng dẫn cho các nhà giáo dục, các bậc phụ huynh và có thể tải xuống dưới dạng PDF để sử dụng.