Có bao giờ bạn tự hỏi: làm thế nào mà các giáo viên tại trung tâm tiếng Anh cho trẻ em thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục của mình không? Thật ra câu trả lời rất đơn giản: chỉ cần bạn hô biến các bài học trở nên vui nhộn để trẻ không có cảm giác chúng đang được bạn dạy tiếng Anh là bạn đã chạm mốc thành công rồi. Nhưng lý thuyết thì bao giờ cũng dễ dàng hơn việc thực hành, dưới đây là sáu ý tưởng sẽ giúp các bé cải thiện việc học tiếng Anh tại nhà.
1. Sử dụng các công cụ tiếng Anh trực tuyến
PBS Kids: Các trò chơi từ vựng
PBS Kids là trang web trực tuyến được thiết kế một cách sáng tạo và thú vị để dạy tiếng Anh cho trẻ thông qua các trò chơi, câu chuyện tương tác, câu đố chữ, bài hát hay video. Hầu hết trong số đó sử dụng các nhân vật hoạt hình nổi tiếng mà trẻ sẽ nhanh chóng nhận ra. Với các trò chơi và hoạt động vui nhộn như vậy, thật dễ dàng để giúp các em có động lực và học tập một cách thoải mái.
Learn English Kids
Hội đồng Anh đặc biệt thiết kế website LearnEnglish Kids dành cho việc học tiếng Anh ở trẻ nhỏ. Trang web bao gồm tất cả các kỹ năng ngôn ngữ cần thiết như: nghe, đọc, viết, ngữ pháp và từ vựng tiếng Anh được lồng ghép trong những trò chơi vui nhộn cho các bé. Ngoài ra, nó còn có rất nhiều tài liệu có thể in ra để phục vụ cho việc thực hành tiếng Anh của trẻ tại nhà hoặc khi đi du lịch cùng gia đình.
ESL Games Plus
ESL Games Plus cung cấp các hoạt động thực hành và video trực tuyến tương tác có độ khó hơn dành cho các bé thiếu nhi và thanh thiếu niên. Trong đó có rất nhiều trò chơi thú vị để học từ vựng, ngữ pháp và phát âm tiếng Anh. Nếu con bạn thích chơi trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, có những trò chơi điện tử trên ESL Game Plus thậm chí sẽ khiến cho thời gian online của trẻ trở thành thời gian để học tiếng Anh.
2. Thiết lập thói quen sử dụng tiếng Anh trong gia đình
Hãy biến việc học tiếng Anh trở thành một thói quen trong gia đình bạn. Chọn một thời điểm thích hợp trong ngày khi trẻ thấy thoải mái và tỉnh táo để hợp tác với bạn. Đầu tiên, bạn hãy đặt cho khoảng thời gian này một cái tên, ví dụ như English Time, điều đó sẽ khiến con nhận biết và trông chờ khoảng thời gian này mỗi ngày. Đây sẽ là thời gian hàng ngày mà bạn dành cho các hoạt động sử dụng tiếng Anh như học tập, hát hoặc giao tiếp với trẻ bằng tiếng Anh.
Những đứa trẻ ở độ tuổi càng nhỏ thì càng có khoảng thời gian tập trung càng ngắn, vì vậy hãy bắt đầu khoảng 10 đến 15 phút mỗi buổi. Kéo dài từ từ khoảng thời gian này khi trẻ dần lớn lên có thể giúp cho việc giữ sự chú ý của trẻ vào bài học tốt hơn.
Mặc dù việc giữ được thói quen học tập càng lâu càng tốt là điều rất quan trọng nhưng bạn cũng có thể linh hoạt trong việc sắp xếp các buổi học. Khi học tập quá nhiều, tâm trạng và năng lượng của trẻ có thể ảnh hưởng đến động lực học tập của chúng. Trẻ em sẽ không chú ý khi chúng mệt mỏi, mất tập trung hoặc không khỏe. Vì vậy, hãy chú ý đến biểu hiện của trẻ để có sự thay đổi thời gian học tiếng Anh phù hợp, thậm chí nếu cần bạn có thể bỏ qua một ngày để trẻ có thể được nghỉ ngơi lấy lại năng lượng.
3. Chọn chủ đề tiếng Anh mà bé thích
Để khiến trẻ hào hứng với việc nói tiếng Anh, bạn nên chọn các chủ đề mà chúng quan tâm. Hãy bắt đầu bằng cách chú ý đến sở thích của trẻ để bạn có thể biết những trò chơi, bài hát hoặc hoạt động nào sẽ thúc đẩy sự hứng thú học của con.
Ví dụ, nếu con bạn yêu chó, bạn có thể đọc truyện “The hundred and One Dalmatians” (Một trăm chú chó đốm) cho chúng trước khi đi ngủ hoặc cùng nhau xem phiên bản hoạt hình vào sáng thứ bảy. Sau đó, trong giờ tiếng Anh, bạn có thể dạy các từ vựng như “bark” (tiếng sủa), “puppy” (cún con) và “paws” (bàn chân), và cho con bạn sử dụng các từ liên quan đến chó để thành lập các câu tiếng Anh đơn giản.
4. Sử dụng đạo cụ, cử chỉ và biểu cảm trên khuôn mặt
Để thu hút sự chú ý của trẻ, hãy sử dụng đạo cụ, cử chỉ, nét mặt và khiến chúng thích thú với những từ bạn dạy. Đạo cụ có thể là những đồ vật mà một đứa trẻ có thể nhìn thấy và chạm vào. Nếu bạn nói từ “spoon” (muỗng) trong khi đưa cho con bạn một cái muỗng trong bếp, chúng sẽ tạo thành một kết nối ngay lập tức giữa từ và vật. Trẻ nhỏ thích cầm và chạm vào đồ vật cũng như bắt chước (hay sao chép) chuyển động của bạn.
Cử chỉ (như vẫy tay hoặc một nụ hôn gió) và nét mặt (như nháy mắt hoặc làm mặt cười) là những hành động và chuyển động tạo thêm yếu tố vui nhộn trong lúc dạy tiếng Anh cho trẻ. Nếu bạn vẫy tay và thổi một nụ hôn trong khi nói lời tạm biệt trong tiếng Anh, bạn sẽ giữ sự chú ý của con và làm cho từ vựng trở nên dễ nhớ hơn.
5. Đừng ám ảnh về ngữ pháp
Nếu bạn nghe thấy trẻ sử dụng ngữ pháp không chính xác (thường thì những đứa trẻ sẽ như vậy), bạn sẽ làm gì? Mỗi lần như vậy, bạn có nên sửa sai ngay lập tức không? Các chuyên gia cho rằng bạn nên để những lỗi nhỏ đó xảy ra và thay vào đó, hãy cho phép trẻ nói tiếp và thể hiện bản thân một cách tự do. Điều đó không có nghĩa là bạn không nên sửa sai cho con mình, bạn hoàn toàn có thể giúp trẻ sửa lỗi nhưng đừng tập trung quá nhiều vào việc chỉ ra sai lầm của trẻ.
Việc ngắt lời và sửa ngữ pháp cho trẻ quá thường xuyên có thể khiến chúng mất đi hứng thú học tiếng Anh. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn với trẻ, ngay cả khi chúng quên những gì bạn đã dạy hoặc tiếp tục mắc lỗi tương tự. Trẻ em thường tiếp thu và học được điều mới thông qua sự lặp lại. Nếu bạn lặp lại một từ hoặc một cấu trúc ngữ pháp thường xuyên, rất có thể chúng sẽ tự nhiên học được nó một cách chính xác.
6. Tìm kiếm cơ hội sử dụng tiếng Anh trong ngày
Hãy chú ý tìm kiếm cơ hội để chỉ ra những từ vựng mới cho con bạn khi bạn nói về cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn, nếu bạn thường đưa con đi dạo ngoài trời, bạn có thể chú ý đến những từ thú vị liên quan đến chim, côn trùng, động vật và cây cối mà bạn nhìn thấy trên đường đi.
Bạn cũng có thể thu hút sự quan tâm của trẻ bằng cách chỉ ra một điều thú vị xảy ra trên đường. “Come look, there’s a butterfly climbing on a leaf! Isn’t it beautiful?”(Hãy nhìn xem, có một con bướm đang đậu trên một chiếc lá! Nó có đẹp không?). Điều này có thể khiến con bạn đặt câu hỏi như butterfly là gì và đó là một cơ hội tuyệt vời để giới thiệu thêm với trẻ về những từ vựng mới như côn trùng, bọ, cánh, v.v. Kiểu học tập hàng ngày này khiến tiếng Anh có vẻ liên quan hơn tới cuộc sống của trẻ và giúp trẻ thực hành tiếng Anh một cách thoải mái
Với những sáu ý tưởng thiết thực giúp trẻ cải thiện tiếng Anh tại nhà ở trên, bạn đã sẵn sàng bắt đầu với vai trò là giáo viên tiếng Anh đầu tiên và đáng tin cậy nhất của con mình chưa? Hãy thực hành tiếng Anh với trẻ và chứng kiến các con trở nên thông thạo, tự tin hơn mỗi ngày. Và đừng quên tạo ra những niềm vui trong khi bạn làm điều đó. Chúc các bạn thành công.