Bạn có cảm thấy ‘ngán ngẩm’ khi nghĩ đến viễn cảnh dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ? Hãy tham khảo những kinh nghiệm từ Sheona Gilmour - nhà giáo dục đứng đầu dự án khóa học trực tuyến mới dành cho giáo viên tại các trung tâm Anh ngữ cho trẻ em trong bài viết sau.
Việc dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ có thể xem là một thách thức, đặc biệt là nếu bạn chưa tham gia vào bất kỳ khóa đào tạo giảng dạy lớp tiếng Anh thiếu nhi nào trước đó. Nhớ lại ngày đầu tiên làm việc ở trường mẫu giáo, Sheona Gilmour đã không muốn quay lại vào ngày hôm sau. Do Sheona Gilmour vốn xuất phát từ nền tảng giảng dạy tiếng Anh cho trẻ lớn hơn - những em ở độ tuổi đã được ngồi vào bàn học và vì thế cô có thể dễ dàng giữ chúng tập trung hơn. Vì vậy nên khi bước vào môi trường mới đầy trẻ nhỏ ít tập trung chú ý đến lời cô nói, cô đã cảm thấy vô cùng choáng ngợp. Đây là một phản ứng rất quen thuộc của các giáo viên mới đến lớp học dành cho trẻ ở độ tuổi từ hai đến sáu.
Tuy nhiên nếu bạn biết cách trang bị một số điều cần thiết, rất có thể bạn sẽ yêu thích trải nghiệm này. Từ kinh nghiệm của mình, Sheona Gilmour đã đưa ra năm lời khuyên mà cô cho rằng chúng sẽ giúp ích cho các giáo viên khi mới vào nghề.
1. Tự mình lĩnh hội kiến thức về cách học hỏi của trẻ nhỏ
Điều quan trọng ở đây chính là có được cách tiếp cận đúng đắn đến trẻ ở độ tuổi này. Rồi cuối cùng, bạn cũng sẽ nhận ra rằng trẻ em học hỏi và phát triển ở các mức độ khác nhau và theo những cách khác nhau. Nếu không thấu hiểu về từng nhóm tuổi nhất định, rất có thể ta sẽ gây ra nhiều tổn thương hơn là mang lại điều tốt đẹp cho chúng.
Bạn cũng cần nhận thức được những gì đáng mong đợi ở một đứa trẻ và hãy luôn đảm bảo rằng những hoạt động giảng dạy trong lớp của bạn có thể phản ánh được trẻ đang phát triển đến đâu. Chẳng hạn như đối với toàn bộ hoạt động phản xạ toàn thân, đừng để bé nhảy cao nếu chưa thể giữ thăng bằng trên một chân và cũng không nên bắt trẻ học viết trong khi chưa biết cách cầm bút chì.
Như những gì Tina Bruce đã phát biểu trong cuốn sách Giáo dục Mầm non, chúng ta không thể chia việc học thành nhiều phần, nhất là đối với các nhóm tuổi thiếu nhi, bởi vì có rất nhiều yếu tố đang diễn ra trong giai đoạn này. Trẻ vẫn luôn không ngừng phát triển về mặt xã hội, cảm xúc, thể chất và ngôn ngữ khi chúng cố gắng tìm tòi, học hỏi thế giới xung quanh.
Hiểu được điều này chính là chìa khóa giúp Sheona Gilmour nhận ra rằng việc thay đổi và đan xen các hoạt động lại với nhau sẽ là cách tốt nhất để giữ cho trẻ luôn có động lực học tập. Ngược lại, nếu chỉ chăm chăm buộc trẻ phải chú ý đến những bài học được giáo viên giảng giải trong thời gian dài sẽ dễ làm trẻ thất vọng và thậm chí là các vấn đề hành vi. Vì vậy, hãy lập kế hoạch cho lớp học của bạn, và nhớ rằng hãy luôn rộng lượng ‘cho đi’, đồng thời xây dựng các hoạt động học tập thú vị dựa trên nhu cầu của trẻ.
2. Trẻ chơi đùa có thể kích thích bản năng tò mò, học hỏi tự nhiên
Trong những năm đầu đời, trẻ em rất tò mò và thích tìm hiểu về tất cả mọi thứ. Động lực nội tại này chính là người bạn đồng hành tốt nhất của bạn. Hãy xác định những gì trẻ quan tâm, và bạn sẽ có thể nắm bắt được sự chú ý của chúng.
Ví dụ, nếu có một nhân vật hoạt hình mà cả lớp đều yêu thích, bạn có thể vẽ nên những câu chuyện hoặc kịch bản cho trẻ. Hãy sáng tạo thêm những gì nhân vật ấy vào cuối tuần. “Họ chơi bóng đá hay vẽ tranh? Họ ăn gì cho bữa trưa - táo hay hamburger?” Có rất nhiều cơ hội để lồng ghép việc học tiếng Anh cho trẻ vào các hoạt động này, đặc biệt là với những bối cảnh và nhân vật đều quen thuộc với các em. Mỗi em còn có thể đưa ra những ý tưởng riêng về thế giới xung quanh mình, và điều này còn giúp kích thích và phát triển sự sáng tạo ở trẻ.
Bạn cũng có thể lồng ngoại ngữ vào thế giới của trẻ bằng cách sử dụng đồ chơi, trang phục, đất nặn, búp bê, ô tô, hình khối, v.v. Bạn cũng có thể xem lại các tình huống được tạo ra trước đó trong các câu chuyện của mình bằng cách khuyến khích trẻ làm ra những bữa trưa của nhân vật bằng đất nặn. Điều này sẽ giúp tạo dựng cơ hội và lý do cho trẻ để học cách nghe, nói, làm quen với những từ mới. “Chơi mà học, học mà chơi” rất có ý nghĩa cho quá trình học hỏi và phát triển.
3. Nói chuyện với trẻ và động viên, khuyến khích chúng
Một khi bạn đã giúp trẻ có động lực và nhận được sự chú ý đầy đủ, hiệu quả của hoạt động giảng dạy sẽ tăng lên. Đây là lúc bạn có thể sử dụng cách mô hình hóa (tức là đưa ra các ví dụ) đối với mục tiêu học ngôn ngữ bằng cách đặt câu hỏi, mô tả những gì bạn đang làm, thể hiện sự quan tâm đến những gì trẻ đang làm, v.v. Hãy chắc chắn rằng bạn là người tiếp thêm động lực để trẻ luôn cảm thấy tự tin. Khen ngợi sự kiên trì của các em khi trẻ gặp điều gì đó khó khăn để học cách không bỏ cuộc. Điều này sẽ giúp khuyến khích tư duy phát triển của các bé - đó chính là luôn trong tâm thế sẵn sàng chấp nhận những thách thức trong quá trình học tập.
4. Đặt mình vào vị trí của một đứa trẻ và cảm thông
Bạn thực sự có thể xây dựng mối quan hệ bền vững với trẻ em bằng cách đặt mình vào vị trí của trẻ và bước vào thế giới của chúng. Việc cúi mình xuống ngang tầm mắt trẻ sẽ giúp bạn kết nối với trẻ một cách dễ dàng hơn. Nhưng bạn sẽ hiểu được trẻ rõ nhất khi tham gia chơi đùa cùng các bé. Điều này còn có thể giúp bạn thiết lập được mối quan hệ gần gũi với trẻ con dựa trên những gì làm chúng cảm thấy thích thú. Nó sẽ làm cho bạn hiểu thêm về những gì trẻ thích thú và quan tâm đến.
Xây dựng mối quan hệ thực sự là một việc làm quan trọng trong bất kì mô hình lớp học nào ở các trung tâm Anh ngữ cho trẻ em hay ở những trường học. Việc làm này giúp xây dựng nên một môi trường an toàn – vốn dĩ là một điều không thể thiếu cho một quá trình học tập hiệu quả. Thiết lập được điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể chứng kiến học trò mình dần tự tin hơn, thậm chí trước đó ngay cả những đứa trẻ vốn dè dặt cũng sẽ luôn sẵn sàng để đi và trải nghiệm mọi thứ xung quanh mình.
Điều này cũng mang đến cho trẻ cơ hội để đối mặt với cảm xúc của chúng, khuyến khích sự sẻ chia lần lượt và trở thành một người bạn tốt của mọi người. Ví dụ, bạn có thể kêu gọi cả lớp tham gia xây dựng một khóa kỹ năng vượt chướng ngại vật ngay tại lớp học. Điều này sẽ giúp thúc đẩy tinh thần làm việc nhóm và cùng nhau giao tiếp, hay đưa ra những tình huống nơi mà trẻ có thể kết bạn và phát triển bản thân. Đó thực sự là một cơ hội tuyệt vời để bạn có thể bao quát lớp và quan sát được mức độ phát triển ở từng trẻ.
Một điều quan trọng không kém, chính là luôn giữ liên lạc với các giáo viên khác của trẻ và thường xuyên phối hợp với các bậc phụ huynh. Việc nắm bắt kịp thời tình hình ở nhà và ở trường mẫu giáo cho phép bạn nhận ra được tầm ảnh hưởng của các sự kiện thường ngày đối với trẻ em và việc học của trẻ.
5. Chú ý quan sát và đưa ra những thử thách phù hợp với từng trẻ
Hãy quan sát trẻ em khi chúng đang trong trạng thái chơi và học để có thể biết các em đang phát triển đến đâu. Điều quan trọng cần nhớ là không nên cô lập các kỹ năng mà phải xem xét toàn bộ quá trình học của trẻ. Nguồn thông tin này sẽ rất quan trọng cho việc lập kế hoạch lớp học của bạn và cho phép bạn tiếp tục xây dựng, bồi đắp kiến thức dựa trên những gì trẻ biết, và đừng quên tăng độ thử thách ở một mức thích hợp.
Những thách thức đóng vai trò giữ cho trẻ luôn có động lực. Các hoạt động như sáng tạo ra những câu chuyện không chỉ để chú trọng cải thiện kỹ năng tiếng Anh của trẻ, mà còn nhằm mục đích phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo cùng một lúc. Ví dụ, bạn có thể yêu cầu các em điều chỉnh từ ngữ theo bài hát hoặc vần điệu, để bé có cơ hội trải nghiệm từ vựng và âm thanh. Hỗ trợ một đứa trẻ phát triển thông qua những thử thách đáng nhớ như thế này sẽ cho phép bé xây dựng được một thái độ tích cực đối với việc học tiếng Anh – vốn là một điều rất cần thiết trong cuộc sống sau này.