Bài viết của Đặng Minh Thư, một trong 12 ứng viên của ELEVATE StartWell™ Challenge. Chị chia sẻ ấn tượng của mình về chuyến đi tới Nhật Bản vào tháng 3 năm 2015. Chuyến đi đã mang lại cho Chị một trải nghiệm mới mẻ, và giúp thay đổi quan điểm về việc vui chơi của trẻ em.
Vừa qua, tôi đã có cơ hội tham dự Trại sáng tạo, một hoạt động nằm trong chương trình ELEVATE Challenge. Chuyến đi này do Hội đồng Anh phối hợp với Quỹ Phát triển Văn hóa thành phố Yamaguchi tổ chức, với sự hỗ trợ của Trung tâm Nghệ thuật và Truyền thông Yamaguchi YCAM, Nhật Bản. Cùng với 12 ứng viên ELEVATE, chúng tôi đã có trải nghiệm thật tuyệt vời ở đây.
Về Kidstallation
Tôi đã gửi hồ sơ về Kistallation tham gia ELEVATE Challenge. Đây là một dự án nghệ thuật sắp đặt giành cho trẻ em, và được tạo ra bởi trẻ em. Ở đây, trẻ em vui chơi với nhau, tạo ra và thay đổi không gian quanh mình bằng những vật dụng giản đơn hàng ngày, trong mối tương tác, hoạt động với các trẻ khác. Các chủ đề rất đa dạng, từ lịch sử tới khoa học tự nhiên, theo hướng tư duy về nghệ thuật. Chương trình cũng chú trọng tới các hoạt động thể chất. Các em sẽ được vừa học vừa chơi trong các hoạt động nhóm và cá nhân.
Các thành viên ELEVATE
Tại Nhật Bản, 12 thành viên ELEVATE chúng tôi đã gặp gỡ. Họ làm việc trong các lĩnh vực khác nhau từ những nhà quản lý sân chơi, nghiên cứu sinh, kiến trúc sư, thiết kế, nghệ thuật sắp đặt, công nghệ và sáng tạo sản phẩm. Tất cả đều hướng tới một tiêu chí chung: sáng tạo nhằm thay đổi xã hội, tạo ra những sân chơi hoặc những đồ chơi cho trẻ em nhằm tạo cho trẻ một môi trường phát triển tự nhiên nhất và hướng tới mối quan hệ của con người với thiên nhiên cũng như tương tác với thế giới xung quanh, trong mối quan hệ với cha mẹ, bạn bè, cộng đồng, cũng như vai trò giáo dục trong sáng tạo và sáng tạo trong giáo dục rất được coi trọng.
Một trong những sáng kiến này là hộp nhạc của bạn Chloe. Trong hộp nhạc này có một vài đồ vật nhỏ có ý nghĩa với bạn. Mỗi đồ vật này được lưu lại trong hộp nhạc với một bản nhạc hoặc một câu chuyện, khi bạn nhấc nó lên, hoặc lướt qua bộ phận cảm ứng, thì câu chuyện hoặc bản nhạc đó được cất lên. Đây là một sáng tạo độc đáo, hiện nay đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nơi, trong cả bệnh viện và các cơ sở y tế, đặc biệt khi trị liệu cho các bệnh nhân mắc bệnh về trí nhớ.
Một số sân chơi trong thành phố Tokyo
Chúng tôi đã tới Miraikan, một trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sân chơi cho trẻ em ( ví dụ như màn hình cảm hứng, video nghệ thuật). Ở đây không có luật chơi cho trẻ, tuy nhiên có luật chơi cho cha mẹ: không bao giờ nói "Không" với trẻ.
Một trung tâm nữa là CANVAS, nơi chuyên tổ chức workshop cho trẻ em. Xây dựng những cấu trúc mới hoặc tái cấu trúc các đồ vật bằng việc giúp trẻ em hiểu rõ những vật mình đang sử dụng, những việc mình đang tương tác. Ví dụ, các em sẽ tạo ra những chữ mới từ việc hiểu những chữ cũ a,b,c.
Hanegi Park cũng là một địa điểm mà chúng tôi ghé qua. Cha mẹ và cộng đồng xây dựng sân chơi này từ những vật dụng bỏ đi: gỗ, dây thừng, lốp xe. Trẻ em khi đến đây chơi chấp nhận việc "ngã/đau" như một "món quà" của việc vui chơi. Qua đó, trẻ tự nhận thức được sự nguy hiểm của những đồ vật xung quanh mình. Ngoài ra, sân chơi còn hướng tới một môi trường sống hòa mình cùng thiên nhiên với những căn nhà trên cây, hay trẻ tự kiếm củi về đun nấu.
Và cuối cùng khi chúng tôi đặt chân tới Yamaguchi, chúng tôi cùng nhau xây dựng một buổi workshop trong 2 tiếng để thử nghiệm ý tưởng của mình tại đây, cũng như làm việc cùng nhau tạo ra những ý tưởng sân chơi mới.
Lời cuối
ELEVATE đã cho tôi có một cái nhìn khác về Hội đồng Anh. Tôi thấy rằng Hội đồng Anh có mối quan tâm đặc biệt tới sáng tạo trong việc thay đổi xã hội, đặc biệt là đặt mối quan tâm ấy ở trẻ em.
Hy vọng từ trải nghiệm của tôi, các bạn có thể tìm thấy một vài điều thú vị ở ELEVATE cho những ý tưởng, dự án của mình, cũng như tham gia ELEVATE trong những năm sau.