Nhà thơ Aoife Mannix, tác giả của bốn tập thơ: The trick of foreign words (2002), The elephant in the corner (2005), Growing up an alien (2007) and Turn the clocks upside down (2008) đã đến Việt Nam tham dự Những ngày Văn học Châu Âu 2014. Vương quốc Anh tham dự sự kiện này với sự hiện diện của Aoife Mannix và bộ phim tài liệu đạt giải thưởng Grierson mang tên Tình yêu sách : Một câu chuyện Sarajevo, được trình chiếu trong buổi khai mạc của Những ngày Văn học Châu Âu.
Đúng như tên phim, Tình yêu sách : Một câu chuyện Sarajevo là một mở màn thú vị dành cho những hoạt động của những người yêu sách tại thủ đô. Lấy bối cảnh là cuộc chiến tại Bosnia, một nhóm người đã liều mạng sống của mình để cứu hàng ngàn bản thảo Hồi giáo được cất giữ trong thư viện Gazi Husrav Beg tại Sarajevo. Sự tàn khốc của chiến tranh đối lập với niềm hạnh phúc và bình yên trong tâm hồn khi nhìn thấy những cuốn sách được gìn giữ qua bom đạn chiến tranh.
Aoife Mannix đã gặp gỡ với hàng trăm sinh viên và người đọc Việt Nam, thông qua các buổi viết văn sáng tạo, những buổi trò chuyện về văn học của các tác giả nữ và về sách của Tolkien. Tác giả của tiểu thuyết Heritage of Secrets cũng đã có những buổi đọc những đoạn trích bay bổng và mạnh mẽ của mình, qua đó dường như rào cản ngôn ngữ bị xóa nhòa và các bạn đọc Việt Nam cũng như hòa mình vào những vần thơ.
Hãy cùng chia sẻ những cảm nhận của Aoife sau chuyến đi tới Việt Nam, cũng như những vần thơ bay bổng cô dành tặng các bạn độc giả mà cô đã gặp gỡ.
Ấn tượng Việt Nam
Aoife Mannix
Việt Nam là một đất nước xinh đẹp và quyến rũ mà bất cứ khách du lịch nào cũng muốn tới thăm. Chính vì thế tôi thấy rất vui khi được Hội đồng Anh tạo cơ hội gặp gỡ với những người dân nơi đây. Ở Việt Nam, khái niệm về Viết văn sáng tạo vẫn còn mới mẻ, nên trong buổi làm việc đầu tiên của tôi với những học sinh tại Hội đồng Anh tp.HCM, tôi nghĩ họ chưa biết mình sẽ phải làm gì. Tuy nhiên, họ lại rất cởi mở và nhiệt tình. Tôi thực sự rất bất ngờ về khả năng tiếng Anh của họ. Tôi đã từng làm việc với rất nhiều người bản địa ở London và vốn từ vựng của họ có lẽ cũng không nhiều bằng các bạn trẻ ở Việt Nam!
Ngày tiếp theo tôi được gặp các bạn sinh viên ở trường Đại học Quốc gia Việt Nam và một lần nữa tôi đặc biệt ấn tượng với sự nhiệt tình của họ. Tôi đến với Hà Nội sau đó để tham dự buổi khai mạc Những ngày Văn học Châu Âu. Tôi tham dự buổi tọa đàm về sự nữ tính trong những tác phẩm văn học đương đại Châu âu cùng những tác giả đến từ các nước khác cũng như những dịch giả Việt Nam. Tôi cũng có một buổi hướng dẫn Viết văn Sáng tạo tại Viện Goethe dành cho các bạn yêu thích sáng tác. Nhờ người phiên dịch tuyệt vời, tôi đã có một buổi chiều đầy cảm hứng – một lần nữa tôi lại ấn tượng bởi sức sáng tạo và nhiệt tình của những người tôi được gặp. Hoạt động thú vị khác tôi được tham dự là buổi trò chuyện về Chúa nhẫn của JRR Tolkien’s, tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt. Ngày cuối cùng tại Việt Nam, tôi đã dành trình diễn những bài thơ của mình cho những học sinh chuyên Văn, trò chuyện với họ về cuộc sống của một tác giả như tôi, cũng như về cuộc sống học sinh của họ tại Việt Nam. Tôi đã có một chuyến đi tuyệt vời và tôi hy vọng rằng những vần thơ dưới đây đã ghi lại được một phần tinh thần của chuyến đi.
Ấn tượng Việt Nam
(Aoife Mannix, tạm dịch sang tiếng Việt bởi Hội đồng Anh)
Tôi trở lại với mê cung của những chiếc xe máy
tiếng bíp-bíp của phố cổ Hà Nội đầy tơ lụa
với những chiếc đèn lồng xoay xoay trong nắng
Những chiếc ô che chắn
dưới bầu trời tràn nắng
Những góc phố lò cò
với chiếc cột đỏ xanh
để quá khứ xoay vòng
Mới và cũ lịch lãm bên nhau
Những quán cà phê yên tĩnh
thoảng hương thơm thiên đường
tờ báo nói tôi là bóng ma
show của Chúa Nhẫn, bởi tôi mang tới
những bông tuyết trong cái nóng bốn mươi độ
Chiến tranh và huyền thoại lạ lẫm đứng bên nhau
Ly nước chanh ngọt ngào và nụ cười
chẳng cần dịch bởi có người nói
anh sẽ đi du lịch trên cầu vồng. Chú chim liệng
qua chú voi chậm chạp của quá khứ
Những cô học trò yêu bản năng sống
của thành phố. Chạy điên loạn qua
những bông hoa tím li ti trên áo
nón, và mùi hương của sự lãng mạn ngày xưa.