Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ
13.04.2017 – 03.05.2017 (Khai mạc 18.00 – 21.00, 13.04.2017)
PHIÊU – triển lãm đa phương tiện về đối thoại Cũ và Mới trong lĩnh vực thủ công diễn ra từ 13 tháng Tư đến 3 tháng Năm tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ).
Triển lãm do Hội đồng Anh và Kilomet 109 phối hợp tổ chức nằm trong khuôn khổ dự án New for Old, dự án nghiên cứu lưu trú được Hội đồng Anh thực hiện tại Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Dự án giúp các nhà nghiên cứu, nghệ nhân và những người thực hành sáng tạo cùng nhau nhìn lại những giá trị truyền thống để tích hợp vào những sáng tạo trong tương lai.
PHIÊU giới thiệu bộ sưu tập mới nhất từ Kilomet 109 và các sắp đặt mô tả quá trình nhuộm vải, vẽ sáp và kỹ thuật dệt vải tích hợp truyền thống và hiện đại. Bộ sưu tập này đặt trong không gian đa phương tiện, với những bức ảnh đen trắng của Nic Shonfeld chụp chân dung những người thợ thủ công trong cuộc sống hàng ngày, và tranh minh họa các nguyên liệu tự nhiên và các dụng cụ trong quá trình làm vải do Claire Driscoll thực hiện.
Bộ phim tài liệu ngắn do Phạm Mai Phương biên tập từ các phóng sự và phỏng vấn trong thời gian nghiên cứu thực địa, và một tác phẩm nhạc do Nguyễn Xuân Sơn biên soạn giúp tạo nên một không gian PHIÊU hoàn chỉnh.
Nhóm nghiên cứu New for Old bao gồm Thảo Vũ – người sáng lập cũng như thiết kế chính của thương hiệu thời trang Kilomet 109 và hai nhà nghiên cứu về thủ công đến từ Royal College of Arts (Trường Nghệ thuật Hoàng gia Vương quốc Anh). Trong hai tuần, họ đã thu thập và ghi lại công việc của tám nghệ nhân, cùng với các khía cạnh khác nhau của quá trình làm vải tại Hòa Bình và Lào Cai. Những câu hỏi về việc lưu truyền những kinh nghiệm bản địa, giữ gìn bản sắc văn hóa và nuôi
dưỡng nghề thủ công truyền thống đã được đặt ra và câu trả lời chính là PHIÊU. Bản thân Thảo Vũ đã nghiên cứu và thử nghiệm những kỹ thuật này trong suốt một năm qua với phạm vi rộng hơn, bao trùm bốn nhóm dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam.
Thảo Vũ nói: “Tôi không chắc mình sẽ làm việc cùng họ (những người thợ thủ công truyền thống) trong bao lâu nữa và tôi muốn quy trình đó được thực hiện một cách bền vững và chính các nghệ nhân cần nhận thức được giá trị văn hóa của họ, và có thể tự tin tạo ra các thiết kế mới nếu một ngày tôi rời đi.”
Chị Lò Thị Dị, thợ thủ công dân tộc Thái cho rằng sự kiên nhẫn cùng với những hỗ trợ thường xuyên là rất cần thiết: ‘Tôi rất hy vọng rằng mình có thể học hỏi thêm về phát triển sản phẩm và kinh doanh. Tôi muốn thuê lao động ngay tại địa phương và tạo công ăn việc làm cho họ. Để làm được việc này, tôi cần phải bán được nhiều sản phẩm, có thêm nhiều khách hàng và các đối tác xuất nhập khẩu để trước mắt bán các sản phẩm ở thị trường nội địa. Như vậy trong vài năm tới, sản phẩm của tôi có thể tự tìm được đường tới thị trường xuất khẩu.”
PHIÊU nhấn mạnh thông điệp của New for Old về việc đối thoại giữa Cũ và Mới để tích hợp những giá trị quan trọng nhất của cả hai trong sản xuất thủ công. Chương trình kết nối những nhà thiết kế đương đại, nghệ nhân, doanh nhân, nhà nghiên cứu, và người tiêu dùng trong một nỗ lực làm mới ngành nghề thủ công truyền thống, để chia sẻ một quan điểm rằng cái Mới và cái Cũ luôn luôn đồng hành và tương trợ lẫn nhau.
New for Old là một chương trình của Hội đồng Anh nhằm tạo ra các cơ hội mới cho các nữ nghệ nhân và thợ thủ công trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2016, chương trình New for Old được triển khai tại Thái Lan, Myanmar và Việt Nam, kết nối các nhà nghiên cứu tại trường Nghệ thuật Hoàng gia London và các nhà nghiên cứu Việt Nam để tham gia Nghiên cứu thực địa kéo dài hai tuần ở cả ba nước.
Triển lãm và Nghiên cứu thực địa là một phần hoạt động của Hội đồng Anh trong lĩnh vực Văn hóa và Phát triển, tìm kiếm giải pháp sáng tạo cho những thách thức phát triển trên toàn cầu. Hoạt động của chúng tôi ở khu vực Đông Á tập trung hỗ trợ những nữ nghệ nhân và phát triển nghề thủ công và các di sản truyền thống nhằm hướng đến sự hòa nhập xã hội và phát triển kinh tế trong khu vực.