©

British Council

Hầu hết các sĩ tử nghĩ rằng Phần 2 là khó nhất trong bài thi IELTS Speaking vì việc nói liên tục trong 2 phút bằng tiếng Anh về một chủ đề nào đó không phải là điều dễ dàng. Vậy làm thế nào để “ẵm” trọn điểm trong phần thi này? 

Hãy thử tưởng tượng, bạn bị rơi xuống một hồ nước và cần phải nổi trong vòng 2 phút trước khi có ai đó đến cứu bạn. Dù biết bơi, có người vẫn hoang mang quẫy đạp rồi chìm xuống, có người lại bình tĩnh tận hưởng trải nghiệm mới mẻ này và chinh phục thành công thử thách nhờ sử dụng kỹ thuật bơi lội của bản thân. Bạn muốn là ai trong tình huống này? Phần 2 của bài thi Speaking được ví von như vậy. 

Sau khi nắm vững các mẹo ôn Speaking Phần 1 tại đây, bạn hãy đọc tiếp chiến thuật ôn gọn, nắm trọn điểm Speaking Phần 2 trong bài viết vô cùng hữu ích này nhé!

Hiểu đúng cấu trúc Phần 2

Phần 2 của bài thi Speaking diễn ra trong vòng 3-4 phút theo các bước và thời gian như sau

(1) Giám khảo đọc hướng dẫn thi Phần 2 và chủ đề rồi đưa thẻ đề/màn hình cho thí sinh. ~ 20 giây
(2) Thí sinh chuẩn bị các ghi chú theo chủ đề. 1 phút
(3) Giám khảo thông báo thời gian ghi chú của thí sinh đã kết thúc và yêu cầu thí sinh bắt đầu thực hiện bài nói. ~10 giây
(4) Thí sinh thực hiện đoạn hội thoại. ~ 2 phút
(5) Giám khảo ra hiệu dừng bài nói và hỏi thí sinh 1-2 câu ngắn dựa theo chủ đề đã đưa. ~ 10 giây
(6) Thí sinh trả lời các câu hỏi ~ 20 giây
(7) Giám khảo nhận lại thẻ đề và tài liệu  

Trong phần thi này, bạn sẽ được yêu cầu nói về một chủ đề trong thời gian tối đa 2 phút. Bạn sẽ nhận được một thẻ đề giống như thẻ bên dưới, liệt kê một số điểm chính để bạn có thể chuẩn bị ghi chú trước khi thực hiện bài nói của mình.

Describe a time when someone asked you for help. You should say:

  • who the person was
  • what kind of help he/she asked you for
  • why he/she asked you
  • and explain what the result of your help was

Đọc câu hỏi một cách thận trọng

Nội dung của chủ đề trong Phần 2 là về bạn. Ở một khía cạnh nào đó, các chủ đề này sẽ liên quan đến trải nghiệm cá nhân của bạn. Tuy nhiên, các thì trong đề thi có thể khác nhau. Hãy tham khảo các ví dụ sau:

  • Thì quá khứ đơn

Describe a time when you received a prize or reward.

  • Thì hiện tại đơn

Describe something you do regularly that you want to stop doing.

  • Thì tương lai đơn

Describe a city – not your hometown—that you would like to visit.

Điều quan trọng là bạn phải hiểu câu hỏi và trả lời đúng “tense” (thì) để nói trôi chảy và đúng chủ đề được đưa ra. Tuy nhiên, bạn không cần dùng duy nhất thì quá khứ theo câu hỏi. Bạn có thể sử dụng đa dạng các thì nếu chúng phù hợp với ngữ cảnh, nhưng hãy cố gắng bắt đầu bài nói với thì phù hợp trong câu hỏi nhé. 

Tận dụng thời gian chuẩn bị một cách hiệu quả

Một phút có thể sẽ không đủ để chuẩn bị tất cả những gì bạn muốn nói. Để tận dụng tối đa thời gian này, bạn cần sẵn sàng viết hoặc đánh máy ngay sau khi giám khảo ra đề. Điều này có nghĩa là bạn phải có sẵn giấy và bút chì hoặc để tay sẵn trên bàn phím nhé.

Bạn sẽ không có thời gian để viết đầy đủ câu. Thay vào đó, hãy viết các ý chính để giúp bạn hoàn thành phần trả lời của mình. Bạn cũng nên viết ra những từ vựng quan trọng, bao gồm thành ngữ và cụm từ mà bạn nghĩ là phù hợp với chủ đề sắp nói.

Ghi chú là một kỹ năng đặc biệt, vì vậy bạn nên luyện kỹ năng này nhiều lần trước khi bước vào kỳ thi chính thức.

Sử dụng các gạch đầu dòng để dự phòng

Dù thẻ đề thi gồm một số gạch đầu dòng và ý chính, nhưng bạn không nhất thiết nói về những điều này. Thực tế là, nếu chỉ trả lời các câu hỏi quan trọng ở các gạch đầu dòng, bạn sẽ nhanh bí ý tưởng.

Thay vào đó, bạn nên tập trung vào câu hỏi và cố gắng kể một câu chuyện về chủ đề đó. Đây chính là cơ hội để bạn kể lại trải nghiệm từ cuộc sống của mình. Vì suy cho cùng, nội dung của câu hỏi ở phần này là về bạn. Cho nên, bạn sẽ dễ dàng kể câu chuyện của mình với những chi tiết mà bạn nghĩ là quan trọng hơn là dựa vào đề bài chung chung.

Bạn có thể sử dụng các gạch đầu dòng làm phương án dự phòng nếu:

  • Gặp khó khăn ở giai đoạn chuẩn bị
  • Không biết nói gì trước 2 phút

Nói về điều đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn

Vì chỉ có 1 phút để chuẩn bị nên bạn đừng nghĩ quá nhiều. Thậm chí khi nói tiếng mẹ đẻ, nếu ai đó nhờ bạn giới thiệu 1 cuốn sách hoặc kể tên 1 bộ phim hài hước nhất mà bạn từng xem thì thông thường, bạn cũng phải mất 20-30 giây để tìm ra câu trả lời hay nhất. Thời gian như thế là quá lâu đối với Phần 2. Bạn chỉ cần nhanh chóng chọn tên cuốn sách đầu tiên nảy ra trong đầu là được.

Không nhất thiết là cuốn sách mà bạn đã đọc hoặc nơi bạn đã đi qua, bạn có thể kể một câu chuyện mình từng nghe hoặc đơn giản hơn, tạo ra một câu chuyện khác. Đúng vậy, bạn có thể nói dối trong kỳ thi IELTS vì không ai kiểm chứng điều đó.

Đừng học thuộc lòng

Bạn không thể học thuộc lòng hết tất cả câu trả lời của mình trong Phần 2. Thứ nhất, có quá nhiều chủ đề để nhớ. Hơn nữa, từ vựng ở các chủ đề luôn thay đổi. Vì thế, bạn dễ bị lạc đề khi trả lời câu hỏi dựa theo trí nhớ của mình.

Thứ hai, giám khảo của bạn được đào tạo để nhận ra câu trả lời nào là do học thuộc lòng. Họ có thể dễ dàng phân biệt được các câu kiểu này vì từ ngữ và cách phát âm sẽ rất khác so với việc trả lời một cách tự nhiên. Bạn sẽ không được giám khảo ghi nhận bất kỳ câu trả lời thuộc lòng nào nhé!

Duy trì đoạn hội thoại

Mặc dù thời gian nói trong Phần 2 là “từ 1 đến 2 phút” nhưng hãy cố gắng nói trong vòng 2 phút nhé! Nhiều bạn lo lắng nên nói nhanh, kết quả là, bí ý tưởng quá sớm. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, giám khảo sẽ nhắc bạn cố gắng tiếp tục nói. 

Sau khi hết 2 phút, giám khảo ra hiệu dừng lại và hỏi bạn 1-2 câu. Hãy nhớ trả lời ngắn gọn, từ 1 đến 2 câu là đủ.