Buổi trò chuyện cùng nghệ nhân Mẫn Thị Thu, nghệ nhân Nguyễn Thành Nam và nghệ nhân Phạm Quốc Chí. Ảnh do dự án cung cấp.

Tương lai của truyền thống là một dự án nhiều hợp phần khởi nguồn từ mệnh đề ‘truyền thống không đứng yên’: luôn phát triển cùng dòng chảy văn hóa và khám phá những yếu tố mới, thay vì là những khái niệm đóng khung từ quá khứ. Dự án gồm các giai đoạn sau: 

- Giai đoạn 1 (tháng Mười–tháng Mười hai 2018): phát triển và trình diễn vở âm nhạc sân khấu Hai nàng Nguyệt Cô do nghệ sĩ Nguyễn Xuân Sơn (SơnX) sáng tác. Với kinh nghiệm hơn hai mươi năm của tác giả làm việc cùng âm nhạc truyền thống qua các hướng tiếp cận đương đại và đa ngành, tác phẩm lấy cảm hứng từ tích chuyện Hồ Nguyệt Cô hóa cáo xuất hiện trong cả nghệ thuật chèo và tuồng, cũng như kết hợp các yếu tố của cả hai ngành sân khấu này. Hai nàng Nguyệt Cô ra mắt trong khuôn khổ Liên hoan Nhạc mới Hà Nội 2018 (một dự án khác nhận hỗ trợ từ Quỹ FAMLAB).

- Giai đoạn 2 (tháng Ba–Bảy 2019): chuỗi workshop cùng các nghệ nhân âm nhạc truyền thống (tuồng, chèo, quan họ, cải lương, ca trù), cũng như với các nghệ sĩ đương đại Việt Nam thường làm việc và thử nghiệm với các yếu tố truyền thống/cổ điển (như Nguyễn Huy An, Kim Ngọc, Nguyễn Trinh Thi, v..v..). Các phiên workshop với sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ hoạt động trong nhiều ngành nghệ thuật khác nhau, cũng như mở cho công chúng. 

Giai đoạn này của dự án khép lại với một phiên mở xưởng của các nghệ sĩ diễn ra tại VICAS Art Studio tháng Bảy 2019, với các tác phẩm phát triển xuyên suốt dự án.

Các nghệ sĩ tham gia mở xưởng gồm: Thịnh Nguyễn, Lê Thu Minh and Nguyễn Diệp Thùy Anh, Ngô Thu Hương, Nguyễn Linh Trang, Ngô Thị Hải Yến, La Mai, Trang Linh Valerie Phạm, Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Tuấn Nị, Trần Minh.

Các diễn giả workshop gồm:

  • Buổi 1 (13 tháng Tư): Nghệ thuật chèo – NSƯT Đoàn Thanh Bình, NSƯT Lê Xuân Diệu, NSƯT Phạm Hữu Dực 
  • Buổi 2 (28 tháng Tư): Nghệ sĩ âm nhạc đương đại Kim Ngọc 
  • Buổi 3 (4 tháng Năm): Nghệ thuật tuồng – Nghệ nhân Mẫn Thị Thu, nghệ nhân Nguyễn Thành Nam, nghệ nhân Phạm Quốc Chí 
  • Buổi 4 (10 tháng Năm): Giám tuyển nghệ thuật đương đại Trần Lương
  • Buổi 5 (18 tháng Năm): Nghệ sĩ thị giác đương đại Nguyễn Huy An 
  • Buổi 6 (25 tháng Năm): Nhà làm phim và nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi 
  • Buổi 7 (1 tháng Sáu): Nghệ sĩ thị giác đương đại Nguyễn Oanh Phi Phi 
  • Buổi 8 (29 tháng Sáu): Nghệ thuật cải lương – NSƯT Đào Văn Trung, NSƯT Phan Ngọc Chi, NSƯT Đỗ Thục Vân, nghệ sĩ Cao Đăng Văn, nghệ sĩ Phạm Thị Thuý