Ảnh tư liệu quá trình thực hiện dự án. Ảnh do Inra Jaka cung cấp.  

Dự án xoay quanh âm nhạc Chăm – mối liên quan giữa di sản âm nhạc và các câu chuyện trong truyền thuyết. Dự án do nghệ sĩ/thi sĩ Inra Jaka (đồng tác giả vở múa/âm nhạc đương đại Palao) thực hiện cùng các nghệ sĩ và nhà nghiên cứu người Chăm và Việt, gồm một ấn phẩm nghiên cứu, các bản thu âm lưu trữ, các tác phẩm nghệ thuật (thực hiện cùng đội ngũ Phù Sa Lab), và phim tài liệu dự án.

“Trong các nhạc cụ cổ truyền Chăm, trống ginang đóng vai trò quan trọng nhất. Trong quá khứ, một gru (người truyền dạy) và một học trò vào rừng hoặc đến một nơi hẻo lánh để thuận cho việc học trống ginang. Người học không chỉ tập trung vào yếu tố âm thanh, hay việc hoàn thiện kỹ năng, mà còn thu nạp kiến thức về những nghi lễ và những câu chuyện nguồn gốc của mỗi điệu trống. Tùy vào nguồn gốc cụ thể, cách điệu trống được diễn tấu sẽ có sự thay đổi – nhanh, uy lực, tươi vui, hay trầm mặc. Ngày nay không còn nhiều các nghệ nhân có thể nhớ được những truyền thuyết xưa, và phần lớn người chơi thuộc lòng các điệu trống mà không hiểu rõ về những gì ẩn mình đằng sau âm nhạc.”