"Luật chống phân biệt, đối xử tại Việt Nam và các nước ASEAN” (King’s at VNU-Law) là dự án hợp tác giữa Trường luật Dickson Poon, Đại học King’s College London và Khoa luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU). Được bắt đầu thực hiện từ tháng 5 năm 2014, Dự án nhằm tăng cường sự hợp tác giữa giảng viên, sinh viên và đội ngũ quản lý tại hai khoa luật hàng đầu của Vương quốc Anh và Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục đại học và pháp lý.  

Với tổng số tiền tài trợ 37,000 bảng Anh cho 2 giai đoạn, gồm cả vốn đối ứng từ Đại học King’s College London, Hội đồng Anh đã góp phần to lớn thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng hơn về nghiên cứu, giảng dạy và tác động chính sách giữa các giảng viên ở cả 2 trường. Quan trọng hơn, King’s at VNU-Law còn giúp thúc đẩy hình ảnh và tăng cường sự hiểu biết về học bổng pháp lý của Anh và danh tiếng quốc tế của Đại học King’s College London tại Việt Nam cũng như hỗ trợ tiến trình quốc tế hóa giáo dục đại học và giáo dục xuyên quốc gia của Việt Nam.

Giai đoạn đầu của dự án được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2015 và đã đạt được một số kết quả nổi bật:

  • Một giáo sư của King’s College London được cử sang giảng dạy thường xuyên tại Việt Nam trong 2 năm và một nghiên cứu sinh tiến sỹ của Việt Nam sang nghiên cứu tại King’s College London với thời gian tương ứng.
  • Thường xuyên tổ chức các bài giảng về luật chống phân biệt đối xử, quyền con người cho các lớp sau đại học của VNU.
  • Tổ chức buổi giới thiệu về Đại hiến chương Magna Carta - nền tảng Hiến pháp của Anh tại Quốc hội Việt Nam.
  • Tổ chức một buổi seminar với Bộ tư phát Việt Nam với sự tham dự của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cùng nhiều cán bộ cấp cao khác.

Thượng Nghị sỹ Lord Phillips, nguyên Chánh án Toà án Tối cao Vương quốc Anh, giáo sư thỉnh giảng của King’s College London nói: “Tôi hoan nghênh Dự án King’s at VNU-Law. Đây là biểu hiện rõ nét cho sự hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam trong lĩnh vực luật pháp và quốc tế hóa giáo dục đại học. Dự án sẽ mang lại những mối quan hệ quan trọng cho đội ngũ thẩm phán, luật sự, học giả và sinh viên của hai quốc gia. Đây là sự hợp tác rất thiết thực để cả Vương quốc Anh và Việt Nam hiểu biết tốt hơn về hệ thống pháp lý của mỗi nước”.

Mark Fletcher, Bí thư chính trị Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Các bài thuyết trình của Ngài Lord Phillips ở cả Bộ tư pháp và Quốc hội Việt Nam đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của nền pháp quyền, góp phần thúc đẩy các hoạt động kỷ niệm Đại hiến chương Magna Carta của Đại sứ quán Vương quốc Anh. Ông đã đề cập tới rất nhiều vấn đề cụ thể liên quan tới tố tụng hình sự và nhân quyền, đưa ra những quan điểm rất hữu ích và thẳng thắn về việc tại sao hình phạt tử hình vừa không hiệu quả, lại vừa khiếm khuyết”.

Tháng 10/2015, Dự án Kings’ at VNU-Law đã bước sang giai đoạn 2, tăng cường tập trung nghiên cứu thêm về vấn đề đảm bảo chất lượng và quản trị đại học tại Việt Nam.