Với những kết quả thiết thực từ sự cộng tác hiệu quả giữa các bên tham gia, những tác động tiềm năng đến phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, Dự án cây nghệ vàng có thể được xem như một mẫu hình sáng tạo về quan hệ hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.

“Nghiên cứu các giải pháp tổng thể để phát triển các sản phẩm có giá trị cao từ cây nghệ (Curcuma Longa) của Việt Nam” (Dự án Curcuma Longa) là một dự án dài hạn, nhiều tham vọng được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học Vương quốc Anh và Việt Nam từ năm 2013 đến năm 2018. Dự án xuất phát từ ý tưởng chung của các nhà khoa học Vương quốc Anh và Việt Nam sau 5 hội thảo nghiên cứu về các sản phẩm thiên nhiên do Hội đồng Anh tài trợ trong giai đoạn 2011 – 2012. Mục đích của dự án là nghiên cứu giải pháp tổng thể nhằm phát triển các sản phẩm có giá trị cao từ cây nghệ vàng của Việt Nam. Dự án do Viện hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) chủ trì.

Ngay từ giai đoạn đầu tiên, Hội đồng Anh Việt Nam đã tham gia tài trợ cho dự án với tổng số tiền là 78,000 bảng Anh. Hai năm đầu của Dự án có ý nghĩa rất quan trọng bởi khoản ngân sách tài trợ này đã giúp thúc đẩy và thặt chặt hơn sự hợp tác đa ngành, tăng cường trao đổi nghiên cứu, chuyên môn giữa các nhà khoa học Anh và Việt Nam. Tính tới thời điểm hiện tại, Dự án Curcuma Longa đã thu hút sự tham gia của hơn 20 tổ chức khoa học ở cả 2 nước, thực hiện 24 chuyến công tác nghiên cứu, 7 hội thảo và nhiều buổi tập huấn ở cả Vương quốc Anh và Việt Nam. Quan trọng hơn, tài trợ của Hội đồng Anh đã được sử dụng một cách hiệu quả trong việc đánh giá lựa chọn các giống nghệ, đặc tính canh tác và những tác động về kinh tế cũng như các phụ phẩm như tinh dầu nghệ hay bã nghệ dùng cho công nghiệp thực phẩm, y tế.

“Tài trợ của Hội đồng Anh có ý nghĩa rất quan trọng đối với dự án, đặc biệt là ở những giai đoạn đầu tiên. Nguồn vốn đã tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh hoạt động trao đổi nghiên cứu giữa các nhà khoa học Vương quốc Anh và Việt Nam, trong đó có các chuyến công tác, hội thảo và xây dựng năng lực”. Tiến sỹ Dương Ngọc Tú, Trưởng phòng sinh dược, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài cho biết.

Một mô hình hợp tác sáng tạo

Dự án Curcuma Longa nổi lên như một mô hình hợp tác đầy sáng tạo giữa các nhà khoa học của Vương quốc Anh và Việt Nam. Dự án đã thu hút sự tham gia của rất nhiều trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, đồng thời đã đóng góp tích cực thúc đẩy các chương trình hợp tác, dịch chuyển nhà nghiên cứu của Vương quốc Anh. Đặc biệt, dự án đã thu hút được sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 nhà: nhà khoa học - nhà nước – và nhà doanh nghiệp ở cả 2 quốc gia với tinh thần tương tác cao. Theo đó, VAST và các đơn vị thành viên đóng góp về công nghệ, kiến thức chuyên môn về sản phẩm thiên nhiên, cơ sở hạ tầng ban đầu và kết nối thương mại. 10 tổ chức khoa học sinh học Vương quốc Anh đóng góp kinh nghiệm, chuyên môn về công nghệ sinh học thực vật, tinh chế, theo dõi phát triển sản phẩm, đảm bảo chất lượng và nông nghiệp bền vững. Chính quyền các tỉnh và doanh nghiệp đảm bảo nguồn nguyên liệu thô, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa. Sự phối hợp hiệu quả giữa các bên tham gia đã góp phần to lớn giúp nhóm thực hiện Dự án Curcuma Longa đạt được các mục tiêu kỳ vọng của mình.

Những kỳ vong về kinh tế, xã hội và mội trường

Theo đánh giá của nhóm thực hiện Dự án, nhu cầu sử dụng curcumin trong các lĩnh vực y tế và chăm sóc sắc đẹp, cả cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, ước tính khoảng 100 tấn/năm. Trong khi đó, năng lực cung cấp nội địa chưa thể đáp ứng được nhu cầu đó. Hơn nữa, cây nghệ rất có tiềm năng trồng trên quy mô lớn tại Việt Nam vì thực tế, ước tính có khoảng 16 triệu hecta đất đồi núi, vốn rất thích hợp cho trồng cây nghệ vàng, lại đang chưa được khai thác đúng mức. Hiệu quả kinh tế của cây nghệ vàng được dự báo là cao gấp từ 6-7 lần so với trồng lúa. Do đó, nhóm thực hiện Dự án đặt mục tiêu đưa cây nghệ trở thành cây trồng chính tại Việt nam, qua đó tăng thêm thu nhập, tạo thêm công ăn việc làm cho đông đảo nông dân địa phương. Ngoài ra, Dự án cũng sẽ giúp sản xuất ra nhiều nguyên liệu hữu cơ chất lượng cao và tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho chiết xuất curcumin, sản xuất thực phẩm chức năng và các sản phẩm giá trị cao khác từ cây nghệ vàng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của WHO về “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái” (GACP), Dự án Curcuma Longa không những sẽ không gây tác động xấu đến môi trường mà còn giúp thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững cho ngành nông nghiệp và dược liệu ở Việt Nam. Quan trọng hơn, Dự án còn đáp ứng các mục tiêu sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Dự án cũng sẽ góp phần thúc đẩy mục tiêu đưa Vương quốc Anh trở thành quốc gia sáng tạo hàng đầu trong sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao từ thực vật đã được hoạch định trong Lộ trình phát triển công nghệ sinh học công nghiệp của Bộ kinh doanh, Sáng tạo và Kỹ năng (BIS).

Triển vọng về mối quan hệ Việt – Anh bền vững

Năm 2012, Hội đồng Anh đã tài trợ 25,000 bảng cho 10 nhà khoa học hàng đầu Vương quốc Anh tổ chức 5 hội thảo phổ biến kiến thức về các sản phẩm tự nhiên ở Việt Nam. Từ khoản tài trợ ban đầu này, một mạng lưới các nhà khoa học nghiên cứu về các sản phẩm thiên nhiên của Vương quốc Anh và Việt Nam đã được thiết lập và sau đó phát triển thành Trung tâm nghiên cứu xuất sắc liên ngành về lĩnh vực các hợp chất thiên nhiên Việt – Anh (ICNaP).

Dự án cây nghệ là bước phát triển tiếp theo để ICNaP đưa kết quả từ các hội thảo trước đó thành các hoạt động nghiên cứu chung. Thông qua các hoạt động trao đổi khoa học của Dự án, một mạng lưới mới về Bio-refinery/Bio-renewable giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã được thiết lập, trong đó có Trung tâm Bio-refinery, Viện nghiên cứu thực phẩm (IFR), Công viên nghiên cứu Norwich; Trung tâm Công nghệ hóa học bền vững (CSCT), Đại học Bath; Trung tâm Hóa học xanh (GCEC), Đại học York. Việc mở rộng hơn nữa năng lực chiết xuất cây nghệ vàng trong Dự án Curcuma Longa sẽ mở đường cho các hợp tác dài hạn hơn giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, hướng tới phát triển các nguồn đa dạng sinh học khác, cả tự nhiên và kỹ thuật, góp phần thúc đẩy nền kinh tế dựa trên nền tảng sinh học ở mỗi quốc gia.