Đam mê không phải là một lời nói suông và bản thân luôn phải đủ dũng cảm để chinh phục nó.
Từ học khoa học theo phương pháp giáo dục theo định hướng STEM đến dự án “Mê cung Hóa học”
Anh Tú chia sẻ, phương pháp giáo dục theo định hướng STEM (Khoa học - Toán học - Công nghệ - Toán học) là một trải nghiệm mới mẻ và bổ ích giúp học sinh có thể hiểu và áp dụng linh hoạt những kiến thức đã học vào thực tế. Với nhiều bạn trong lớp Tú, học theo định hướng STEM có thể phần nào giúp các em bớt chán và sợ khoa học hơn. Còn đối với bản thân Anh Tú là một học sinh đã có sẵn niềm đam mê khoa học, em chia sẻ, “STEM giúp em ghi nhớ lý thuyết vững vàng hơn qua việc thực hành. Và dự án “Mê cung hóa học” của em cũng đã được thực hiện nhờ một phần quan trọng dựa trên nền tảng kiến thức STEM.”
“Mê cung Hóa học” là một trò chơi được xây dựng trên hệ điều hành Android của điện thoại thông minh với mục tiêu giúp người chơi ôn luyện kiến thức hóa học theo cách giải trí và sinh động nhất.
Dự án trò chơi “Mê cung hóa học” đã đạt giải Ba trong cuộc thi Khoa học Kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh và đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật Thanh Thiếu Niên Quốc gia lần thứ 12. Đây là một trong những dự án tiêu biểu của hoạt động triển khai thí điểm phương pháp giáo dục theo định hướng STEM do Hội đồng Anh thực hiện dưới sự tài trợ của quỹ Newton.
Chào Tú, ý tưởng về “Mê cung Hóa học” của em được bắt nguồn từ đâu?
Là phó bí thư nên ở lớp em cũng có giúp đỡ một số bạn học Hóa. Em nhận ra các bạn cũng có những tiến bộ nhất định nhưng không lâu bền. Nhiều người thường nghĩ học sinh học ban A thì sẽ khá các môn tự nhiên, nhưng thực tế em thấy rõ ràng rằng nhiều bạn cũng bị học lệch, ví dụ học tốt Toán nhưng yếu Lý, học tốt Lý nhưng yếu Hóa. Trong đó, Hóa lại khiến nhiều bạn học vất vả hơn cả vì kiến thức dàn trải và nhiều công thức, không biết bắt đầu từ đâu hay hệ thống kiến thức sao cho đủ.
Vậy hành trình từ ý tưởng trong suy nghĩ đến một phần mềm thực tế đã diễn ra như thế nào?
Sau khi có ý tưởng, em đã bắt tay vào làm nghiên cứu và khảo sát trước. Lúc đầu em mới nghĩ là cần một giải pháp gì đó để giúp các bạn học hóa, nhưng chưa biết cụ thể là làm sản phẩm gì. Sau đó, em có đọc một số liệu trên trang “We are social” – một trang web uy tín có thống kê về số liệu điện tử, đã chỉ ra rằng tính đến năm 2016, Việt Nam có khoảng 55% dân số sở hữu điện thoại là điện thoại thông minh. Ngoài ra, tỷ lệ người chơi game đang đi học chiếm đến hai phần ba (71,7%) tổng lượng người chơi nên quyết định sản phẩm của mình sẽ làm một phần mềm chơi game trên điện thoại.
Em sử dụng những công cụ khác nhau như thế nào trong việc xây dựng phần mềm này?
Em đã cố gắng vận dụng tối đa các kỹ năng nghiên cứu và kiến thức được học trong các môn STEM để viết được phần mềm này. Đầu tiên em dùng Toán để xây dựng thuật toán tối ưu và ngẫu nhiên nhất để đảm bảo mỗi màn chơi là một câu hỏi khác nhau. Tiếp theo là em sử dụng tin học để viết và xây dựng phần mềm. Các câu hỏi của em là dạng trắc nghiệm về môn Hóa nên chắc chắn kiến thức hóa học em phải nắm vững. Việc học theo định hướng STEM đã giúp ích rất lớn cho em hiện thực hóa việc viết phần mềm này.
Tự thực hiện phần mềm từ đầu đến cuối như vậy, chắc hẳn đây là một hành-trình-bôn-ba?
Giờ nghĩ lại nhiều lúc em cũng thấy hoảng. Trước tiên là mặt thiết kế, thiết kế game thực sự rất khó mà phải bắt tay ngay vào làm một game 3D, em phải vừa làm vừa học. Nhiều lúc có thể nói là em bất lực với những thứ em đang làm, nhưng cũng không biết tại sao mình vẫn tiếp tục. Cứ thế em dành trọn bảy tháng cho game này.
Khó khăn nữa là trong việc chạy phần mềm. Có khi tới bốn, năm ngày vẫn cùng một lỗi sai mà em không sửa được. Có lúc vừa sửa xong một lỗi thì máy báo thêm hơn 1000 lỗi nữa, lúc đó em đã phải xóa cả một chương trình đi và viết lại. Đến cuối cùng cũng ra được sản phẩm thô xong lại thấy là nó chưa ổn và chưa phù hợp lắm, lại viết đi viết lại thêm mấy lần nữa.
Người lớn thường có một quan niệm “Con gái thì không nên học khoa học vì sẽ vất vả quá, nên theo một ngành nghề “ổn định” hơn?”, em nghĩ thế nào về điều đó?
Một ví dụ cho quan niệm này chính là con gái thường dễ trượt trong việc tuyển dụng ở các ngành khoa học hơn, có lẽ do phần lớn các công ty cũng muốn tuyển dụng nam giới. Nhưng nếu chỉ vì khó khăn mà không dám làm thì sẽ không có những người như Marie Curie - nhà khoa học nữ đầu tiên nhận được giải Nobel hóa học. Sự nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ của bà khiến em thán phục vô cùng. Bởi vậy, quan trọng hơn tất cả phải là đủ đam mê, sau là đủ dũng cảm để hiện thực hóa đam mê đó.
Việc định nghĩa sự "ổn định" trong công việc là rất khó. Bây giờ em thấy có càng nhiều người chuyển việc, có khi là bắt đầu lại với công việc họ đam mê và yêu thích dù có thể công việc cũ cũng rất tốt với mức lương cao. Em nghĩ tất cả là sự lựa chọn cá nhân, không nên dùng các thước đo của bản thân để đánh giá về công việc của người khác.
À thêm một điều thú vị nữa mà em biết đó là khoa học cũng chứng minh rằng con gái đang tiến hóa về chỉ số thông minh cao hơn con trai đó. (cười)
Nếu khoa học đã là đam mê, vậy chắc em vẫn còn nhiều ấp ủ với những dự án như “Mê cung hóa học”?
Để thành dự án có sản phẩm như “Mê cung hóa học” thì sẽ còn cần rất nhiều thời gian nhưng em cũng đang ấp ủ nhiều ý tưởng mới. Ví dụ như em đang nghĩ đến một phần mềm giúp cho du khách đi biển hoặc những người dân chài có thể phát tín hiệu cứu hộ ngay khi gặp nạn trên biển chỉ bằng một thao tác. Hoặc một ý tưởng khác liên quan tới việc giám sát các tàu thuyền đi lại trên vịnh Hạ Long và rà soát chất lượng môi trường trong vịnh. Em cũng hy vọng sẽ gắn bó với STEM lâu dài hơn nữa để có thể tối ưu các kỹ năng của mình phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học sau này.
Những ý tưởng của em có vẻ rất “Quảng Ninh”, rất gần gũi vì nó đều gắn với môi trường ở đây. Không biết em có được gợi cảm hứng từ những câu chuyện nào không?
Em nảy ra ý tưởng khá ngẫu nhiên khi nghe được câu chuyện của bác hàng xóm. Cả hai vợ chồng nhà bác đều là dân chài đi biển, thường chỉ về nhà vào ngày cuối tuần. Và thuyền nhà hai bác cũng chỉ là tàu thuyền nhỏ không phải loại thuyền có đủ các trang thiết bị như các tàu thuyền đánh bắt xa. Em nghĩ rằng những người dân chài như thế không có đủ khả năng chi trả cho những thiết bị lớn, cồng kềnh trên thuyền khi gặp nạn. Và em đã đặt câu hỏi tại sao không viết một phần mềm đơn giản trên điện thoại để giúp những người như thế.
Đã có rất nhiều ý tưởng về xây dựng phần mềm, liệu đây có phải là con đường tương lai mà em lựa chọn hay không?
Định hướng của em là lên đại học em sẽ học sâu hơn về công nghệ thông tin và có thể hoàn thành chương trình Kỹ sư ngành An toàn thông tin, đặc biệt là sẽ nghiên cứu chuyên sâu hơn về toán để làm những thuật toán ngắn gọn và tối ưu nhất.
Cảm ơn Tú và mong rằng hành trình với STEM trong tương lai của em sẽ tuyệt vời hơn nữa.