Lần đầu tiên, một mạng lưới kết nối đã được hình thành giữa các cá nhân và tổ chức trong ngành logistics của Việt Nam và Vương quốc Anh – quốc gia phát triển hàng đầu thế giới về logistics. Việc hợp tác này mang đến cơ hội phát triển kinh tế cảng/ biển, giải phóng sức lao động lớn, thân thiện hơn với môi trường, phát triển hợp tác giáo dục và tiệm cận với công nghệ logistics tiên tiến của thế giới. Đây là một hoạt động nằm trong dự án “Hợp tác Vương quốc Anh – Việt Nam về đổi mới, phát triển vững chắc hệ thống logistics hàng hải Việt Nam”. Dự án là kết quả của sự hợp tác giữa Đại học Liverpool John Moores University (LJMU), Vương quốc Anh với Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Hàng Hải Việt Nam và một số các đối tác doanh nghiệp trong khuôn khổ chương trình Kết nối các Tổ chức Nghiên cứu Khoa học - Institutional Links do Hội đồng Anh thực hiện dưới sự tài trợ của Quỹ Newton.
Vai trò của dự án trong diện mạo logistics hàng hải hiện nay
Chương trình Institutional Links thuộc Quỹ Newton cho phép các tổ chức tham gia vào ngành công nghiệp và chuyển giao công nghệ, giải quyết các nhu cầu và thách thức về sự phát triển của địa phương. Ý nghĩa này được nhấn mạnh rõ rệt trong sự ra đời và phát triển của dự án hiện nay.
Theo số liệu của Vietnamnews (Tháng Mười Một năm 2013) và The Maritime Executive (Tháng Một năm 2014), 90% lượng hàng xuất/ nhập khẩu của Việt Nam được vận chuyển qua đường biển và 53% được vận chuyển qua đường thủy. Tuy nhiên, tỉ lệ đáp ứng với nhu cầu của các nhà cung ứng trong nước khá thấp, chỉ 20-25%. Thách thức đó đòi hỏi phải có những giải pháp thiết yếu cho từng cảng. Và dự án “Hợp tác Vương quốc Anh – Việt Nam trong việc đổi mới, phát triển vững chắc hệ thống logistics hàng hải Việt Nam” nói chung và mạng lưới The UK–Vietnam Logistics nói riêng được ra đời chính vì mục tiêu ấy.
Mục tiêu của dự án là hợp tác với các đối tác công nghiệp và các trường đại học tại Việt Nam sẽ cùng giải quyết các vấn đề cấp thiết trong lĩnh vực logistics hàng hải Việt Nam, trong đó chú trọng vào việc ứng dụng công nghệ thông tin, với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế và ứng dụng các công nghệ/ giải pháp thân thiện hơn với môi trường. TS. Nguyễn Trung Thành (LJMU), chủ trì dự án chia sẻ “Hiện 16 cơ quan đoàn thể và công ty thành viên của mạng lưới The UK–Vietnam Logistics đang lần đầu hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực để đẩy mạnh phát triển ngành logistics ở Việt Nam. Những hợp tác này sẽ không xảy ra nếu không có mạng lưới kết quả của dự án.”
Nỗ lực giải quyết khó khăn cùng các đối tác công nghiệp
Tại Việt Nam, nhiều vấn đề về logistics hàng hải tập trung ở miền Bắc. Khó khăn trước hết là do điều kiện địa lý chủ yếu là cảng không nằm ở vùng nước sâu, nên hầu hết chỉ tiếp nhận được các tàu cỡ nhỏ và trung bình. Thêm vào đó là các quy trình hoạt động không quy chuẩn với thế giới, dẫn đến hiệu quả vận chuyển không cao và có ảnh hưởng đến môi trường. Yếu tố thứ ba là phần lớn các cảng ở Việt Nam là cảng cuối nên có sự chênh lệch hàng hóa giữa xuất khẩu và nhập khẩu rất lớn.
Dự án sẽ dựa vào khó khăn và yêu cầu khác nhau của từng đối tác công nghiệp (cảng hoặc cụm cảng) để đưa ra những bộ sản phẩm phù hợp và tối ưu nhất nhằm mục đích phát triển kinh tế cảng/biển. Với cảng VIP Greenport và cảng Nam Hải, dự kiến bộ sản phẩm sẽ bao gồm hệ thống tối ưu việc xếp container trên tàu, hệ thống mô phỏng hoạt động của cảng và hệ thống tối ưu việc xếp container trên bãi. Ngoài ra, cảng VIP Greenport còn có thêm hệ thống tối ưu việc đóng gói hàng vào container. Những bộ sản phẩm này được thiết kế để nâng cao năng suất, giải phóng lao động và giảm bớt ảnh hưởng tới môi trường.
Đánh giá cao từ những đối tác tiềm năng
“Kết quả thử nghiệm bước đầu cho thấy sản phẩm của dự án có khả năng đưa ra kết quả khả quan hơn so với hệ thống đang sử dụng tại cảng khi thử nghiệm trên dữ liệu thực.” ông Nguyễn Đức Long, Phó trưởng ban Đổi mới Công nghệ thông tin, Công ty Viconship chia sẻ.
Công ty Cổ phần Container Việt Nam – Viconship là một trong số những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực logistics của Việt Nam. Trong đó, VIP Green Port là cảng đầu tiên ở Hải Phòng được đầu tư hiện đại và quy chuẩn về mặt quy trình. Ngoài ra, cảng có vị trí thuận lợi tại cửa ngõ khu vực Hải Phòng.
Việc hợp tác với một cảng hiện đại và quy chuẩn như VIP Green Port đem lại hiệu quả cao trong việc đánh giá, phát hiện ra những vấn đề còn tồn đọng trong việc triển khai các sản phẩm công nghệ thông tin trong thực tế. Điều này không chỉ giúp ích cho đối tác công nghiệp trong việc phát triển kinh tế mà còn tạo cơ hội hợp tác, trao đổi trong nghiên cứu khoa học giữa các nhà khoa học tại Vương quốc Anh và Việt Nam.
Anh Vũ Huy Hoàng, Trưởng phòng Công nghệ Thông tin của Cảng Nam Hải - Tập đoàn Gemadept chia sẻ: “Tôi nghĩ hướng đi mà anh Thành đang triển khai chính là hướng đi của tương lai và các cảng biển có lẽ đều rất mong chờ điều ấy.”
Hiện tại, dự án đã nhận được một số cam kết đầu tư và tài trợ. Tập đoàn toàn cầu AECOM có cam kết đầu tư £30.000 để mở rộng kết quả dự án qua một chương trình nghiên cứu sinh. Quỹ Newton thông qua Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh tiếp tục tài trợ dự án để mở rộng kết quả dự án trong lĩnh vực logistics xanh và giao thông đô thị. Các đối tác công nghiệp ở Việt Nam cũng cam kết sẽ đầu tư nếu các sản phẩm dự án sau thử nghiệm đáp ứng được yêu cầu.
Là cầu nối với các đối tác trường học
Không chỉ hướng tới những đối tác công nghiệp với mục địch phát triển kinh tế, mạng lưới The UK–Vietnam Logistics hiện nay cũng đang hợp tác với các trường đại học của Việt Nam bao gồm Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia, Hà Nội, Đại học Hàng hải, Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Lê Quý Đôn và Đại học FPT nhằm mục đích phát triển giáo dục ở Việt Nam. Các bên thường xuyên trao đổi các thông tin và tổ chức hội nghị, hội thảo để cập nhật xu hướng cũng như những thành tựu mà dự án đã đạt được.
PGS.TS. Nguyễn Hà Nam, đồng chủ trì dự án, đến từ Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia, Hà Nội chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi chưa quan tâm đến logistics vì nghĩ rằng chuyên môn không liên quan. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu sâu về dự án thì tôi thay đổi suy nghĩ. Thực sự, chúng tôi đang hiểu rằng chúng tôi là một cấu phần khá quan trọng và ngày càng quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp này. Với xu thế sôi động tại cảng biển như hiện nay thì logistics rõ ràng là một động lực cho sự phát triển kinh tế.”
Chương trình Kết nối các tổ chức nghiên cứu khoa học (Newton Institutional Links) thuộc Dự án Quỹ Newton - dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển của Vương quốc Anh.
Chương trình Kết nối các tổ chức nghiên cứu khoa học cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển nghiên cứu và hợp tác đổi mới sáng tạo giữa Vương quốc Anh và các nước đối tác, trong đó có Việt Nam. Các công trình nghiên cứu do Quỹ hỗ trợ giải quyết các nhu cầu và thách thức về phát triển của địa phương như điều kiện khí hậu khắc nghiệt, khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, an ninh lương thực và năng lượng.