Di sản Cồng chiêng Tây Nguyên  ©

Ben Reich 

Thử thách Di sản văn hóa cộng đồng là một sáng kiến mới, tạo điều kiện cho các cộng đồng địa phương đưa ra ý tưởng và nhận được hỗ trợ để xây dựng và thực hiện các hoạt động hướng tới bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa của họ. Sau ba năm hợp tác chặt chẽ với các cộng đồng địa phương ở Gia Lai, Ninh Thuận và TP. Hồ Chí Minh qua cả hai hình thức, trực tiếp và thông qua đối tác thực hiện, dự án tiếp tục được thực hiện thông qua việc hỗ trợ các sáng kiến cộng đồng. Với các hoạt động được đề xuất từ địa phương và triển khai tại địa phương, đây là cơ hội để các cộng đồng áp dụng các kỹ năng mà họ đã được đào tạo trong các năm trước đó vào hoạt động thực tiễn. Thông qua sự hợp tác chuyên sâu hơn với các thành viên từ các cộng đồng mục tiêu, và tham vấn với các chuyên gia về di sản và phát triển tại địa phương, hai lời mời nộp đề xuất đã được khởi động tại Ninh Thuận vào tháng Tám 2022 và tại Gia Lai vào tháng Mười 2022, và 13 đề xuất dự án từ cộng đồng địa phương, những người thực hành di sản và các chuyên gia đã được lựa chọn để triển khai.

Các dự án nhận hỗ trợ 

Buổi biểu diễn ngâm Ariya ở Bàu Trúc. Hình ảnh thuộc dự án Bảo tồn di sản hát ngâm, kể chuyện Ariya trong văn hóa Chăm tại Phước Nam, tỉnh Ninh Thuận, tháng Năm 2022 ©

Thập Hồng Luyện 

Nghệ nhân dệt Mơ H’ra trình diễn kỹ thuật dệt vải truyền thống, thuộc dự án Bảo tồn nghề dệt truyền thống của người Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, tháng Ba 2022  ©

Hội đồng Anh

1. Bảo tồn nghề dệt truyền thống Chăm

Chủ nhiệm dự án: Phú Văn Ngòi

Địa điểm:  Khu phố Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận

Một dự án của Hợp tác xã dệt thổ cẩm Chăm làng Mỹ Nghiệp hướng tới nghiên cứu và tư liệu hóa những mẫu hoa văn hiếm trong dệt truyền thống của người Chăm, đào tạo những người thợ dệt cách dệt nên những hoa văn này nhằm bảo tồn tính chân thực và nét độc đáo của nghề dệt Chăm. Những người thợ dệt Chăm hy vọng việc lưu giữ bản sắc văn hóa của họ trong các sản phẩm dệt sẽ mở ra thị trường mới và mang lại khách hàng mới cho sản phẩm thủ công, tăng thêm nguồn thu nhập để cải thiện đời sống. 

 

2. Tập huấn cho thanh niên và phụ nữ dân tộc thiểu số người Chăm ở Ninh Thuận về du lịch cộng đồng

Chủ nhiệm dự án: Quảng Đại Tuyên

Địa điểm: Khu du lịch văn hóa sinh thái Sen Caraih, làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận

Một khóa đào tạo được thiết kế riêng cho thanh niên và phụ nữ từ các cộng đồng Chăm về các kỹ năng xây dựng và điều hành các dự án du lịch cộng đồng bền vững. Dự án này nhằm tạo động lực và trang bị cho những người trẻ của cộng đồng Chăm kĩ năng sử dụng di sản văn hóa như một nguồn lực để phát triển du lịch.

3. Bảo tồn di sản hát ngâm/ kể chuyện Ariya trong văn hóa Chăm

Chủ nhiệm dự án: Thập Hồng Luyện

Địa điểm: Phước Nam, Thuận Nam, Ninh Thuận

Dự án này mời các nghệ nhân hát ngâm/kể chuyện Ariya ở các làng Chăm và tổ chức các lớp học, nơi các nghệ nhân này truyền dạy kỹ thuật hát ngâm/kể chuyện Ariya cho những người khác như một cách duy trì thực hành văn hóa trong cộng đồng. Ariya là một thể thơ lưu giữ những câu chuyện cổ trong văn hóa Chăm và thường được hát trong các nghi lễ của người Chăm, nhằm truyền dạy và truyền cảm hứng cho người Chăm về cội nguồn và sự phong phú của nền văn hóa của họ.

4. Sổ tay hướng dẫn nghi lễ cho các chức sắc Chăm

Chủ nhiệm dự án: Phó cả sư Lưu Thanh Sanh

Địa điểm: Phước Thái, Ninh Phước, Ninh Thuận

Dự án do Phó cả sư Lưu Sanh Thanh thuộc Hội đồng Chức sắc Chăm Ninh Thuận chủ trì, với mục đích nghiên cứu và tư liệu hóa các thực hành nghi lễ Chăm và xây dựng cuốn sổ tay hướng dẫn nhằm hỗ trợ 45 chức sắc Chăm trong việc thực hiện các nghi lễ phục vụ 400.000 tín hữu Chăm tại tỉnh Ninh Thuận, qua đó tạo thuận tiện cho bà con Chăm trong việc hành lễ, biết trân quý văn hóa truyền thống dân tộc.

5. Bảo tồn các giống cây thuốc nam Pablap

Chủ nhiệm dự án: Kiều Thị Hồng Vân

Địa điểm: Xuân Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận

Pablap là một làng Chăm nổi tiếng với các loại thảo mộc quý hiếm, có thể được sử dụng trong các phương pháp chữa trị tại nhà đối với một số bệnh nhất định. Trong quá khứ, các thầy thuốc Pablap đã thu thập cây thuốc từ những khu rừng gần đó, tuy nhiên, diện tích rừng đã giảm đáng kể trong những thập kỷ qua, dân làng ngày càng thấy khó khăn hơn trong  việc thu thập các loại cây thảo mộc. Kiều Mai Ly và gia đình ba thế hệ thầy thuốc của chị đã đề xuất dự án này nhằm phân loại và trồng những loại thảo dược quý hiếm trong vườn của họ. Dự án sẽ bao gồm hoạt động trồng các loại cây thuốc cũng như tổng hợp các kiến ​​thức và kinh nghiệm về thuốc thảo dược để chia sẻ với mọi người, thông qua đó bảo tồn di sản và phát triển sinh kế cho dân làng.

6. Trải nghiệm đời sống văn hóa và tập quán sinh hoạt người Chăm qua du lịch lưu trú tại nhà dân (homestay)

Chủ nhiệm dự án: Lưu Quang Tuấn Huy

Địa điểm: Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận

Một nhóm sáu bạn trẻ người Chăm đã đề xuất nghiên cứu và phát triển các mô hình homestay mà người dân địa phương có thể áp dụng để mang đến cho khách du lịch/du khách cơ hội trải nghiệm văn hóa Chăm tốt nhất. Nhóm dự định kết hợp với chính quyền địa phương và khoảng 30 hộ gia đình trong giai đoạn thí điểm để phát triển và thử nghiệm các mô hình homestay phù hợp, trước khi quảng bá du lịch địa phương rộng rãi hơn thông qua truyền thông, các chuyến tham quan thử nghiệm và kết nối với thị trường và khách hàng mới. 

7. SU-UK (Hỏi Đáp) về ẩm thực Chăm

Chủ nhiệm dự án: Nguyễn Nữ Huyền Trang, Vạn Thị Ngọc Huyện

Địa điểm: Phước Thái, Ninh Phước, Ninh Thuận

Dự án này mở ra một diễn đàn để những người phụ nữ Chăm đối thoại về vai trò của họ trong việc gìn giữ di sản và văn hóa Chăm, với ẩm thực Chăm làm khởi điểm. Dự án tạo ra cơ hội để các bà các cô người Chăm cùng nhau nấu ăn và chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống của họ, mà một phần quan trọng trong đó là các món ăn truyền thống sử dụng nguyên liệu độc đáo của địa phương. Thông qua đó, hai bạn trẻ người Chăm là Vạn Thị Ngọc Huyền và Nguyễn Nữ Huyền Trang đề xuất dự án này với hy vọng sẽ truyền bá kiến ​​thức về di sản và tập quán bản địa của họ rộng rãi trong và ngoài các làng Chăm.

8. Bước vào truyện cổ: Dự án thúc đẩy tinh thần tự hào di sản Chăm thông qua truyện cổ

Chủ nhiệm dự án: Trượng Văn Sô

Địa điểm: Phước Hậu, Ninh Phước, Ninh Thuận

Dự án phối hợp với các học sinh để nghiên cứu và ghi chép (số hóa) các truyền thuyết lâu đời trong văn hóa Chăm. Mục tiêu chính của dự án là tạo cơ hội cho giới trẻ tìm hiểu về văn hóa và di sản của họ, cũng như nâng cao kiến thức và khuyến khích sử dụng tiếng Chăm, tăng thêm hiểu biết và lòng tự hào về văn hóa dân tộc. Kết quả cuối cùng sẽ là một bộ sách về các truyền thuyết Chăm với hình ảnh minh họa, và sẽ được gửi tới 15 trường học địa phương ở Ninh Thuận.

9. Phát triển du lịch homestay kết nối văn hóa cộng đồng Chăm

Chủ nhiệm dự án: Lưu Anh Tặng

Địa điểm: Phước Hữu, Ninh Phước, Ninh Thuận

Dự án này hỗ trợ các cá nhân và gia đình địa phương kinh doanh homestay trong việc tổ chức các hoạt động mang đến cho du khách những trải nghiệm tốt đẹp về văn hóa địa phương. Các hoạt động này bao gồm các hoạt động trải nghiệm làng nghề, nghe các nghệ nhân Chăm kể chuyện/cao dao tục ngữ, gặp gỡ các nghệ nhân và giai điệu múa hát của Chăm, thưởng thức ẩm thực bản địa và trải nghiệm nấu ăn của người Chăm. Một nhóm khoảng 20 người dân địa phương sẽ tham gia một chuỗi các buổi đào tạo trước khi họ bắt đầu thực hành theo nhóm và học hỏi từ việc lên kế hoạch và tổ chức các hoạt động cho các đoàn tham quan thử nghiệm.

10. Bảo tồn di sản thuyền độc mộc và cồng chiêng của người Jrai ở Gia Lai

Chủ nhiệm dự án: Lê Thị Phương Loan

Địa điểm: Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Ia Grai, Gia Lai

Người Jrai xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai coi nghề đóng thuyền độc mộc và chơi cồng chiêng là một phần di sản mà họ muốn bảo tồn và sử dụng để phát triển du lịch. Phòng Văn hóa huyện Ia Grai đề xuất dự án này như là một cơ hội để các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy cho lớp trẻ cách đẽo thuyền, cách chèo thuyền, cách tổ chức các cuộc thi đua thuyền và cách đánh cồng chiêng trong các sự kiện cộng đồng như vậy. Mong muốn của họ là làm sống lại lễ hội đua thuyền địa phương như một cách giới thiệu những nét nổi bật của văn hóa địa phương, qua đó thúc đẩy du lịch và tạo ra nhiều cơ hội sinh kế cho người dân địa phương.

11. Bảo tồn nghề dệt truyền thống của người Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang

Chủ nhiệm dự án: Trần Thị Bích Ngọc

Địa điểm: xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai

Phòng Văn hóa xã Kông Lơng Khơng và người dân trong xã cùng phối hợp thực hiện sứ mệnh bảo tồn quy trình dệt vải truyền thống của người Bahnar, từ công đoạn gieo hạt đến dệt hoa văn. Trong dự án này, các phụ nữ trẻ địa phương cũng sẽ học hỏi từ các nghệ nhân lớn tuổi về từng bước của quy trình, đồng thời tạo ra các sản phẩm mới đồng thời duy trì các thiết kế và hoa văn biểu tượng của di sản và văn hóa của họ.

12. Câu lạc bộ văn hóa Jrai – giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa dân tộc Jrai

Chủ nhiệm dự án: Ksor H’ Nhi

Địa điểm: Xã Iarbol, thị xã Ayunpa, Gia Lai

Một nhóm các bạn trẻ người Jrai ở làng Bôn Rưng Manin, xã Iarbol, thị xã Ayunpa, tỉnh Gia Lai đề xuất tổ chức Câu lạc bộ văn hóa Jrai để các thế hệ người dân trong làng cùng tìm hiểu, chia sẻ về văn hóa Jrai. Nhóm mong muốn tạo ra một không gian cho các hoạt động văn hóa như chơi cồng chiêng, múa xoang mà trẻ em cũng có thể tham gia. Dự án nhằm mục đích nuôi dưỡng niềm tự hào của mọi người về nền văn hóa của chính họ và tìm kiếm thêm không gian cho các hoạt động văn hóa không chỉ mang tính xã hội mà còn có thể mang lại cơ hội sinh kế cho người dân. 

13. Tượng gỗ dân gian của người Bahnar, Jrai ở Gia Lai

Chủ nhiệm dự án: Nguyễn Thị Thu Loan

Địa điểm: TP. Pleiku, Gia Lai

Dự án này hướng tới bảo tồn kiến ​​thức và kỹ năng của các nghệ nhân tạc tượng gỗ tại địa phương - một nét di sản đặc trưng của người Bahnar và Jrai trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo truyền thống, những bức tượng này được làm để mai táng cùng người quá cố. Tượng gỗ là một phần bản sắc của người dân vùng cao nguyên trước khi chúng trở thành đồ sưu tầm, bắt đầu biến mất dần tại nơi chúng được làm và trở thành tài sản có giá trong các bộ sưu tập cá nhân. Hoạt động chính của dự án là chương trình lưu trú cho đoàn nghệ nhân đến từ 17 huyện, thị trấn trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Những nghệ nhân này cũng sẽ thí điểm tạc phiên bản thu nhỏ của các bức tượng, và đào tạo những người khác cùng thực hiện để làm quà lưu niệm cho khách du lịch.