Biết đến Georgia Ruth từ Liên hoan Âm nhạc Celtic Connections vào đầu năm nay, Hội đồng Anh đã mời nghệ sỹ giành giải nhất Giải thưởng Âm nhạc xứ Wales này cùng ban nhạc của cô đến biểu diễn tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 6 vừa qua. Đây là một cơ hội đặc biệt để công chúng Việt Nam được thưởng thức tài năng của một nghệ sỹ đàn hạc, nhạc sỹ đến từ xứ Wales với phong cách âm nhạc đặc trưng, cũng là dịp để Georgia Ruth khám phá một nền văn hóa mới.
Cô đã chia sẻ những ấn tượng khó quên của mình về hai thành phố của Việt Nam ngay sau khi trở về Liverpool.
Tháng 6 năm 2014, tôi cùng các thành viên (Iwan Hughes, Dafydd Hughes và Aled Hughes) trong ban nhạc được Hội đồng Anh mời đến biểu diễn ở Việt Nam. Dưới đây là vài ấn tượng của chúng tôi sau chuyến đi này.
Hà Nội
Lúc này nhìn lại, Hà Nội với chúng tôi như một giấc mơ, một ảo mộng run rẩy giữa cũ và mới dưới cái nóng oi bức khắc nghiệt của miền Bắc Việt Nam, và là nơi mà cả đời chúng tôi chẳng bao giờ có thể quên được.
Chúng tôi rời Gatwick vào buổi chiều ngày hôm trước, di chuyển mà chẳng để ý đến thời gian, và đặt chân tới Hà Nội lúc 6 giờ sáng ngày hôm sau, Thứ Tư. Dù mệt mỏi sau chuyến bay dài, chúng tôi vẫn háo hức để có thể tận mắt ngắm nhìn thành phố mà mình đã đọc rất nhiều qua sách báo. Từ sân bay, cuộc hành trình của chúng tôi bắt đầu. Lướt nhanh qua những cánh đồng lúa bát ngát, xuyên qua các dòng xe mô tô đông như mắc cửi, chúng tôi đến với Hà Nội vào giờ cao điểm đi làm buổi sáng. Rẽ ngay vào trung tâm khu phố cổ, dưới chân Nhà Thờ Lớn, ban nhạc chúng tôi bắt đầu khám phá, và đã ngay lập tức yêu luôn thành phố xinh đẹp này. Đi quanh những ngôi nhà gạch cổ màu vàng đang bong tróc dưới cái nóng oi bức luôn thường trực của buổi chiều hè để lại trên da chúng tôi những vết lốm đốm vì cháy nắng, và những hàng cây dường như cứ cuộn tròn mãi trong cái bóng của chính mình. Các con phố bán tất cả các mặt hàng mà chúng tôi có thể chợt nghĩ ra: như lụa, thịt gà, giầy, quà cưới, thuốc lá, thậm chí có cả trống. Ban nhạc chúng tôi hoàn toàn bị choáng ngợp. Gần như ngay lập tức, chúng tôi đồng ý rằng Hà Nội đã giành vị trí khá cao trong top các thành phố được ban nhạc ưa thích. Và chỉ mất vài giờ để nhận ra một điều là, đột nhiên xứ Wales với chúng tôi lại thật xa cách. Trong buổi tối đầu tiên, chúng tôi lao vào các con phố mê hồn trận tìm đồ ăn, băng qua những cô bán hàng rong đội nón lá hình tam giác, hay ngang qua những cậu bé đang ngồi dọc theo bờ hồ Ha-le. Chúng tôi cứ lang thang như thế đến khi hai mắt díp lại, mặc dù chẳng muốn ngủ, chúng tôi buộc phải chầm chậm quay ngược về khách sạn. Có lẽ là đêm đó mọi người đều có giấc ngủ rất ngon.
Buổi tối hôm sau, tôi biểu diễn vào bữa tiệc chia tay tại dinh thự của ngài Đại Sứ Antony Stokes đương nhiệm sắp kết thúc nhiệm kỳ. Đó thực sự là buổi biểu diễn đặc biệt với chúng tôi. Mặc cho thời tiết nóng bức, chúng tôi (và các loại nhạc cụ) vẫn cháy hết mình. Rất đáng tiếc là đêm hôm đó chúng tôi chưa có cơ hội để trực tiếp thưởng thức âm nhạc Việt Nam, vì thế, vào buổi chiều ngày hôm sau, tôi sướng run lên khi tình cờ thấy một địa điểm có tên là Thăng Long, nơi tổ chức các buổi biểu diễn Ca Trù hàng tuần. Được UNESCO công nhận vào năm 2009, Ca Trù là một nghi thức hát truyền thống xuất hiện từ thể kỷ 11. Có ba người biểu diễn, ở giữa là một nữ ca sỹ sử dụng kỹ thuật thở và rung, cùng lúc đập thanh gỗ trên tay để tạo ra một âm thanh hoa mỹ độc đáo. Hai người còn lại chơi đàn ba dây và trống. Dù mang trong mình điều đặc biệt và độc đáo, bộ môn truyền thống này đang có nguy cơ bị mai một nếu không được bảo tồn, và số lượng nghệ sỹ Ca Trù cũng đang giảm dần. Ca Trù được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đối với những người theo đuổi âm nhạc truyền thống, danh sách này thật sự vô cùng chua xót. Tôi bỗng nhớ đến thể thơ “cynghanedd” (cũng bắt nguồn từ thời Trung Cổ) đang được dùng ở xứ Wales ngày nay. Dưới mái nhà cổ này của các thương gia, với những chú chim nhảy nhót trên mái nhà cùng với mùi hương khói, lòng quyết tâm bảo vệ lối hát truyền thống này của các thế hệ nghệ sỹ từ già đến trẻ thật vô cùng có ý nghĩa, và truyền cảm.
Vào thứ Sáu, tôi và Iwan đến thăm Dàn hợp xướng Hy Vọng. Đặt cơ sở tại trường Nguyễn Đình Chiểu, một ngôi trường tại Hà Nội dành cho trẻ khiếm thị, dàn hợp xướng non trẻ này được thành lập bởi hai chỉ huy nhiệt huyết và năng nổ: nghệ sỹ piano Tôn Thất Triêm và vợ ông, nghệ sỹ Nguyễn Xuân Thanh, người sở hữu giọng nữ cao soprano. Tất cả các ca sỹ đều khiếm thị, và đã biểu diễn loạt các ca khúc (từ những bài hát dân ca Việt Nam đến bản nhạc của J.S. Bach) trên nhiều sân khấu quốc tế. Tất cả các thành viên trong ban nhạc đều là những nghệ sỹ thành thục, và đây quả là một trong những điều về ban nhạc đọng lại sâu sắc trong tâm trí tôi tính đến thời điểm này. Vào buổi chiều ngột ngạt đó, bài hát “Ngựa ô thương nhớ” với chúng tôi như một cuộc đua ngựa quay cuồng nơi đồng bằng mờ tối. Dàn hợp xướng với các loại nhạc cụ dồn dập và đột ngột này đã ngay tức khắc gợi cho tôi và Iwan nhớ đến thể loại nhạc dân ca Appalachian truyền thống mà chúng tôi cùng ngưỡng mộ (chúng tôi có cùng ấn tượng khi nghe biểu diễn ca trù trước đây). Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được xem biểu diễn đàn tranh, và buổi giới thiệu nhạc cụ thật tuyệt vời! Nhân đây, tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến các thành viên trong Dàn hợp xướng Hy Vọng, những người đã hết sức chu đáo với chúng tôi trong suốt hành trình. Chúng tôi cũng rất vinh dự khi được giới thiệu một vài bài hát tiếng Welsh truyền thống với nhóm bạn đầy say mê này. Tôi vẫn nhớ khi cùng cất cao đoạn điệp khúc “Ymlaen, ymlaen” (tạm dịch phía trước, phía trước) trong ca khúc “Gyrru’r Ychen” (một bài hát canh tác cũ từ Glamorganshire, nghĩa là cưỡi xe bò). Đây đúng là khoảnh khắc đầy cảm xúc, nhất là khi chúng tôi đang ở xa nhà. Sau khi chào tạm biệt các bạn trong dàn hợp xướng, chúng tôi đi đến Hồ Tây. Lúc mặt trời lặn trên thềm cao bên bờ đối diện cũng là lúc tôi bước xuống, đặt chân lên cầu gỗ thông qua một cái hồ nước nho nhỏ đầy ắp những bông hoa sen. Đây là cảnh tượng cuối cùng nhưng thật tuyệt vời thuộc về thành phố mà tôi đang rất yêu. Và hy vọng chúng tôi sẽ có thể quay lại với Hà Nội thêm một lần nữa.
Thành phố Hồ Chí Minh
Chúng tôi đặt chân tới thành phố Hồ Chí Minh vào buổi tối ngày Chủ nhật. Nếu Hà Nội làm tôi nhớ đến thủ đô Havana, thì thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn phải là chị gái Paris diễm lệ. Với những đại lộ rộng, hai bên đường là các hàng cây cảnh thẳng tắp, nhà hát Opera thành phố ấn tượng, tiệm bánh ngọt Pháp, và một trung tâm tài chính nổi bật với các tòa nhà chọc trời; Hồ Chí Minh là một thành phố hoàn toàn khác biệt. Vì thế, chúng tôi lại một lần nữa tiếp tục khám phá. Ở đây, chúng tôi thấy những con thuyền lớn đi dọc bờ sông, hay nhiều gia đình đi chơi khắp các công viên cây xanh. Theo lời khuyên được viết trên một mẩu giấy nhỏ, chúng tôi cố gắng hết sức đi tìm một cửa hàng nghe nói bán đĩa than cũ từ trước năm 1975, thời kỳ Hoàng Kim (âm thanh đa dạng và thú vị của nhạc rock & soul Sài Gòn). Mặc cho chúng tôi nỗ lực hết mình lùng sục dưới cái nóng như thiêu như đốt ở khu ngoại ô thành phố, cửa hàng đĩa ấy thực sự lẩn tránh chúng tôi. Nhưng tôi thấy là cũng đáng để đi đấy chứ!
Thứ Tư, chúng tôi biểu diễn trước đông đảo khán giả đến từ Nhạc Viện Thành Phố Hồ Chí Minh, nhạc viện công lập duy nhất của thành phố tiếp nhận các học viên trên 18 tuổi, đào tạo một cách bài bản về các loại nhạc cụ từ cổ điển đến truyền thống. Tôi rất xúc động bởi sự đón tiếp nồng hậu trong suốt buổi tối hôm đó. Những bài hát xứ Wales đã làm vừa lòng khán giả, và họ lại thích nhất là những bản nhạc buồn, may mắn thay các bài hát chúng tôi chơi trong buổi tối hôm đó lại xếp theo mức độ từ buồn rầu đến vui vẻ, hứng khởi. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi sau buổi biểu diễn, tôi nghe thấy một ai đó gọi tôi bằng tiếng Welsh (với chất giọng Ynys Mon chính xác). Hóa ra đó là một giáo viên trẻ vừa chuyển đến thành phố và đọc được thông tin về chuyến đi của ban nhạc trên tờ Daily Post.
Sau một ngày khám phá và cảm nhận tiếp những gì mà thành phố Hồ Chí Minh sở hữu là thời gian chúng tôi tham dự hội thảo ở Việt Nam. Lần này chúng tôi ghé thăm Soul Academy, học viện âm nhạc và vũ đạo mới thành lập được quản lý bởi Thanh Bùi (nghệ sỹ nổi tiếng từ chương trình Thần Tượng Âm Nhạc Úc năm 2008). Chúng tôi có cơ hội gặp gỡ các em học sinh ở các lứa tuổi khác nhau trong một lớp học dễ thương, các em đã lắng nghe chúng tôi biểu diễn, rồi bắt đầu đặt những câu hỏi hết sức thú vị về việc sáng tác các bài hát của chúng tôi. Thật vinh hạnh khi được gặp gỡ với những em bé đáng yêu và nhiệt huyết này. Tôi cũng rất ấn tượng với các thiết bị âm thanh kỹ thuật có sẵn dành cho các em. Vẫy tay chào tạm biệt, tôi thấy ngôi trường này là một sản phẩm của một Việt Nam mới mẻ và thay đổi nhanh chóng mà ở đó, cách tiếp cận quốc tế với chương trình giảng dạy âm nhạc đã trở thành tiêu chuẩn. Và tôi lại nghĩ về những nghệ sỹ biểu diễn ca trù tại Hà Nội, và nó đặt ra mâu thuẫn khá quen thuộc giữa việc bảo tồn văn hóa truyền thống và bắt kịp tiến bộ phát triển. Khi chúng tôi chuẩn bị rời Thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy rằng mình thật may mắn khi được trải nghiệm cả hai phía – cũ và rất mới.
Có rất nhiều điều về Việt Nam mà chúng tôi khao khát được khám phá, nhưng đáng tiếc thời gian không cho phép. Tôi chỉ mong rằng nhóm nhạc có thể quay trở lại vào một ngày nào đó, hay được chào mừng các bạn Việt Nam đến với xứ Wales.
Xin chân thành gửi lời cảm ơn đến Hồng, Thêm và Hội đồng Anh Hà Nội; đến Yến cùng các cộng sự tại Thành phố Hồ Chí Minh về sự ân cần và lòng hiếu khách của các bạn.
Diolch yn fawr (Xin cảm ơn nhiều, tiếng Welsh)
Georgia Ruth x