Cuộc thi Lập trình vì xã hội phát triển
Phạm Quốc Đạt, (HATCH!Programme, Đội Nobita), quán quân cuộc thi Hackathon 2015 và Ian Robinson, Phó Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam. ©

UNDP tại Việt Nam

Tháng 9 vừa qua, chúng tôi hợp tác cùng Hatch!Programme, một doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực ươm mầm khởi nghiệp cùng tổ chức một cuộc thi lập trình dành cho các lập trình viên và chuyên gia IT. Đề bài là phát triển các sản phẩm giải quyết các vấn đề xã hội theo 3 chủ đề: Kinh tế sáng tạo, Việc làm cho thanh niên, Trường học an toàn, và Minh bạch dịch vụ công. Sự khác nhau của các chủ đề là do lựa chọn của ba tổ chức ra đề, bao gồm Hội đồng Anh, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và tổ chức phi chính phủ Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng. 

Công nghệ số đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sáng tạo của chúng ta trong những năm gần đây. Năm 2014, Quán quân Giải thưởng Doanh nhân Sáng tạo trong lĩnh vực Điện ảnh và Truyền thông đa phương tiện là Phan Gia Nhật Linh, người đồng sáng lập YxineFF, Liên hoan phim trực tuyến đầu tiên và duy nhất (tính đến thời điểm này) tại Việt Nam. Ngoài ra, nhiều người trong số những thành viên tham gia Khóa đào tạo về kỹ năng kinh doanh trong lĩnh vực sáng tạo Nesta cũng đang có công ty riêng về công nghệ số, games, và phát triển những ứng dụng về giáo dục. Hanoi Grapevine, đối tác thân thiết của chúng tôi, cũng là một không gian sáng tạo trực tuyến cung cấp thông tin về các sự kiện văn hóa trên toàn quốc, tổ chức các triển lãm và sự kiện văn hóa.   

Vì vậy thực sự chúng tôi không cần nghĩ nhiều về thử thách lần này cho Hackathon Việt Nam. Kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ số đang bùng nổ trên toàn quốc, gần 40 triệu người đang sử dụng Internet, và gần 22 triệu người dùng điện thoại thông minh (smartphones). Nhu cầu về nội dung và dịch vụ văn hóa trên nền tảng số là rất lớn. VNG Corporation, công ty Công nghệ lớn nhất Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực giải trí trực tuyến, mạng xã hội và thương mại điện tử đã đạt được giá trị thị trường trị giá 1 tỷ đô la Mỹ, và doanh thu lên tới 100 triệu đô la Mỹ trong năm 2013. Chắc hẳn rất nhiều người trong chúng ta vẫn nhớ Flappy Bird, trò chơi điện tử nổi tiếng đã trở thành một hiện tượng vào năm 2013. Trước vụ dỡ bỏ gây nhiều tranh cãi vào đầu năm 2014, trò chơi đã có 50 triệu lượt tải về, và lọt vào top các ứng dụng miễn phí được tải về trên Iphone ở 109 quốc gia trên thế giới với doanh thu đỉnh điểm lên tới 50.000 đô la Mỹ/ngày. 

Vì vậy trong đề bài liên quan đến Kinh tế Sáng tạo, chúng tôi đã yêu cầu các nhà lập trình phát triển những ứng dụng nhằm "quảng bá nội dung sáng tạo và văn hóa trên nền công nghệ số". Trong vòng hai ngày tháng Mười Một, tôi đã quan sát 21 đội làm việc nghiêm túc hoàn thiện những ý tưởng của mình và đưa ra những những bản chạy thử đầu tiên. Một vài đội khá lúng túng khi trình bày các ý tưởng, trong khi các đội khác đang chỉnh trang lần cuối cho sản phẩm. 

Chúng tôi cũng mời Quản lý của Nhà Sàn Collective, một không gian sáng tạo chuyên về thể nghiệm và nghệ thuật thị giác cùng trao đổi và làm việc với các nhà lập trình với tư cách là cố vấn. Thật thú vị khi được lắng nghe họ thảo luận về nghệ thuật, văn hóa và thật tuyệt vời khi sau đó các nội dung này được đưa dần vào các sản phẩm số. Chúng tôi thảo luận về UX (Trải nghiệm người dùng), và UI (Giao diện). Vì Hội đồng Anh cũng tổ chức rất nhiều sự kiện văn hóa khác nhau, chúng tôi đã chia sẻ với các đội về nhu cầu và cách thức mà chúng tôi muốn thu hút khán giả, cũng như những thách thức chúng tôi đang gặp phải với tư cách là một tổ chức văn hóa tại Việt Nam. 

Thuyết phục các không gian sáng tạo tham gia với tư cách là cố vấn hóa ra lại là việc khá dễ dàng. Tôi nhận ra rằng rất nhiều không gian sáng tạo hiện đang tạo ra những kênh thông tin trên nền tảng số và cung cấp những nội dung số hóa cho khán giả. Facebook là kênh thông tin chính cho hoạt động truyền thông. Chị Lê Thuận Uyên, Quản lý của Nhà Sàn Collective cho biết: “Chúng tôi muốn tìm hiểu về các nền tảng số khác nhau để tăng cường sự hiện diện của Nhà Sàn Collective và đồng thời thu hút những người yêu nghệ thuật và các khán giả khác”.  

Cuộc thi đã thu hút 21 đội bao gồm gần 100 lập trình viên tham dự, trong số 5 đội vào vòng chung kết, hai đội đã chọn đề bài về Kinh tế sáng tạo. Đội Nobita đã thể hiện thật sự xuất sắc, thuyết phục ban giám khảo, và giành chiến thắng với Zaforties – một ứng dụng xã hội kết nối những người yêu nghệ thuật, nghệ sỹ, đồng thời mang lại một cách tiếp cận mới mẻ và thú vị với các sự kiện văn hóa. Ứng dụng này cũng cung cấp những nội dung đa phương tiện, vé điện tử, check-in trực tuyến, và dịch vụ quản lý/ đánh giá sự kiện dành cho các nhà tổ chức. Tầm nhìn của nhóm là tạo ra một sản phẩm giúp ‘tăng cường việc tiêu thụ các sản phẩm văn hóa sáng tạo đồng thời nâng cao chất lượng sống của mọi người’. 

Nobita đã nhận được giải thưởng trị giá 1.000 USD như một khoản đầu tư ban đầu từ Hatch. Họ cũng sẽ tham gia chương trình ươm mầm trong 3 tháng do Hatch, UNDP và Hội đồng Anh phát triển. Hai đội khác giành được giải nhì là các ứng dụng khuyến khích học luật giao thông, và báo cáo các vấn đề về dịch vụ công cho Chính phủ. 

Cuộc thi đã đi đến hồi kết. Đối với tôi ba tháng vừa qua là một cuộc hành trình tuyệt diệu, từ lúc giới thiệu ý tưởng cuộc thi, làm việc cùng với các đội với tư cách là cố vấn, và cuối cùng lựa chọn người thắng cuộc. Lúc bắt đầu đây chỉ là một dự án nhỏ và thử nghiệm, nhưng hiện giờ có thể ba công ty khởi nghiệp về công nghệ sẽ “chào đời”, với những sản phẩm số hoàn toàn khác nhau. 

Không chỉ như vậy, khi tôi viết bài chia sẻ này, nhóm Nobita đang gặp gỡ các không gian sáng tạo. Những sự hợp tác mới đang hình thành giữa các nhóm chuyên gia công nghệ số, các tổ chức chính phủ, nhóm mạng xã hội và các tổ chức văn hóa. Tôi không thể không nghĩ về một tương lai không xa, khi những ý tưởng này biến thành sản phẩm thực sự, chúng sẽ kết nối hàng triệu người. Chúng sẽ góp phần hoàn thiện một vài trong số các sứ mệnh quan trọng nhất của Công nghệ và Số hóa, đó là trở thành công cụ để kết nối, truyền cảm hứng cho những đổi mới về kinh tế và xã hội và giúp nâng cao chất lượng sống của mọi người.

Đặng Thị Hương Lan, Quản lý Dự án Kinh tế Sáng tạo, Hội đồng Anh Việt Nam