Thách thức – Cơ hội – Công nhận quốc tế đối với trình độ giáo dục nghề nghiệp Việt Nam – Chia sẻ kết quả thực hiện dự án đối sánh trình độ Việt Nam theo chuẩn quốc tế. Dự án hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng chương trình đào tạo nghề nghiệp tại Việt Nam thông qua xây dựng kết nối với các tiêu chuẩn chất lượng của Vương quốc Anh và châu Âu

Tháng Chín năm 2021, Hội đồng Anh phối hợp với Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (DVET) ra mắt dự án Đối sánh trình độ - Qualifications Benchmarking (QB), trong đó hoạt động đối sánh trình độ được thực hiện dựa trên thu thập và phân tích các minh chứng để đưa ra kết quả tham chiếu trình độ giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam với trình độ tương đương theo Khung trình độ của Vương quốc Anh (RQF) và Khung trình độ Châu Âu (EQF).

Dự án Đối sánh trình độ đưa ra các phân tích so sánh những thành phần cốt lõi của một trình độ như yêu cầu về tuyển sinh đầu vào, chương trình giảng dạy, quá trình đánh giá, chuẩn đầu ra của trình độ trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Việt Nam so sánh với chuẩn trình độ của khung trình độ của Vương quốc Anh và châu Âu.

Năm trình độ đào tạo của GDNN của năm trường cao đẳng GDNN được lựa chọn để thực hiện đối sánh. Năm trình độ đào tạo và năm trường cao đẳng GDNN tại Việt Nam được lựa chọn là trình độ cao đẳng nghề Cơ điện của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, trình độ cao đẳng nghề Điện công nghiệp của Trường Cao đẳng Công nghệ Việt-Hàn Bắc Giang, trình độ cao đẳng nghề Quản trị khách sạn của Trường Cao đẳng Du lịch Huế, trình độ cao đẳng nghề Kỹ thuật chế biến món của Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt và trình độ cao đẳng nghề Chế tạo khuôn mẫu của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa Vũng Tàu.

Kết quả đối sánh trình độ đưa ra nhận xét, nhìn chung các trình độ đáp ứng phạm vi kiến thức và kỹ năng theo mô tả bậc 4 của Khung trình độ quốc gia Vương quốc Anh (RQF). Tham chiếu với Khung Trình độ châu Âu (EQF) là khung được sử dụng như một công cụ hỗ trợ so sánh các hệ thống trình độ ở châu Âu. EQF, giống như RQF ở Vương quốc Anh, gồm tám bậc (Bậc 1-8), mô tả những gì người học biết, hiểu và có khả năng làm được gọi là “chuẩn đầu ra”, có thể thấy Bậc 4 và 5 RQF tương đương với Bậc 5 EQF.

Tại hội thảo diễn ra vào ngày 6 tháng Bảy năm 2022, kết quả của Dự án “Đối sánh trình độ theo tiêu chuẩn Vương quốc Anh và Châu Âu – Thách thức, cơ hội và công nhận quốc tế” được chia sẻ rộng rãi đến các bên liên quan trong hệ thống GDNN tại Việt Nam. Sự kiện do Tổng cục GDNN phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức với sự tham dự của Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục GDNN; Tiến sĩ Nguyễn Quang Việt, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng GDNN; đại diện các tổ chức quốc tế như Hội đồng Anh tại Việt Nam, Tổ chức Ecctis, phái đoàn EU tại Việt Nam, Bộ Thương Mại Vương quốc Anh, cùng gần 100 đại biểu từ các trường cao đẳng tham gia dự án, các trường cao đẳng có ngành, nghề trọng điểm quốc tế và từng tham gia các dự án với Hội đồng Anh; đại diện các đơn vị có liên quan của Tổng cục GDNN.

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn hội thảo, Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng “dự án đối sánh trình độ được thực hiện bởi tổ chức Ecctis là một tổ chức giáo dục uy tín hàng đầu của Vương quốc Anh và quốc tế về đánh giá trình độ và tiêu chuẩn kỹ năng. Các chuyên gia đã đưa ra các nhận xét tích cực về các trình độ đào tạo, nhấn mạnh  các điểm nổi bật là sự tập trung vào xây dựng kĩ năng thực hành và kĩ năng hành nghề, tổ chức hoạt động đánh giá nghiêm túc kiến thức kĩ thuật và thực hành, và có sử dụng công cụ và kĩ thuật vào thực tế. Các kết quả báo cáo phân tích và các báo cáo khuyến nghị dự án đưa ra sẽ mở ra nhiều cơ hội đối thoại và hợp tác giữa các đối tác Vương quốc Anh, châu Âu và Việt Nam”.

Chia sẻ tại phiên tọa đàm về những lĩnh vực cần xem xét đến trong việc xây dựng chiến lược quốc tế hóa ở cấp quốc gia là gì? -  Việt Nam nên làm gì để thúc đẩy tốt hơn hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia và các nước trong khu vực, nâng cao hiểu biết quốc tế về tính tương quan của các trình độ bằng cấp? - Làm cách nào để Khung Trình độ quốc gia Việt Nam được sử dụng hiệu quả nhằm giúp các đơn vị đào tạo thúc đẩy quốc tế hóa? Ông Fabrizio, chuyên gia cao cấp đến từ tổ chức Ecctis, Vương quốc Anh chia sẻ: “Những nỗ lực quốc tế hoá giáo dục nghề nghiệp của quốc gia cần có một chiến lược cấp quốc gia làm nền tảng và đi kèm với các sáng kiến hỗ trợ thực hiện, có thể là một phần trong chiến lược quốc tế hoá lớn hơn cho cả hệ thống giáo dục Việt Nam ở các cấp khác nhau. Chiến lược này sẽ cung cấp khung điều phối và điều hướng nỗ lực của các cơ sở giáo dục nghề và khối giáo dục nghề nói chung theo các cách hiệu quả nhất. Ở mức tối thiểu, chiến lược cần bao gồm: 1) mục tiêu quốc tế hoá với các mốc thời gian thực tế, dịch chuyển của sinh viên Việt Nam du học ở nước ngoài và sinh viên quốc tế tới Việt Nam học tập, các hợp tác về học thuật, đào tạo, nghiên cứu và huy động sự tham gia của các ngành công nghiệp; 2) các lĩnh vực ưu tiên chiến lược cho quốc tế hoá, cả khu vực địa lý và chủ đề / ngành cụ thể; 3) các sáng kiến hỗ trợ nỗ lực quốc tế hoá của khối giáo dục nghề nghiệp, như thay đổi về môi trường chính sách và pháp lý nhằm tác động tới tính  dịch chuyển và hợp tác khu vực và quốc tế, các biện pháp tài chính để hỗ trợ các cơ sở đạt được mục tiêu quốc tế hoá cấp cơ sở và quốc gia”.

Liên quan đến vấn đề then chốt trong đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam, bà Hoàng Vân Anh, Giám đốc Các chương trình Giáo dục, Hội đồng Anh Việt Nam nhấn mạnh: “Để thúc đẩy tính dịch chuyển của sinh viên và đội ngũ giảng viên, cũng như việc tuyển sinh sinh viên quốc tế, hệ thống giáo dục Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực trong việc cải thiện năng lực ngoại ngữ của sinh viên và đội ngũ, trong đó, tiêu biểu là tiếng Anh, ngôn ngữ quốc tế hiện nay, và các ngôn ngữ khác có tầm quan trọng chiến lược với Việt Nam. Trên nền tảng của những thành công này, Việt Nam có thể xem xét xây dựng các chương trình và tài nguyên trong toàn khối giáo dục nghề nghiệp để cải thiện năng lực ngoại ngữ của sinh viên và đội ngũ. Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần được hỗ trợ phát triển năng lực thực hiện các chương trình giáo dục và đào tạo bằng tiếng Anh. Điều này sẽ thúc đẩy việc tuyển sinh sinh viên quốc tế cũng như phát triển các hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Việc xây dựng chương trình Giảng dạy bằng tiếng Anh trên quy mô toàn khối giáo dục nghề cần được xem xét xây dựng một cách tổng thể có hệ thống”.

Tổng kết hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Quang Việt cảm ơn Chương trình EU VET Toolbox đã tài trợ dự án và chia sẻ; “Sau khi dự kết thúc, Cục Kiểm định Chất lượng GDNN, Tổng cục GDNN sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động mở rộng trong hệ thống GDNN quốc gia, kết hợp thực hiện cùng với các chủ trương chiến lược liên quan để đẩy mạnh kết quả của dự án mang lại những tác động tích cực, lâu dài cho GDNN Việt Nam”.

Các đại diện trường tham gia sự kiện đánh giá cao kết quả chia sẻ từ dự án và sẽ nghiên cứu kế hoạch áp dụng để giúp nhà trường thực hiện tự rà soát đánh giá các trình độ đào tạo theo hướng tiếp cận với chuẩn chất lượng quốc tế.

Tra cứu thêm về Khung Trình độ Châu Âu tại trang web: https://ec.europa.eu/ploteus/en/content/descriptors-page và các bài trình bày tại hội thảo ở phần Tải xuống dưới đây.