Phó giáo sư, Tiến sĩ Mai Anh Tuấn từ Viện Ứng dụng Công nghệ Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) – chủ trì dự án HAPIE khẳng định “Sự hợp tác giữa các chuyên gia Vương quốc Anh, bệnh viện, trường đại học và doanh nghiệp Việt Nam trong dự án HAPIE đã đem lại kết quả thiết thực”.
Năm 2017, Bệnh viện 108 tiến hành một ca phẫu thuật đặc biệt cho một bệnh nhân bị tai nạn mất xương hàm. Các bác sĩ, chuyên gia từ Việt Nam (đứng đầu nhóm là PGS. Trần Đức Tăng) và Vương quốc Anh (TS. Lê Chí Hiếu) đã hợp tác lên kế hoạch trước phẫu thuật tái tạo hàm cho bệnh nhân, tính toán sử dụng phần xương nào trong cơ thể để cấy ghép, dựng mẫu phần xương bị mất và dùng công nghệ in 3D, tạo mẫu ngược trước khi mổ. Ca mổ đã được thực hiện thành công chỉ trong 9 tiếng thay vì 12 như trước đây. Việc này góp phần làm giảm nhiều rủi ro có thể xảy ra cho bệnh nhân, giảm áp lực cho bác sỹ, và làm giảm chi phí phẫu thuật. Việc thực hiện và chuyển giao công đoạn này cho phép thực hiện ở nhiều bệnh viện của Việt Nam, với độ chính xác cao, đem lại lợi ích rất lớn cho bệnh nhân, cho đội ngũ y bác sỹ và cho xã hội.
Công đoạn lập kế hoạch trước khi mổ nêu trên chính là một hợp phần của dự án HAPIE (Nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao và khả năng có việc làm cho sinh viên qua thiết kế và phát triển sản phẩm giá trị cao, mang tính sáng tạo và khởi nghiệp), một dự án trong chương trình Xây dựng Đối tác Đại học Việt Nam – Vương quốc Anh của Hội đồng Anh tại Việt Nam, gồm 17 đối tác Việt Nam và bốn đối tác Anh. Các chuyên gia, ở nhiều lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí, y khoa, sinh học, thần kinh học..., đến từ các trường đại học hai nước, các doanh nghiệp công nghệ và bệnh viện của Việt Nam, tập trung vào chuyển giao công nghệ từ Anh về các sản phẩm công nghệ cao (kỹ thuật y sinh, cơ khí chính xác, môi trường biển, nông nghiệp công nghệ cao…) với giá trị gia tăng cao. Hai bên đã cùng nhau nghiên cứu và đề xuất phát triển công nghệ để tìm kiếm nguồn vốn, cùng thực hiện dự án và thương mại hóa kết quả của nghiên cứu. Đây là dự án vượt trội về tính liên ngành và sự hợp tác nguồn lực con người từ cả hai bên.
Qua hai hội thảo của HAPIE trong năm 2017, các đối tác Việt Nam hiểu được phương pháp làm việc, cách tìm kiếm nguồn vốn, tính toán các yếu tố phi kỹ thuật (xã hội, kinh tế, môi trường…) để phát triển sản phẩm và khởi nghiệp. Các đồng nghiệp Vương quốc Anh cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm phát triển những kỹ năng để trường đại học, viện nghiên cứu có thể nhanh chóng tìm được tiếng nói chung với doanh nghiệp, PGS. Mai Anh Tuấn cho biết. Không dừng lại ở việc trao đổi mang tính lý thuyết, HAPIE tiếp tục thành công với ba tiểu dự án cụ thể - trong đó các đối tác Việt Nam được thực hành cụ thể tất cả những kỹ năng, kỹ thuật nói trên, với sự đồng hành của các chuyên gia từ nước Anh.
HAPIE cũng có những câu chuyện thành công khác mà ông Tuấn tâm đắc. Đó là câu chuyện của công ty ROBOT3C, một đối tác của dự án, với sản phẩm robot và tự động hóa được bán tại trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. HAPIE đã đồng hành cùng ROBOT3C đề xuất và xin được tài trợ từ Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF) để tập trung hoàn thiện sản phẩm, áp dụng một số tiêu chuẩn về chất lượng, năng suất để ngày càng củng cố hơn vị thế sản phẩm robot Việt.
“HAPIE là dự án đặc biệt thành công và hiệu quả” - ông Tuấn nói. “Qua mười tháng thực hiện (9.2016 - 6.2017), mặc dù vốn đầu tư ban đầu không lớn, song số tiền sinh ra từ dự án tăng hàng chục lần”. Trong khuôn khổ HAPIE, có bảy dự án của các đối tác Việt Nam được Hapie hỗ trợ để tìm kiếm nguồn vốn phát triển sản phẩm, lên tới 384.000 bảng Anh từ các nguồn tài trợ của chính phủ Việt Nam và Vương quốc Anh.
HAPIE cũng đã kết hợp cùng tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học Công nghệ cùng các đối tác thành viên từ Đại học Việt - Pháp, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Việt - Nhật kết hợp cùng nhiều công ty tổ chức các buổi tọa đàm nhằm trang bị cho sinh viên các trường đại học kỹ thuật hiểu biết về yêu cầu của nhà tuyển dụng, những kỹ năng, kiến thức mà các em cần trang bị thêm để sẵn sàng làm việc và tìm được việc làm phù hợp. Mọi sinh viên tham gia hỗ trợ dự án đã học được cách lập kế hoạch, làm việc nhóm hay làm việc độc lập, học hỏi được rất nhiều từ các chuyên gia để áp dụng vào công việc thực tiễn. Dự án sau đó đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các công ty sử dụng sinh viên trong dự án. Ông Mai Anh Tuấn cho biết: “Nhiều em đã trở thành đồng nghiệp của chúng tôi. Mô hình đào tạo sinh viên gắn với nghiên cứu khoa học, gắn liền với phòng thí nghiệm, nắm chắc lý thuyết, thạo thực hành và không ngại trang bị thêm kỹ năng mềm và đặc biệt là tăng cường đối thoại với khối doanh nghiệp đảm bảo chất lượng đầu ra của giáo dục đại học và có thể chia sẻ, nhân rộng ở các trường đại học”
PGS. Mai Anh Tuấn khẳng định: “Dự án HAPIE đã mang đến kết quả đáng mừng hơn (happier) cho tất cả”.
“Dự án HAPIE giúp thay đổi mạnh mẽ cách thức triển khai kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam vào thực tiễn cuộc sống.”