©

British Council

Ông Nguyễn Xuân Vang “có duyên” với Hội đồng Anh ở nhiều vai trò và mốc thời gian khác nhau, từ một thầy giáo dạy tiếng Anh khao khát tìm tư liệu giảng dạy, trở thành Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, cùng đấu thầu dự án dạy tiếng Anh, cho đến Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực tham gia thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Và “mối duyên” này bắt đầu rất lâu trước khi Hội đồng Anh đặt văn phòng tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Vang có “duyên” gặp gỡ Hội đồng Anh không phải ở Việt Nam mà là ở London vào năm 1984, lúc đó ông đang ở Anh tham gia khóa đào tạo giáo viên theo diện học bổng của tổ chức UNESCO. Ông kể về sự hỗ trợ giáo trình tiếng Anh rất hào phóng của Hội đồng Anh: “Trường tôi theo học có tổ chức tham quan Hội đồng Anh, tôi rất ấn tượng về công việc nghiên cứu, giảng dạy của họ. Họ có một loạt tài liệu bài giảng, giáo trình tiếng Anh. Tôi hỏi họ tôi có thể xin và mua được không, để làm tài liệu giảng dạy ở Việt Nam, và cho họ địa chỉ ở Việt Nam. Sau đó họ gửi về toàn bộ tài liệu, băng đĩa không mất tiền”

Vào những năm tháng ấy, việc theo đuổi tiếng Anh là thực sự hiếm, “tiếng Nga, tiếng Trung vẫn đang là thượng phong”, ông Vang cho biết. Việt Nam đang bị đói tư liệu, Mỹ cấm vận về kinh tế, vì thế ông Vang đã tích cực tìm mua sách vở và băng đĩa đem về nước để chia sẻ với đồng nghiệp, bạn bè. Đến năm 1991, tiếng Anh đã trở nên “thời thượng” hơn nhưng vẫn đói về tư liệu nên ông Vang đã quyết định mở Trung tâm tư liệu và Giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành nhằm tạo cơ hội tiếp cận tiếng Anh cho mọi người, trong đó có những tư liệu quý giá do Hội đồng Anh gửi tặng. Nhiều người “mê tiếng Anh” vẫn còn nhớ đến trung tâm này, và có những người ngày nay đang ở cương vị thứ trưởng, bộ trưởng. 

Kỷ niệm tiếp theo gắn bó với Hội đồng Anh là việc hợp tác đào tạo tiếng Anh vào năm 1998, khi ông Vang đã trở thành Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. “Lúc đấy có đề án đấu thầu quốc tế do Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch Danida tài trợ thông qua UNDP, nhằm nâng cao khả năng tiếng Anh cho ba cơ quan là Quốc hội, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao. Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và Hội đồng Anh cùng bắt tay hợp tác tham gia đấu thầu và giành được hợp đồng đào tạo với trị giá gần một triệu đô la Mỹ”. Với thành công của giai đoạn một, hợp đồng này còn được tiếp tục kéo dài sau đó, với trị giá thêm gần 500 ngàn đô la Mỹ nữa. Ông Vang nói rằng đó là thành công lớn nhất của ông trong hợp tác đào tạo với Hội đồng Anh.

Từ năm 2008 đến năm 2017, ông Vang đảm nhiệm vị trí Cục trưởng Cục Đào tạo với Nước ngoài, sau này là Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì công việc hợp tác với Hội đồng Anh trở nên “rất chặt chẽ”. Các hợp tác nổi bật mà ông nêu là Bản ghi nhớ hợp tác ký kết giữa Hội đồng Anh và Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2008, nhân chuyến thăm và làm việc tại Anh của Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân; Hội nghị giáo dục toàn cầu Going Global hàng năm; hoạt động hỗ trợ sự kết nối giữa các trường đại học Việt Nam và Vương quốc Anh.

“Tích cực, nhiệt tình” là từ mà nguyên Cục trưởng Nguyễn Xuân Vang dùng để mô tả cách làm việc của Hội đồng Anh: “Họ rất tích cực, nhiệt tình, luôn sẵn sàng trao đổi bàn bạc, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ giúp đỡ và thúc đẩy hợp tác giáo dục với Việt Nam, ví dụ như Đề án ngoại ngữ 2020*, Quỹ Newton**, việc thành lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt–Anh đặt tại Đại học Đà Nẵng, các dự án trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục, xây dựng Khung trình độ quốc gia Việt Nam v.v. 

Đánh giá về việc thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giáo dục giữa hai nước mà trong đó Hội đồng Anh thay mặt cho chính phủ Anh là đầu mối, ông Nguyễn Xuân Vang nhận xét “việc thực hiện nói chung là tốt, hiệu quả so với các nước khác, hai bên thường xuyên trao đổi tìm ra nhưng giải pháp hợp tác tốt nhất”. Gần đây nhất, Bản ghi nhớ đã được Cục hợp tác quốc tế và Hội đồng Anh ký kết gia hạn vào tháng 7 năm 2018 với các nội dung nhằm thúc đẩy quá trình quốc tế hóa giáo dục ở Việt Nam, tăng cường chất lượng và chuẩn trong giáo dục, tăng cường năng lực tiếng Anh và chia sẻ kinh nghiệm quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu hội nhập giáo dục quốc tế.

Nhìn về tương lai, ông Nguyễn Xuân Vang đánh giá: “Đến năm 2020 Việt Nam muốn biến tiếng Anh thành thế mạnh cạnh tranh của mình. Bản thân mình thành công như bây giờ là do biết tiếng Anh. Hội đồng Anh nên dùng ưu thế mạnh nhất của mình tiếp tục giúp Việt Nam về giảng dạy tiếng Anh, đào tạo giáo viên tiếng Anh, tư liệu giảng dạy, kiểm tra đánh giá, giúp phổ cập để mọi người Việt Nam sử dụng tốt tiếng Anh.

* Đề án Ngoại ngữ 2020 – Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo

** Quỹ Newton: Quỹ Newton là chương trình hợp tác phát triển chính thức của Vương quốc Anh trong lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới được khởi động năm 2014. Tại Việt Nam, Hội đồng Anh đang hợp tác với các tổ chức và cơ quan tài trợ của chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển chuyên môn cho cá nhân và tổ chức nghiên cứu trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Việt Nam như sức khỏe và khoa học đời sống, nông nghiệp, môi trường, đô thị tương lai, sáng tạo và công nghệ số.

“Hội đồng Anh rất tích cực, nhiệt tình, luôn sẵn sàng trao đổi bàn bạc, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ để giúp đỡ và thúc đẩy hợp tác giáo dục với Việt Nam.”