Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận tham dự khóa đào tạo về kiểm định chất lượng giáo dục đại học do Hội đồng Anh tổ chức ở Vương quốc Anh đúng vào thời điểm sau vụ đánh bom London ngày 7.7.2005. Một chuyến đi đầy ấn tượng, cả về cảm xúc với câu chuyện của nước Anh lúc đó, cả việc được tiếp cận cách tư duy mới dẫn đến sự phát triển tiên phong trong kiểm định chất lượng ở Việt Nam.
Kiểm định chất lượng là công cụ đảm bảo chất lượng giáo dục đại học phổ biến ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Việc kiểm định giúp các trường đại học không ngừng nâng cao chất lượng, thu hút người học, giúp đảm bảo sự tự chủ và trách nhiệm với xã hội đồng thời đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ đủ năng lực hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh đó, Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQG HN) trở thành một cơ sở giáo dục tiên phong trong lĩnh vực này từ cách đây hơn một thập kỷ, thông qua sự hợp tác với Hội đồng Anh và các tổ chức kiểm định các nước.
Giáo sư Mai Trọng Nhuận – nguyên Giám đốc ĐHQG HN kể về chuyến đi bước ngoặt tham gia khóa học về kiểm định chất lượng ở London do Hội đồng Anh tổ chức: “Mặc dù cuộc sống ở London lúc đó rất xáo động sau vụ khủng bố, nhưng khóa học vẫn diễn ra chu đáo, hào hứng. Khóa học chỉ mười ngày nhưng lợi ích với tôi rất lớn. Trước đó ĐHQG HN đã có quan điểm muốn tự chủ giáo dục thì phải dựa trên kiểm định chất lượng, nhưng chưa có một bộ công cụ với các tiêu chí kiểm định cụ thể. Nhờ có khóa học, tôi được tìm hiểu về Bộ tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục đại học được áp dụng tại Vương quốc Anh và quan trọng hơn là cách thức thực hiện bộ tiêu chí này”.
Sau khóa học, Giáo sư Mai Trọng Nhuận đã góp ý và tham gia xây dựng Bộ tiêu chí Kiểm định chất lượng cho Đại học Quốc gia Hà Nội, được ban hành vào năm 2006 dựa trên những gì ông học hỏi được từ chuyến đi Vương quốc Anh và kinh nghiệm của các nước khác kết hợp với đặc thù của giáo dục đại học Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội. Giáo sư cho biết đây là Bộ công cụ kiểm định chất lượng đầu tiên mà ĐHQG HN tiên phong xây dựng được ở Việt Nam và sau đó được Bộ Giáo dục và Đào tạo tham khảo để xây dựng và ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp năm 2007 – Giáo sư Mai Trọng Nhuận cho biết.
Bên cạnh việc xây dựng Bộ tiêu chí có tính nền móng và tiên phong, Giáo sư Mai Trọng Nhuận tìm hiểu cách tiếp cận về kiểm định chất lượng giáo dục hiện đại. Ông chiêm nghiệm rằng trong khi Việt Nam thường kiểm định theo quy trình, có nghĩa là chú trọng vào việc tuân thủ quy định (trong khi trên thực tế, quy định có thể lạc hậu so với thực tiễn), thì cách tiếp cận về kiểm định của Vương quốc Anh và quốc tế được tiến hành dựa vào kết quả (tốt hay không tốt), vào nguyên lý khoa học đúng đắn, độc lập.
Khóa học cũng mở ra việc hợp tác chặt chẽ giữa Giáo sư với Hội đồng Anh, qua nhiều hoạt động do Hội đồng Anh tài trợ và tổ chức, trong đó có nhiều diễn đàn, hội nghị, khóa đào tạo về quản trị đại học tiên tiến. Thông qua sự hợp tác với Hội đồng Anh, Giáo sư Mai Trọng Nhuận tích cực góp phần đưa chất lượng đào tạo, kiểm định chất lượng giáo dục ở Đại học Quốc gia từng bước đạt chuẩn quốc tế, góp phần phát triển mô hình đại học nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực, tự chủ cao và chịu trách nhiệm cao, đưa Đại học Quốc gia trở thành trường đại học uy tín hàng đầu của Việt Nam.
Khóa học đó rất có giá trị cho công việc của Giáo sư trên các cương vị lãnh đạo ĐHQG HN cho tới năm 2012, và sau đó tiếp tục ở vị trí chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo Chất lượng ĐHQG, phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách thuộc Uỷ ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu của Việt Nam (Vietnam Panel on Climate change).
Trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục, Giáo sư làm trưởng đoàn đánh giá ngoài nhiều trường đại học của Việt Nam và tham gia giảng dạy các khoá đào tạo kiểm định viên. Năm 2016 ông được Hội đồng Anh mời tham gia khóa đào tạo kiểm định viên. Với những kinh nghiệm thu được từ Vương quốc Anh và quốc tế, Giáo sư đã chia sẻ với các học viên đến từ các trường đại học ở Việt Nam cách tư duy mới về kiểm định, nhấn mạnh sự trung thực, bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, hiểu biết của các kiểm định viên.
Giáo sư Mai Trọng Nhuận cũng trân trọng và đánh giá cao cách làm việc của các chuyên gia Hội đồng Anh. Ông cho biết các cuộc làm việc thường diễn ra với cường độ rất cao, có phương pháp độc đáo, thẳng thắn, khoa học, chuyên nghiệp, quyết liệt về chuyên môn nhưng khi đàm phán rất hài hòa, luôn trao đổi trên tinh thần tôn trọng, lắng nghe lẫn nhau.
Giáo sư Mai Trọng Nhuận mong mỏi Hội đồng Anh sẽ là tấm gương rực rỡ hơn và lan tỏa nhiều hơn về chất lượng và sáng tạo, kiến tạo nhiều hơn các cơ hội hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, nghiên cứu hai nước.
“Hội đồng Anh là một tổ chức kết nối, chia sẻ, kiến tạo hợp tác và các cơ hội, tạo dựng niềm tin.”