©

British Council

Bùi Văn Khiết hiện là Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định. Nhờ vào những nỗ lực của anh cũng như chính quyền tỉnh, với sự đồng hành của các dự án hợp tác đào tạo giữa tỉnh Nam Định và Hội đồng Anh, chất lượng dạy và học tiếng Anh của tỉnh Nam Định đã vươn lên tốp dẫn đầu cả nước.

Cho đến trước khi được tiếp xúc với chương trình VTTN* (Vietnam English Teacher and Trainer Network – Chương trình nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh cấp trung học phổ thông tại Việt Nam do Hội đồng Anh và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam thực hiện), thầy giáo Bùi Văn Khiết – lúc đó đang dạy tiếng Anh tại Trường Trung học phổ thông B Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định – vẫn còn chưa tự tin lắm với phương pháp chú trọng kỹ năng nghe nói để giao tiếp hiệu quả của mình. Sở dĩ anh chưa tự tin vì anh thấy mình có phần lạc lõng khi cách dạy tiếng Anh phổ biến lúc đó chỉ tập trung vào ngữ pháp.

Nhưng rồi nhờ có VTTN, và sau đó là chương trình Summer School cũng do Hội đồng Anh tổ chức mà anh Khiết được tham gia, anh không thấy lạc lõng nữa và trở nên tự tin hơn hẳn. Từ vai trò học viên, anh được chọn để trở thành huấn luyện viên (trainer) đào tạo lại các giáo viên khác. 

Anh nhận xét: “Hội đồng Anh tạo cho giáo viên sự tự tin, chủ động trong bài giảng, không cần quá nhiều trang thiết bị hiện đại nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao, ví dụ sử dụng poster, hay các dụng cụ thông thường như bảng trắng, giấy bút, thẻ “cue card”… Sau này, mình được đi bồi dưỡng phương pháp dạy học ở nhiều nước khác như Singapore, Australia, Mỹ… nhưng mình thấy các khóa này vẫn không vượt qua được các lớp bồi dưỡng của Hội đồng Anh”. 

Sau khóa đào tạo bước ngoặt đó, anh Khiết biết làm chủ lớp học, biết sử dụng các hoạt động đa dạng để thu hút và giúp học sinh tiếp thu tốt nhất. Học sinh nói với anh rằng giờ giảng của thầy Khiết sao “qua nhanh” thế. Nhờ đó sự nghiệp của anh phát triển không ngừng: “Cuối năm 2001 mình gặp Hội đồng Anh, nhờ áp dụng những gì học được, trong những năm tiếp theo, mình bồi dưỡng học sinh giỏi đều liên tục có giải nhất, giải nhì”. Từ trường huyện, anh được lên trường tỉnh – trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Tại đây, anh tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi tiếng Anh dự thi quốc gia đạt nhiều giải cao. Sau hai năm anh được chuyển lên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định làm chuyên viên tiếng Anh, rồi được phong Phó Trưởng phòng (2015), và năm 2017 trở thành Trưởng phòng phụ trách giáo dục Trung học (cơ sở và phổ thông). Bên cạnh đó, anh Khiết trực tiếp chỉ đạo chuyên môn về ngoại ngữ trên toàn tỉnh (tiếng Anh, Pháp và Nga).

Trong quá trình làm việc tại Sở, với cương vị là chuyên viên, anh đã chỉ đạo, tập huấn, bồi dưỡng cho các giáo viên tiếng Anh trong tỉnh vì thế mà chất lượng dạy và học tiếng Anh của Nam Định ngày càng chuyển biến tích cực. Đến năm 2015, chương trình bồi dưỡng giáo viên đã được nâng lên một nấc thang mới qua sự hợp tác với Hội đồng Anh: 

“Mình đề xuất với lãnh đạo Sở tăng cường hợp tác quốc tế, vì thế từ 2015, Sở GD-ĐT Nam Định hợp tác với Hội đồng Anh thực hiện chương trình Teaching for success. Hội đồng Anh về từng trường dự giờ giáo viên để “bắt bệnh”, khảo sát, phỏng vấn nhu cầu, từ đó mới xây dựng chương trình bồi dưỡng cụ thể. Giáo viên được xem tiết dạy mẫu (do giảng viên Hội đồng Anh trực tiếp giảng), sau đó được hướng dẫn soạn bài và về trường để thực hành, có giảng viên dự giờ, sau đó trao đổi rút kinh nghiệm giúp họ tiến bộ. Hội đồng Anh làm việc rất nghiêm túc, tỉ mỉ và có trách nhiệm, nhấn mạnh vào tiến trình, trước, trong và sau khi tập huấn. Rất hiệu quả.”

*Chương trình nâng cao chất lượng việc dạy tiếng Anh cấp trung học phổ thông tại Việt Nam – Vietnam English Teacher and Trainer Network (VTTN – do Hội đồng Anh và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam thực hiện rất thành công từ năm 1999 đến năm 2012. Chương trình lan rộng đến từng trường cấp ba của 20 trên 64 tỉnh thành trên cả nước, ước tính một vạn giáo viên tiếng Anh được trang bị các phương pháp giảng dạy hiện đại nhất, hiệu quả nhất. VTTN cũng là chương trình tiên phong về hình thức cam kết cùng đầu tư theo kiểu đối tác với chính quyền địa phương cung cấp cơ sở vật chất đào tạo và Hội đồng Anh cung cấp chương trình và chuyên gia.

“Nếu bây giờ bạn về các trường tiểu học ở Nam Định, học sinh lớp 3 lớp 4 cũng rất tự tin chào hỏi, nói chuyện bằng tiếng Anh với người nước ngoài. Mình thấy đó là niềm tự hào và là thành công lớn nhất.”