Trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác và Đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào ngày 26 tháng Chín năm 2024 tại Hải Phòng, Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sứ quán Anh và Hội đồng Anh đã phối hợp tổ chức chương trình thảo luận thúc đẩy hợp tác giáo dục xuyên quốc gia giữa Vương quốc Anh và Việt Nam.
Chương trình tập trung trao đổi các cơ hội mà giáo dục đại học Vương quốc Anh có thể hỗ trợ để Việt Nam đạt được mong muốn trở thành điểm đến giáo dục quốc tế mới ở Đông Nam Á. Nội dung chương trình tập trung thảo luận các mô hình giáo dục xuyên quốc gia mang tính đổi mới giữa hai quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu tiếp cận giáo dục quốc tế tăng cao tại Việt Nam.
Những kết luận chính
- Quốc tế hóa Giáo dục tại địa phương
Mong muốn của Việt Nam trong việc trở thành điểm đến giáo dục quốc tế mới mở ra nhiều cơ hội cho các tổ chức giáo dục Vương quốc Anh mang lại các mô hình giáo dục xuyên quốc gia mang tính chất đổi mới và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của địa phương. Các trường đại học như Đại học Heriot-Watt là một ví dụ thành công trong việc kết hợp nhu cầu địa phương vào chiến lược quốc tế hóa của trường.
- Các mô hình giáo dục địa phương hóa và hướng tới mục đích cụ thể
Mô hình ‘giáo dục hướng tới mục đích’ của Giáo sư Mushtak Al-Atabi là một ví dụ thuyết phục về cách các tổ chức quốc tế có thể gắn kết chặt chẽ với sinh viên qua việc đảm bảo chương trình giáo dục phù hợp với mục tiêu cá nhân và nhu cầu tại địa phương. Ông đề xuất Việt Nam áp dụng các mô hình giáo dục sáng tạo, linh hoạt sẽ tạo tiền đề giúp Việt Nam trở thành điểm đến giáo dục quốc tế mới.
- Đảm bảo tính bền vững thông qua bảo đảm chất lượng
Bà Vicki Stott khẳng định bảo đảm chất lượng giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự thành công và bền vững của chương trình giáo dục xuyên quốc gia. Bà nhấn mạnh tính thích ứng với các khung bảo đảm chất lượng Vương quốc Anh, và tầm quan trọng của việc hợp tác với các tổ chức kiểm định tại quốc gia để duy trì tiêu chuẩn chất lượng cao.
- Công nghệ là nhân tố thúc đẩy giáo dục xuyên quốc gia
Các cuộc thảo luận nhấn mạnh tiềm năng biến đổi của công nghệ trong giáo dục xuyên quốc gia. Tăng cường sử dụng các ứng dụng công nghệ AI, VR và mô hình học tập kết hợp góp phần giúp giáo dục trở nên dễ tiếp cận và cá nhân hóa hơn cho sinh viên, đồng thời các cơ hội trao đổi trực tuyến cũng mang lại những trải nghiệm quốc tế ngay tại địa phương.
- Xây dựng quan hệ đối tác dựa trên sự tin tưởng và bền vững về tài chính
Các diễn giả nhấn mạnh rằng thành công của các mối quan hệ hợp tác giáo dục xuyên quốc gia phải được xây dựng trên cơ sở tin tưởng và bền vững về tài chính. Các trường đại học Vương quốc Anh và Việt Nam cần điều chỉnh mục tiêu và phối hợp chặt chẽ để đảm bảo mối quan hệ hợp tác mang lại lợi ích song phương dài hạn.
Xem thêm báo cáo sự kiện và hình ảnh sự kiện.