Tham quan học tập về doanh nghiệp xã hội tại Philippines
Tham quan học tập về doanh nghiệp xã hội tại Philippines

Trong chương trình thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, Hội đồng Anh Việt nam tổ chức chuyến thăm quan học tập các chương trình đào tạo doanh nghiệp xã hội tại trường đại học và các mô hình doanh nghiệp xã hội tại Manila, Philippines từ ngày 16 – 22 tháng 3 năm 2014. Đoàn gồm 8 thành viên, bao gồm :

  • Anh Ngô Minh Tuấn, Nghiên cứu viên, Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương
  • Chị Nguyễn Thị Vân Nga, Giảng viên đại học, Trường đại học Thăng Long
  • Anh Trương Tuấn Anh, Giảng viên đại học, Trường đại học kinh tế quốc dân
  • Anh Nguyễn Thiếu Hoài, Biên tập viên, Đài phát thanh và truyền hình Hà nội
  • Chị Nguyễn Thị Thu Phương, Thư ký toàn soạn chuyên mục Đời sống, Báo VietnamNet
  • Chị Hoàng Lan Hương, Biên tập viên, Đài truyền hình cáp VCTC10
  • Anh Lê Văn San, Quay phim, Đài truyền hình cáp VCTC10
  • Chị Trần Thị Hồng Gấm, Quản lý Chương trình doanh nghiệp xã hội, Hội đồng Anh Việt nam.

Chuyến thăm quan học tập dù ngắn nhưng đã cung cấp cho các thành viên trong đoàn một cái nhìn tổng quan về sự phát triển doanh nghiệp xã hội tại Philippines, từ việc đưa kiến thức doanh nghiệp xã hội và tinh thần doanh nhân xã hội vào hệ thống giáo dục trong trường đại học tới các mô hình doanh nghiệp xã hội đa dạng đang diễn ra tại Philippines. 

Dưới đây là một số cảm nhận của các thành viên trong đoàn sau chuyến đi.

Cảm nhận của anh Trương Tuấn Anh, Giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Cùng British Council đến Manila để tham quan, học hỏi về doanh nghiệp xã hội là một chuyến đi đầy tham vọng đối với tôi. Ở đó, tôi mong muốn được thấy khái niệm của Micheal E. Porter về Shared Value là hiện thực; mong muốn được cảm nhận tinh thần doanh nhân của người Philippines; mong muốn được khám phá cuộc sống của Manila. Từ 16/3-22/3, mỗi ngày là một trải nghiệm và tôi thật may mắn được tham dự chuyến đi này.

Sáng 16/3: Trên đường từ sân bay Ninoy Aquino về khách sạn, chiếc xe taxi phóng như bay trên đường phố, mang đến cho những vị khách từ Việt Nam chút lo sợ về an toàn nhưng đầy ngưỡng mộ về hạ tầng của Manila, đường rộng thênh thang, tầng trên tầng dưới, xe hơi thì tràn ngập, tàu điện trên cao, bus và xe Jeepney chạy dồn dập. Về đến khách sạn, cảm giác kỳ lạ đầu tiên là vào cửa phải kiểm tra an ninh, sau này mới thấy rằng, ở đây, tại các công sở, toà nhà, trung tâm thương mại đều có đội ngũ bảo vệ được đào tạo ít nhất hai năm trong trường chuyên nghiệp làm nhiệm vụ kiểm tra an ninh. Mình và anh Ngô Minh Tuấn được xếp ở cùng phòng, căn phòng khá rộng, và niềm vui đầu tiên là đọc được dòng chữ: “Welcome home Ms. Truong and Ms. Ngo”. 

Chiều 16/3: Sau một giấc ngủ, đoàn mình có một buổi chiều để tham quan Manila, được giới thiệu từ trước, chị Gấm đưa cả đoàn đi thăm khu thành cổ, nơi có các công trình kiến trúc in dấu sự ảnh hưởng của người Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ và Mỹ đối với đất nước này, nơi mà một tour guide gọi là Melting Culture.

Ngày 17/3: Ngày làm việc đầu tiên, 9h10 đón đoàn tại sảnh khách sạn là một cán bộ của Hội đồng Anh Philippines, chị Monique Regalado, cô gái Philippines xinh đẹp. Xe đưa đoàn đến Ateneo de Manila University, ngôi trường tư với khuôn viên rộng, rợp bóng cây, sạch sẽ và ngăn nắp. Tại buổi học này tôi được gặp lại Adwin Solonga, người sáng lập SEDPI Group đã từng sang trường Kinh tế quốc dân năm 2012 để giảng về Social Enterprise cho các giảng viên đại học tại Việt Nam. Adwin đã cung cấp các thông tin tổng quan về SE và giới thiệu một số SE nổi bật tại Philippines; được nghe GS. Darwin D Yu thuộc John Gokongwei School of Management giới thiệu về việc đào tạo Social Entrepreneour tại Ateneo; TS Marie Lisa M. Dacanay giới thiệu các nghiên cứu về SE và chính sách của chính phủ đối với SE. Một ngày làm việc đầy tính học thuật.

Từ ngày 18/3 – 20/3: Là những ngày đi thực tế được gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp xã hội tiêu biểu vùng Manila. Cảm giác chi phối mình trong những ngày này là tinh thần doanh nhân xã hội của các founder, họ đam mê với hoạt động xã hội, họ đào tạo kỹ năng, cung cấp nguồn lực ban đầu cho người nông dân nghèo tại những vùng nông thôn xa xôi và những người yếu thế, họ giám sát chất lượng dựa trên niềm tin và tổ chức kinh doanh để tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất. Got Heart, Earth Kitchen, Goodfood, Echomarket… tập trung vào nông dân và sản phẩm nông nghiệp sạch; GK Enchanted Farm cung cấp nhà ở, kỹ thuật cho gia đình nông dân nghèo đặc biệt là giúp nam giới tập trung làm việc tại nông trại thay vì phải lang thang kiếm việc ở thành phố với thu nhập thấp, đây cũng là vườn ươm doanh nhân xã hội cho người trẻ tuổi từ khắp nơi trên thế giới; Messy Bessy một doanh nghiệp sản xuất chất tẩy rửa thân thiện với môi trường, dùng lợi nhuận để giúp trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn được đi học, cung cấp các bữa ăn dinh dưỡng cho nhà trường, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người yếu thế. Một đặc điểm nổi bật trong những doanh nghiệp xã hội mà đoàn thăm quan đó là phần lớn các founders đều là phụ nữ, điều này được giải thích rằng Philippines là một trong năm nước trên thế giới mà người phụ nữ có vai trò lớn trong xã hội. Thật thú vị!

Cảm nhận của chị Nguyễn Thị Vân Nga, Giảng viên trường Đại học Thăng Long, Hà Nội

Có được cơ hội đi tham quan học tập về doanh nghiệp xã hội tại Phillipines do Hội đồng Anh Việt Nam tổ chức là một điều may mắn bởi đã giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về sự phát triển doanh nghiệp xã hội tại quốc gia vạn đảo này. Giúp cho tôi thấy được những phúc lợi xã hội mà mô hình doanh nghiệp xã hội mang đến cho một quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế. Tôi cảm nhận thấy một tương lai phát triển kinh tế bền vững tại Phillipines bởi thế hệ trẻ tại đây luôn có sự lạc quan, nhiệt huyết và ước muốn phát triển kinh tế vì lợi ích xã hội chung. Tinh thần doanh nhân luôn được tôn vinh bởi các hoạt động tình nguyện hỗ trợ các dự án, cộng tác giúp đỡ các doanh nghiệp xã hội khi họ cần nguồn nhân lực. Việc phát triển doanh nghiệp xã hội tại Phillipines không phải đợi đến một thời điểm nào, không phải đợi đến khi chính phủ nói phải phát triển doanh nghiệp xã hội mà là bất cứ khi nào, nơi nào còn tồn tại những vấn đề xã hội, những thất bại của thị trường, của chính phủ. Với những nét tương đồng giữa hai quốc gia về kinh tế, những vấn đề bất cập trong xã hội thì rất cần thiết xây dựng mô hình doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam hiện nay. Đối với Việt Nam ngay lúc này cần có những hoạt động giáo dục dưới nhiều hình thức nhằm tác động tới ý thức của thế hệ trẻ trong việc phát triển kinh tế và phát triển xã hội.

Cảm nhận của chị Nguyễn Thị Thu Phương, Thư ký tòa soạn chuyên mục Đời sống, Báo điện tử VietnamNet

Khi nhìn về lòng yêu nước, tinh thần cộng đồng, khát vọng xây dựng một quốc gia giàu mạnh của người Philippines thông qua những mô hình phát triển doanh nghiệp xã hội năng động, tôi tin mục tiêu đưa Phillipines trở thành nền kinh tế mạnh nhất Đông Nam Á trong vòng 30 năm nữa của các nhà lãnh đạo đất nước này hoàn toàn có cơ sở. Cùng phải đối mặt với các thách thức giàu nghèo, bất bình đẳng, bùng nổ dân số, biến đổi khí hậu... nhưng cách các nguồn lực xã hội được khai thông, tập hợp và khuyến khích phát triển với tinh thần tự do, sáng tạo của Phillipine thông qua mô hình doanh nghiệp xã hội khiến tôi tin rằng quốc gia này đang có những bước phát triển hơn hẳn Việt Nam. Cảm ơn Hội đồng Anh về một chuyến đi dù ngắn ngày nhưng đã thay đổi cách tư duy và khát vọng của tôi khi nghĩ về trách nhiệm đối với đất nước mình.

Để nắm bắt thêm nhiều thông tin về chuyến đi thăm quan học tập, xin tham khảo thêm báo cáo chuyến đi do các thành viên trong đoàn tổng hợp. Và một số talk show và phóng sự được thực hiện bởi các biên tập viên và phóng viên đi cùng.

Xem thêm

Thông tin liên quan