Đối với Vũ Hoàng Dương, việc tham gia Trại hè công dân toàn cầu do Hội đồng Anh tổ chức là một bước ngoặt giúp cô xác định những giá trị quan trọng cho cuộc đời mình. Và giờ đây người phụ nữ trẻ hạnh phúc với hiện tại, cô đang làm Quản lý dự án cho tổ chức phi chính phủ Oxfam ở lĩnh vực quản trị với nhiều dự án có ý nghĩa xã hội to lớn, là một người mẹ dịu dàng của hai con nhỏ trong một gia đình êm ấm. Từng ngày cô rèn luyện cho mình sống có trách nhiệm hơn, yêu thương hơn, vì thế hệ tương lai.
Trại hè công dân toàn cầu (Young Global Citizen Programme – YGCP) – là một sáng kiến hướng đến giới trẻ của Hội đồng Anh nhằm xây dựng ý thức toàn cầu, ý thức cộng đồng và phát triển bền vững. Vũ Hoàng Dương trúng tuyển YGCP khi đang là sinh viên năm nhất Đại học Ngoại thương, bắt đầu quan tâm đến thế giới bên ngoài, và muốn làm những điều thật ý nghĩa. Từ YGCP và mối quan hệ với Hội đồng Anh, Dương cảm nhận được nhiều điều hữu ích cho công việc và cuộc sống sau này. “Đó là bước ngoặt!”, Dương khẳng định.
Cùng với các thành viên YGCP Việt Nam (tổng cộng 17 người), cô sinh viên trẻ nhất được tham gia đa dạng các hoạt động để mở rộng hiểu biết và tăng cường các kỹ năng, và sau đó chia sẻ những điều đã học hỏi được cho các bạn trẻ hơn thông qua việc tổ chức các trại hè tiếp theo. Năm 2007, Dương được chọn tham gia sự kiện gặp gỡ đại diện YGCP toàn cầu của Hội đồng Anh ở Vương quốc Anh. Sau đó Dương tiếp tục được mời là người chia sẻ và kết nối với các khóa trại hè sau này.
“Điều thú vị là Hội đồng Anh quy tụ những người đặc biệt, họ gặp nhau, gieo một cái gì đấy, đánh thức một cái gì đấy trong mình”, Dương nhận xét. Những bạn trẻ Dương được gặp thực sự truyền cảm hứng sống và đam mê cho Dương. Có bạn là người Hàn Quốc đi khắp các châu lục làm tình nguyện viên, để thực sự góp phần vào các thay đổi tích cực. Có bạn người Pakistan sau này trở thành người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng, làm Dương cảm động vì câu chuyện bạn đã vượt qua khó khăn trong chiến tranh ở đất nước bạn như thế nào.
Vũ Hoàng Dương cũng học được cách tôn trọng sự khác biệt một cách sâu sắc từ ngày ấy. Mười bảy thành viên YGCP đến từ các vùng miền, môi trường khác nhau, cá tính khác nhau, và vì thế học được từ nhau rất nhiều. Người thì đam mê nhảy tap dance, người quyết tâm xây dựng một cơ sở giáo dục ở quê hương, người nỗ lực theo đuổi nghề kiến trúc, còn người thì trở thành thầy giáo yoga…Thời gian ở bên cạnh những sự khác biệt đó đã làm Vũ Hoàng Dương nhận ra rằng “quá trình học cách sống cùng nhau và trân trọng những điểm khác biệt làm cho cuộc sống rất hay và phong phú”.
Một ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với Dương đến từ sự tiếp xúc với Hội đồng Anh, đó là lựa chọn nghề nghiệp. Qua tiếp xúc với nhân viên Hội đồng Anh từ Trại hè YGCP, cô thích những giá trị của Hội đồng Anh ngay từ ngày đầu và mong muốn được làm việc cho một tổ chức phi chính phủ. Dương cảm nhận được sự tận tình của nhân viên Hội đồng Anh đối với các bạn trẻ không chỉ vì trách nhiệm công việc mà còn vì sự say mê nhiệt huyết, truyền cảm hứng và lan tỏa các giá trị tốt đẹp. Vì sự ảnh hưởng đó, Dương đã chọn đề tài luận văn tốt nghiệp đại học có ý nghĩa xã hội Thương mại công bằng cho người trồng cà phê, sau đó thi tuyển vào vị trí thực tập sinh ở tổ chức Oxfam và trở thành nhân viên Oxfam từ đó đến nay. Cô luôn tin rằng “làm việc tận tình, có ích sẽ đem lại tác động tích cực sau này”, như những gì các nhân viên Hội đồng Anh đã gieo vào trái tim cô.
Một giá trị nữa mà Dương nhận được từ Hội đồng Anh, đó là tính tiên phong. Sau YGCP cô vẫn dõi theo rất nhiều hoạt động của Hội đồng Anh, và thấy từ “tiên phong” là đúng, chẳng hạn như khái niệm công dân toàn cầu, hay active citizenship (công dân tích cực) bây giờ được mọi người dùng nhiều và trở nên quen thuộc, thì Hội đồng Anh đã đưa ra từ năm 2006. Đối với bản thân Dương, trong suốt quá trình làm việc ở Oxfam cô cũng duy trì nguyên tắc sáng tạo và tiên phong. Minh chứng cho nỗ lực của Dương là sáng kiến Dân chấm điểm dịch vụ công qua điện thoại di động – thành công có tính đổi mới của Oxfam mà Dương và đồng nghiệp đã cùng khởi xướng, gây quỹ và sau đó đi thuyết phục các địa phương thực hiện và nhân rộng. Hay một nỗ lực khác: Chương trình Công bằng Thuế (nghiên cứu chính sách và đề xuất tái phân bổ thuế nhằm đảm bảo sự công bằng hơn giữa người giàu và người nghèo) mà Dương tham gia xây dựng và thúc đẩy được đánh giá là tiên phong và đúng thời điểm vì Việt Nam đang cần tái cấu trúc hệ thống thuế trong bối cảnh một loạt nguồn thu truyền thống như thuế xuất nhập khẩu, thuế thu từ dầu thô suy giảm.
Đã hơn mười năm trôi qua kể từ YGCP, Vũ Hoàng Dương vẫn còn giữ liên lạc với những người bạn ở trại hè và với các chị ở Hội đồng Anh, vì những tình cảm, sự chia sẻ, những kỷ niệm và giá trị sống sâu đậm mà cô nhận được và luôn mong muốn được lan tỏa sau trại hè ở cả công việc và trong cuộc sống hàng ngày. Cô thường tự nhủ: “Nếu mình không làm tốt thì con mình, thế hệ sau này và xã hội sẽ như thế nào khi được phát triển trên nền tảng mình đã góp phần tạo ra?”.
“Điều thú vị là Hội đồng Anh quy tụ những người đặc biệt, họ gặp nhau, gieo một cái gì đấy, đánh thức một cái gì đấy trong mình.”