©

British Council

Trưởng phòng Truyền thông - Đối ngoại của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đến với Women of the World festival – một chuỗi sự kiện tôn vinh và chia sẻ các vấn đề của phụ nữ toàn cầu được tổ chức ở London năm 2018. Chuyến đi đã khiến chị phải thốt lên “wow!” – thán phục trước những trải nghiệm ý nghĩa và tràn ngập cảm hứng.

Tiến sĩ Lê Thị Thúy Hoàn – Trưởng phòng Truyền thông - Đối ngoại của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trò chuyện rất sôi nổi khi kể về chuyến đi tuyệt vời đến WOW (Women of the world) festival tại London vào tháng 3 năm 2018. WOW là một liên hoan quốc tế thường niên nhằm tôn vinh các thành tựu của phụ nữ và trẻ em gái toàn cầu, đồng thời bàn giải pháp cho các vấn đề mà phụ nữ gặp phải, được khởi đầu từ Vương quốc Anh, diễn ra vào dịp Ngày quốc tế Phụ nữ tháng 3 hàng năm, đã và đang lan rộng ra rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Qua sự kết nối và tài trợ của Hội đồng Anh, chị Lê Thị Thúy Hoàn được mời đến WOW summit (Hội nghị thượng đỉnh WOW) với tư cách đại diện cho Việt Nam để trình bày về chủ đề Bảo tàng hướng đến các nhóm phụ nữ yếu thế trong xã hội. Thời điểm chuẩn bị rơi vào trước kỳ nghỉ Tết âm lịch, trong khi ngày khởi hành đã cận kề. Hội đồng Anh sau khi nghe chị trình bày về ý tưởng thuyết trình, đã quyết định hỗ trợ rất nhanh, nhiệt tình, chuyên nghiệp, giúp chị hoàn tất các thủ tục cần thiết trong một thời gian ngắn, để chị kịp làm visa và lên đường đến WOW.

“Mình đi hội thảo nhiều nước rồi, vậy mà vẫn ngỡ ngàng khi đến WOW. Đây là sự kiện về bình đẳng giới, mà vé tham dự đã bán hết từ trước đó một tuần”, tiến sĩ Lê Thị Thúy Hoàn kể. Trong bối cảnh Việt Nam, đây là một điều lạ lẫm “khi người ta phải mua vé để được xem, nghe về bình đẳng giới”. Và khi chị đến hội trường nơi diễn ra WOW summit, số người tham dự đông đến nỗi không còn ghế trống, nhiều người phải ngồi trên sàn nhà. 

Sau gần một tuần “đắm chìm” trong các hoạt động của WOW, chị Lê Thị Thúy Hoàn đã hiểu ra tại sao WOW lại hấp dẫn đến thế. 

Ở WOW summit, sự hấp dẫn đến từ những bài thuyết trình lay động trái tim người nghe của những nhân vật như ứng viên tham gia chiến dịch tranh cử tổng thổng Ireland, hay một bà mẹ có năm con viết sách về bình đẳng giới. Ở các phần thuyết trình theo chuyên đề, thì sự hấp dẫn lại nằm ở các chủ đề “nhỏ nhất”, thậm chí “tế nhị” nhưng vô cùng thiết thực, ví dụ như nhà vệ sinh công cộng ở Ấn Độ ảnh hưởng tới việc học tập, theo đuổi sự nghiệp của phụ nữ ra sao, hay tại sao băng vệ sinh dạng phễu lại là phát minh vĩ đại giúp giảm gánh nặng cho phụ nữ. Những câu chuyện đã giúp giảm sức ép và định kiến xã hội, đem lại những thay đổi thiết thực. Trong khi đó ở Việt Nam, những dịp này lại thường được tổ chức theo “kiểu tặng hoa tặng quà, nhắc lại truyền thống”, chị Hoàn so sánh.

 “Từ WOW, mình học được cách lựa chọn chủ đề, phát triển và giải quyết chủ đề như thế nào”, chị Hoàn cho biết. Và do được truyền cảm hứng, chị có ngay những sáng kiến cho hoạt động của Bảo tàng Phụ nữ, bao gồm cả việc kết nối với các đối tác khác. Cụ thể vào tháng 11 năm 2018, Bảo tàng Phụ nữ và tổ chức UN Women sẽ tổ chức sự kiện cho học sinh trong đó sẽ mời cả trẻ em và người lớn (gồm người đồng giới, người dân tộc, người khuyết tật) thuyết trình kiểu Pecha Kucha (kể chuyện bằng slide hình ảnh) về bình đẳng giới. Một sáng kiến khác mà chị đang bàn bạc với tổ chức UNESCO cũng dần hình thành, sẽ là hoạt động dạng trò chuyện dành cho học sinh để tăng hiểu biết về giới và giới tính. Và còn nhiều dự định nữa mà chị Hoàn tin sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới. 

Đặc biệt, Bảo tàng Phụ nữ đang bàn bạc với Hội đồng Anh và các đối tác, để xin phép sử dụng mô hình WOW ở Việt Nam. Hiện nay chị đang tìm hiểu và học hỏi từ WOW phương pháp tổ chức để có thể tạo nên sự thu hút mạnh mẽ - đúng như những gì chị cảm nhận được từ chuyến đi. Chị chia sẻ một cách sôi nổi: “Phải dành quyền được nói cho phụ nữ, chứ không phải mời họ đến để nghe chuyện Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa ra sao. Những hoạt động cần giúp họ giải quyết các nhu cầu hay vấn đề thực tiễn. Như thế mới thiết thực”. 

Tiến sĩ Lê Thị Thúy Hoàn tin rằng chuyến đi WOW lay động trái tim và các kết nối tiếp theo với Hội đồng Anh và các đối tác là bước khởi đầu đầy cảm hứng, làm nảy nở những cách làm mới. “Bảo tàng trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có tới trên 16 triệu hội viên, một lực lượng rất lớn và có thể tạo ảnh hưởng hết sức rộng rãi”, chị Hoàn khẳng định.