©

British Council

Nguyễn Phương Hòa – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã được truyền cảm hứng mạnh mẽ khi tiếp xúc với khái niệm công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa mà Hội đồng Anh giới thiệu ở Việt Nam từ giữa những năm 2000. Chị Phương Hòa đã đóng góp tích cực cho quá trình thúc đẩy khái niệm này ở Việt Nam, mà thành công nổi bật là sự công nhận chính thức của chính phủ về vai trò kinh tế của văn hóa thông qua việc phê duyệt Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.

Chị Nguyễn Phương Hòa cho biết một trong những thành công nhất trong sự hợp tác với Hội đồng Anh là việc Hội đồng Anh tiên phong đưa khái niệm công nghiệp sáng tạo/ công nghiệp văn hóa (CNST/CNVH) vào Việt Nam. 

Từ khoảng năm 2005, Hội đồng Anh đã cử các chuyên gia sang làm việc với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức các tọa đàm bàn tròn về khái niệm CNST trong khuôn khổ chương trình Nước Anh sáng tạo. Nguyễn Phương Hòa lúc đó là chuyên viên trẻ, là cán bộ Đoàn đầy nhiệt huyết của Cục Hợp tác quốc tế (HTQT) Bộ VHTTDL, thấy mình như được “khai sáng” từ kinh nghiệm của nước Anh. Chị thấy đó là cơ hội thay đổi tư duy nhận thức của không chỉ lãnh đạo và người làm chính sách mà toàn xã hội về vai trò của văn hóa. Chị giải thích: “Ở Việt Nam từ trước đến nay văn hóa được coi là lĩnh vực tư tưởng, nhiều người thường xem vai trò của Bộ Văn hóa chỉ đơn thuần là vui chơi giải trí, tiêu tiền. Còn khái niệm CNST hay CNVH cho thấy văn hóa là lĩnh vực làm ra tiền, phát triển nhanh và đóng góp cho nền kinh tế. Những báo cáo nghiên cứu gần đây cũng cho thấy những ngành công nghiệp văn hóa tăng trưởng cao thậm chí gấp đôi, ba các ngành công nghiệp truyền thống”. 

Chị Nguyễn Phương Hòa cũng cho rằng khái niệm CNST- CNVH được giới thiệu đến Việt Nam vào đúng thời điểm. Sau gần 20 năm đổi mới, Việt Nam đã có những nền tảng nhất định về kinh tế, quan hệ đối ngoại cũng đã rất rộng mở và có vai trò quốc tế nhất định. Trong một xu thế cởi mở đón nhận cái mới, đã dẹp đi rất nhiều nghi kỵ và e ngại, chị thấy mình may mắn vì làm việc ở Cục HTQT được tiếp xúc với cái mới, và chị cảm nhận rõ ràng Bộ VHTTDL có thể trở thành đơn vị “phất cờ” tiên phong về CNST ở Việt Nam. 

Vì quá hứng thú với khái niệm này, nên cô cán bộ Đoàn trong một cuộc thi hùng biện dành cho thủ lĩnh thanh niên của Bộ VHTTDL đã chọn chủ đề về CNST ở Vương quốc Anh như một câu chuyện truyền cảm hứng. Cô muốn tìm hiểu sâu thêm, muốn thay đổi vai trò của Bộ Văn hóa trong xã hội. Và đó cũng là một trong những lý do để sau này chị Nguyễn Phương Hòa chọn đất nước Anh để học lên bậc thạc sĩ, ngành Chính sách Văn hóa và Quản lý Nghệ thuật.

Sau những tiếp xúc đầu tiên đầy hứng thú, là một quá trình dài tạo ra sự thay đổi. Cô chuyên viên được bổ nhiệm chức phó phòng, trưởng phòng, rồi Phó Cục trưởng Cục HTQT, Nguyễn Phương Hòa tiếp tục đề xuất và phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức một số chuyến nghiên cứu về CNST ở Vương quốc Anh cho đoàn lãnh đạo cấp cao và nhiều toạ đàm, hội thảo trong nước, vì chị tin rằng muốn thay đổi thì phải từ cấp cao, và cần bắt đầu ngay việc tăng cường nhận thức và năng lực cho cấp Cục, Vụ. Bên cạnh đó, chị tích cực chia sẻ và thuyết phục lãnh đạo bằng những hiểu biết của mình về CNST, tham gia điều phối, huy động “sức mạnh” của Bộ và các cơ quan tổ chức liên quan vận động sự chấp thuận của chính phủ để soạn thảo Chiến lược Phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Kết quả là năm 2016, chính phủ đã phê duyệt chiến lược này, khái niệm CNST-CNVH được chính thức hóa ở Việt Nam. “Cả một quá trình hơn mười năm, từ nhận thức đến đưa ra văn bản chính thức đều có sự đồng hành của Hội đồng Anh”, chị Nguyễn Phương Hòa cho biết. 

“Chiến lược ra đời thành công nhất là ở mặt nhận thức, cấp lãnh đạo cao nhất đã thấy vai trò của văn hóa trong phát triển. Nhưng hiện tại mới chỉ có văn bản, chưa có nguồn kinh phí hay chương trình đi kèm để tạo ra thay đổi. Chính vì thế, sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài như Hội đồng Anh trong các chương trình cụ thể là rất quý”, chị Nguyễn Phương Hòa nhìn nhận. Và một trong những ví dụ cụ thể mà chị đánh giá cao và ủng hộ nhiệt thành là Dự án không gian Sáng tạo của Hội đồng Anh. Chị cho rằng những Không gian sáng tạo là nơi ươm mầm, gặp gỡ, chia sẻ hiểu biết, là động lực sáng tạo, và vì thế, là không thể thiếu đối với nền CNST. 

Tương lai còn nhiều việc nữa để làm, còn chị Nguyễn Phương Hòa – cô cán bộ trẻ ngày nào với ước mơ thay đổi “vai trò của Bộ Văn hóa trong xã hội” - tin rằng đối với việc gì mà mình nỗ lực hết sức thì sẽ có kết quả.

"Hội đồng Anh tiên phong đưa khái niệm công nghiệp sáng tạo/công nghiệp văn hóa vào Việt Nam."