Dr Vu Thi Phuong Anh

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh hiện đang là Phó giám đốc (học thuật) của Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục (EQTS) thuộc Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam (một công việc tình nguyện bà đã đảm nhận từ năm 2011). Bà cũng là tư vấn chiến lược cấp quốc gia của Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 từ năm 2014. Trước khi nghỉ hưu một năm trước, Tiến sĩ Phương Anh đã làm việc toàn thời gian tại nhiều vị trí như Trưởng khoa/Phó trưởng khoa tiếng Anh và Ngoại ngữ, Giám đốc/Phó Giám đốc Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Giám đốc phòng Quan hệ Quốc tế tại nhiều trường đại học công lập và tư thục tại Tp. Hồ Chí Minh. Bà đã có bằng cử nhân khoa tiếng Anh Đại học Tp. Hồ Chí Minh (năm 1983), bằng Thạc sỹ chuyên ngành Phương pháp giảng dạy tiếng Anh Đại học Canberra (năm 1991, Úc), và Tiến sĩ Giáo dục (Chuyên ngành Khảo Thí Ngôn ngữ) tại Đại học La Trobe (năm 1998, Úc). Là một trong những người đầu tiên được đào tạo chuyên nghiệp về lĩnh vực khảo thí ngoại ngữ sau năm 1975, TS. Phương Anh đã dành 8 năm (2004- 2011) trên cương vị Phó Giám đốc và sau đó là Giám đốc Trung tâm Khảo thí chuẩn hóa đầu tiên của cả nước – Trung Tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng Đào tạo. Tại đây, bà chịu trách nhiệm phát triển bài thi tiếng Anh và tiến hành nghiên cứu kiểm định sử dụng lý thuyết trắc nghiệm cổ điển (CCT). Ngoài công việc nghiên cứu và giảng dạy, bà còn là người viết báo cho chuyên mục giáo dục của tờ Tia Sáng, tờ báo không chuyên xuất bản bởi bộ Khoa học và Công nghệ. Công trình nghiên cứu của bà chủ yếu tập trung vào phát triển bài thi ngôn ngữ và tác động dội ngược của kiểm tra đánh giá đối với việc dạy và học.

Abstract

25 năm khảo thí ngôn ngữ tại Việt Nam: Nhìn lại và hướng về phía trước

Khảo thí có tác động trực tiếp lên việc dạy học, là một sự thật hiển nhiên mà bất cứ nhà giáo dục hay nhà hoạch định chính sách giáo dục nào tại Việt Nam đều dễ dàng chấp nhận. Tuy nhiên, khảo thí cũng là một khía cạnh bị lãng quên nhiều nhất trong giáo dục ngôn ngữ trong nước – hoặc ít nhất, cho tới thời gian gần đây. 

Bài tham luận sẽ là sự tổng kết đánh giá thực trạng khảo thí ngoại ngữ tại Việt Nam trong suốt hơn 25 năm qua, từ những năm đầu của thập kỷ 1990, khi khảo thí ngoại ngữ xuất hiện lần đầu như một môn “khoa học” thay vì nghệ thuật chỉ dành cho các “bậc thầy” – những chuyên gia giáo dục ngoại ngữ – những người nắm quyền quyết định tại các cơ sở giáo dục. 

Ba giai đoạn phát triển khảo thí ngoại ngữ trong vai trò một môn khoa học, gồm có: giai đoạn tiền khoa học (trước 1995); giai đoạn “tiêu chuẩn hóa để đạt độ tin cậy” (1996-2006) và giai đoạn “tiêu chuẩn hóa để xác trị hóa” (từ 2007, giai đoạn khởi đầu Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, cho tới nay). Nhìn lại qua ba giai đoạn, có thể thấy rất rõ ràng khảo thí ngoại ngữ đã có ảnh hưởng rất lớn tới việc dạy và học ngoại ngữ.

Có thể thấy, sự phát triển trong khảo thí ngoại ngữ tại Việt Nam dù vẫn còn những bất cập nhưng cũng vô cùng hứa hẹn. Những gì đang được thực hiện nhằm phát triển năng lực khảo thí quốc gia, cùng những kiến thức chuyên môn được chia sẻ từ cộng đồng khảo thí quốc tế, sẽ tác động sâu sắc tới việc học và giảng dạy ngôn ngữ tại Việt Nam trong những năm tới.