“Kể từ những giây phút được giúp đỡ trên đường phố ở Hà Nội bởi một người lạ, người đã giúp đỡ tôi mà không cần tới lời cám ơn, tôi đã tin rằng giao lưu văn hóa không chỉ là cùng nhau chia sẻ những điểm khác biệt, đó là việc khám phá ra những điểm chung, sợi dây liên kết của tình người” - Nguyên Phó Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam những năm 1998–2002 Paul Zetter chia sẻ câu chuyện người đã cứu ông khi ông gặp tai nạn giao thông ở Việt Nam.
Tờ giấy ghi chú màu vàng được viết vội ở trên bàn làm việc của tôi tại văn phòng Hội đồng Anh ở Manchester vào một buổi sáng cuối năm 1997 với chỉ hai từ trên đó đã hoàn toàn làm thay đổi cuộc sống của tôi mãi mãi – ‘Gọi Ian’. Đó là Ian Simm – Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam trước đó, người đã phỏng vấn tôi cho vị trí Phó Giám đốc – Tôi đã được lựa chọn và chuẩn bị ngày để tới Việt Nam vào tháng Giêng năm 1998.
Ba tháng đầu làm việc của tôi kín lịch của những cuộc họp, các buổi đón tiếp, gặp gỡ, sốc văn hóa, Tết, tìm nhà và mua xe máy. Lúc đó tôi cũng không hiểu một cách rõ ràng về vai trò của mình tuy nhiên tôi có một niềm tin rằng mọi việc trước sau gì cũng sẽ đi vào quy củ. Một buổi tối thứ Sáu những ngày đầu tháng Tư khi khu Quảng Bá bị mất điện, tôi đã nhảy lên chiếc Honda Dream của mình và đi về phía trung tâm của thành phố - hướng theo những ánh đèn. Được nửa đường đi, khi vừa tới cuối con đường Hùng Vương và chuẩn bị rẽ trái lối sang lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã bị hai thiếu niên 14 tuổi đèo nhau trên chiếc xe máy phóng với tốc độ cao đâm vào mình.
Tôi ngã văng ra khỏi chiếc xe và sau đó tiếp đất trong tư thế bị chiếc xe đè lên người. Chỉ trong tích tắc, một nhóm người đã vây quanh tôi và gây ách tắc giao thông cả một đoạn phố, họ nhìn tôi đang nằm trên đường như thể tôi vừa mới rơi xuống trái đất này từ một hành tinh nào đó. Một vài giây nữa tiếp tục trôi qua và sau đó có thứ gì đó, mà bây giờ thì tôi biết đó chắc chắc là một sự kỳ diệu, đã xảy đến với tôi. Một người đã xuất hiện, lách qua vòng tròn đám đông và đến hỗ trợ tôi. Đó là một cô gái trẻ người Việt, một mình đã kiểm soát được tình hình lúc đó, thể hiện sự kiên định, sự dũng cảm, nhanh trí, tốt bụng, thông minh, lòng trắc ẩn cũng như sự vị tha của mình. Cô bước qua ranh giới tới nơi những phẩm chất phổ quát tuyệt vời của một con người được bộc lộ.
Chỉ trong vỏn vẹn vài phút, với kỹ năng của mình, cô gái trẻ đó đã đảm bảo cho tôi được an toàn, và bắt một chiếc taxi đưa tôi đến một bệnh viện gần nhất với năm chiếc xương bị gãy ở chân, vai và lưng, theo như sau này tôi được biết. Ngay khi xuống xe và được đưa đi trên chiếc xe lăn để chuyển sang cáng vào phòng cấp cứu tôi đã ngoái đầu lại, tuy nhiên, cô ấy đã đi mất.
Ngay từ những ngày đầu nằm viện, bắt đầu của đợt điều trị kéo dài sáu tháng tiếp đó, có một đồng nghiệp ở Hội đồng Anh hỏi tôi “sau đây anh sẽ muốn đi đâu tiếp” với suy nghĩ rằng chắc hẳn sẽ không bao giờ tôi muốn quay lại nơi mà tôi đã có quá nhiều đau thương. “Tất nhiên là quay trở lại Việt Nam rồi”, tôi trả lời, biết chắc rằng dù sao đi nữa thì một phần trong tôi sẽ cần phải quay lại, để tìm những giá trị nhân văn trong cuộc sống và công việc của tôi, ở cái mà chúng tôi gọi là hợp tác văn hóa.
Tôi cũng không dám chắc là mình đã thực sự đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực này, tuy nhiên, tôi luôn mong muốn tìm được những cá nhân có những điểm khác biệt và có những cách khác biệt để thể hiện chúng. Tôi đã thực sự tìm được những giá trị đó ở người vợ của mình và khi hai con của tôi lần lượt chào đời, và việc các con tôi có hai cuốn hộ chiếu, một quốc tịch Việt Nam, một quốc tịch Anh, thực sự luôn là niềm tự hào của chúng tôi.
Kể từ những giây phút được giúp đỡ trên đường phố ở Hà Nội bởi một người lạ, người đã giúp đỡ tôi mà không cần tới lời cám ơn, tôi đã tin rằng giao lưu văn hóa không chỉ là cùng nhau chia sẻ những điểm khác biệt, đó là việc khám phá ra những điểm chung, sợi dây liên kết của tình người.
Paul Zetter là Phó Giám đốc của Hội đồng Anh tại Việt Nam từ năm 1998–2002. Sau đó ông vẫn tiếp tục sinh sống tại Việt Nam cho đến nay, và theo đuổi con đường nghệ thuật, hướng dẫn mọi người về nghệ thuật trong lĩnh vực phát triển và sáng tạo. Bắt đầu từ năm 2005, Paul bắt đầu làm phim cho lĩnh vực phát triển ở Việt Nam và Đông Nam Á. Ông vẫn nỗ lực tìm lại ân nhân đã giúp mình trong vụ tai nạn trên đường năm 1998, và đã hai lần đăng tin trên các báo giấy và báo mạng ở Việt Nam, tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có kết quả.