©

British Council

Nhìn lại gần 25 năm qua, từ khi đặt những bước chân đầu tiên qua ngưỡng cửa văn phòng nhỏ của Hội đồng Anh ở Hà Nội (năm 1994), chị Cao Thị Ngọc Bảo không nghĩ là mình đã đi cùng Hội đồng Anh một chặng đường dài đến thế, và càng làm thì chị càng thấy công việc hợp với mong muốn của mình. Hiện đang ở vị trí Giám đốc Dự án Chuyển đổi Mô hình của Hội đồng Anh, chị Bảo đã và đang lớn lên cùng tổ chức, cùng xây dựng và giúp lan tỏa những giá trị nhân văn, cùng hạnh phúc và tự hào khi thấy mình đang đóng góp cho những đổi thay tích cực qua từng dự án hợp tác.

Bước chân vào “gia đình toàn cầu” 

Những năm 1990, Việt Nam bắt đầu mở cửa, chị Cao Thị Ngọc Bảo biết mình có năng khiếu và sự yêu thích tiếng Anh, thế nên dù thi đậu đại học khối A, vẫn quyết theo đuổi chương trình Đại học tại chức dành cho giảng viên tiếng Anh của Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong khi học, chị tìm mọi cơ hội để thực tập tiếng Anh, tiếp xúc với mọi người: “Mình đi làm bán thời gian ở phòng tranh, đại lý du lịch, làm việc ở khách sạn Quốc Hoa trên phố Bát Đàn để được gặp nhiều vị khách quốc tế từ khắp nơi. Nhờ đó mình nhận ra những người cấp tiến đều muốn đóng góp cho xã hội, muốn vươn lên”. 

Năm 1994 chị Bảo tốt nghiệp và xác định là mình sẽ làm việc cho tổ chức nước ngoài, dù chưa hình dung là tổ chức nước ngoài sẽ hoạt động thế nào. Hội đồng Anh lúc đó mới mở được sáu tháng, chưa tuyển được nhân viên chuẩn theo yêu cầu. Chị Bảo nộp hồ sơ, qua vòng phỏng vấn và được chọn. Chị kể: “Khi được tuyển văn phòng chỉ có bốn nhân viên trong đó có một người Việt, làm việc trong một gian phòng nhỏ, với một quầy thông tin về nước Anh khiêm tốn ở tòa nhà số 1 Bà Triệu”. 

Năm 1996, văn phòng Hội đồng Anh chuyển về Cao Bá Quát, trong buổi liên hoan chia tay vị giám đốc đầu tiên về nước, mọi người ngồi lại với nhau và băn khoăn: Không biết mấy chục năm nữa Hội đồng Anh sẽ như thế nào, bản thân mình sẽ như thế nào? Chị Bảo đã ngay lập tức trả lời là mình sẽ làm ở Hội đồng Anh đến khi về hưu, một cách rất tự nhiên. 

Năm 2018, chị Cao Thị Ngọc Bảo – lúc này ở vị trí Giám đốc Dự án Chuyển đổi Mô hình của Hội đồng Anh Việt Nam, ngồi trước mặt người viết và tâm sự rằng: “Mình không nghĩ mình lại gắn bó với Hội đồng Anh đến giờ là năm thứ 25. Mọi người hỏi sao mình ở một chỗ lâu thế, kỹ năng và kiến thức có bị mòn dần? Mình thì không thấy vậy, vì mỗi ngày đến với Hội đồng Anh là một ngày khác, mình được trao quyền để làm chương trình mới, được lắng nghe, được đề xuất ý tưởng khác lạ, được khám phá những góc mới trong công việc của mình”. 

Năm 2018, Hội đồng Anh Việt Nam đã có tới trên 270 nhân viên, một sự phát triển kỳ diệu từ vỏn vẹn bốn nhân viên ban đầu.

Những giá trị xuyên suốt 

Ở tất cả các dự án, chương trình đã tham gia thực hiện, chị Bảo nhận thấy Hội đồng Anh có những giá trị đặc trưng đã giữ chân chị suốt 25 năm qua: 

Năm giá trị chung cốt lõi cho mọi hoạt động – Năm giá trị mà Hội đồng Anh luôn bám theo là tính chuyên nghiệp, tính sáng tạo, tôn trọng và ghi nhận sự đóng góp năng lực cá nhân, tính chính trực, và vì lợi ích chung. Cả năm giá trị ấy đều được thể hiện rất rõ trong tất cả các chương trình của Hội đồng Anh, cũng như trong nội bộ tổ chức, các nhân viên đều được tạo điều kiện để phát triển và lan tỏa các giá trị đó. 

Tiên phong – Hội đồng Anh tiên phong trong khai phá các lĩnh vực mới, chẳng hạn như việc đưa khái niệm doanh nghiệp xã hội, khái niệm công dân toàn cầu, khái niệm công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa vào Việt Nam.

Bền vững, xuyên suốt – Hội đồng Anh luôn hỗ trợ phát triển các ưu tiên của Việt Nam đồng thời quảng bá các thành tựu của Anh tốt nhất, và luôn để lại nền tảng bền vững để các đối tác tiếp tục duy trì phát triển vì lợi ích dài lâu. Tên, dự án và các chương trình có thể khác nhau, nhưng đối tượng hưởng lợi thì xuyên suốt, ví dụ dành cho giới trẻ, Hội đồng Anh có các chương trình nâng cao năng lực, đào tạo, quản trị, phát triển cá nhân, báo chí truyền thông, doanh nghiệp xã hội và phát triển ngành công nghiệp sáng tạo; Với nhóm giảng viên, các nhà nghiên cứu thì có các chương trình trao đổi hợp tác nghiên cứu giữa các trường và cơ sở nghiên cứu Exchange Programme, High Education Links, Quỹ Newton.

Tính kết nối vì lợi ích chung – Hội đồng Anh là cầu nối các tổ chức với nhau, từ các cơ quan ban ngành, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm đối tượng của Việt Nam, Vương quốc Anh và các nước khác. Sự tham gia chia sẻ, kết nối, đóng góp của đa dạng các đối tượng khác nhau luôn được khuyến khích. Chính vì vậy mà chương trình của Hội đồng Anh luôn đem lại lợi ích rộng rãi, không chỉ phục vụ cho riêng một nhóm đối tượng.

Sự tin tưởng – Khi xây dựng được niềm tin với đối tác Việt Nam thì Hội đồng Anh sẽ nhận được sự hỗ trợ, coi trọng, ủng hộ tích cực từ phía đối tác, có được điều đó là từ thái độ tâm huyết, sự chuyên nghiệp của nhân viên, từ sự minh bạch của tổ chức đến các cam kết hành động vì lợi ích chung. Và đặc thù của Hội đồng Anh là các chương trình không có nhiều kinh phí, vì thế để thực hiện chương trình cần có sự cam kết và chia sẻ nguồn lực của các bên. Sự tin tưởng và chia sẻ trách nhiệm giữa các đối tác do đó rất quan trọng.

Tính bình đẳng, đa dạng và bao trùm – Hội đồng Anh luôn lồng ghép, khuyến khích sự tham gia đồng đều về giới tính, sự tham gia của các nhóm yếu thế như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, nhóm những người đồng tính, song tính và hoán tính (LGBT) trong các chương trình. Hội đồng Anh luôn mở rộng cơ hội cho mọi người, tin rằng ai cũng có tiềm năng nhất định, nếu có mong muốn, có quyết tâm và có cơ hội phù hợp họ nhất định sẽ tỏa sáng. 

Yếu tố môi trường – Các chương trình luôn cố gắng khuyến khích hành xử tốt với môi trường, hạn chế tối đa tác hại.

Lắng nghe nhu cầu – Đa số chương trình của Hội đồng Anh đều được xây dựng hài hòa dựa trên nhu cầu, sự tôn trọng các quan điểm đa dạng và sự song hành cùng đối tác để tối đa hóa lợi ích chung chứ không theo một khuôn mẫu nhất định.

Nâng cao năng lực bền vững – Mong muốn của Hội đồng Anh là các kết quả, thành tựu của các chương trình sẽ luôn được duy trì và phát triển ở các cá nhân, tổ chức được hưởng lợi từ dự án và Hội đồng Anh đã rất thành công trong việc hiện thực hóa các mong muốn này.

Trong “bầu khí quyển” gia đình toàn cầu 

Chị Bảo cũng chia sẻ rằng trong nội bộ tổ chức Hội đồng Anh, những giá trị tốt đẹp cũng được thể hiện, từ những ngày đầu mới thành lập cho đến nay. Chị nói rằng Hội đồng Anh giống như một gia đình toàn cầu. 

Cởi mở, cùng lắng nghe và tôn trọng – Những ngày đầu của một cơ quan nước ngoài ở Việt Nam rất khác so với bây giờ. Mọi người ít biết về Việt Nam và ngược lại. May mà có văn hóa cởi mở để hai bên chia sẻ lắng nghe lẫn nhau. Thế mạnh của Anh là xây dựng thể chế hệ thống, còn Việt Nam có khả năng ứng biến cao. Các nhân viên Việt Nam phải đảm nhận vai trò đại sứ: giúp phía Việt Nam hiểu được giá trị từ Vương quốc Anh, tạo lợi ích cho hai bên. Vai trò đại sứ ấy đã và đang được thực hiện rất tốt, nhờ vào sự cân bằng giá trị của hai đất nước và sự cân bằng ấy được tạo nên từ nhiều yếu tố như sự ham học hỏi của nhân viên, sự hiểu biết, năng động, tôn trọng giá trị cá nhân của các lãnh đạo. Nhưng trên tất cả, vì mọi người đều ở trong một môi trường cởi mở, tin tưởng và thẳng thắn, nên cùng đạt kết quả rất tốt trong công việc. 

Hỗ trợ từ gia đình toàn cầu – Ví dụ khi mình làm một lĩnh vực, thì cũng có những đồng nghiệp làm lĩnh vực đó ở các nước khác, như chương trình về giới trẻ, chương trình Doanh nghiệp xã hội được triển khai ở vài chục nước trên thế giới, thì khi mình đi gặp gỡ và học hỏi, mình thấy mình ở trong mối quan hệ đa phương, kiến thức không đơn thuần từ Việt Nam và Vương quốc Anh mà được thu nhận từ nhiều nước. Khi mình có khó khăn vướng mắc trong triển khai chương trình thì mình có thể kêu gọi giúp đỡ ở khu vực và quốc tế”. 

Sự trao quyền – Khi đã là tổ chức toàn cầu, thì Hội đồng Anh định hình tầm nhìn chiến lược rất sắc nét, từ đó họ trao quyền cho nhân viên Việt Nam áp dụng linh hoạt tầm nhìn ấy vào điều kiện Việt Nam sao cho tốt nhất cho lợi ích hai quốc gia, Việt Nam và Vương quốc Anh. 

Khả năng đóng góp – Mình làm việc không đơn thuần vì trách nhiệm công việc mà mình thực sự vui vì mình có khả năng và được đóng góp. Có những đợt mình làm việc thâu đêm suốt sáng, có đợt mình đi khảo sát cả tháng cho chương trình VTTN (Vietnam English Teacher and Trainer Network – Chương trình nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh cấp trung học phổ thông tại Việt Nam do Hội đồng Anh và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam thực hiện), mỗi ngày mình đi một tỉnh, nhưng mình không thấy mệt mỏi, mình chỉ mong làm sao khảo sát đánh giá cho thật khách quan để càng nhiều giáo viên được tham gia chương trình thì càng tốt. 

Sự cân bằng công việc và cuộc sống – Nét văn hóa đặc trưng của Hội đồng Anh, có lẽ là một yếu tố quan trọng níu giữ chị ở lại tổ chức, đó là văn hóa mà mọi người luôn tôn trọng sở thích, lối sống cá nhân và góc nhìn của từng người, nên quan hệ rất hài hòa, vì thế giúp cho từng cá nhân dung hòa giữa nhu cầu giải trí, tận hưởng cuộc sống và công việc, dù có lúc áp lực cũng như khối lượng công việc là rất lớn.

Nhờ những giá trị nhân văn được xây dựng, duy trì và phát triển suốt 25 năm qua, chị Cao Thị Ngọc Bảo và các nhân viên Hội đồng Anh được thay đổi tích cực, được khuyến khích học hỏi kiến thức mới, được thấy mình lớn lên từng ngày, được đóng góp cho sự tiến bộ xã hội. “Mình thấy tự hào về những bước phát triển ấy”, chị Bảo nói với đôi mắt sáng. Một cách tự nhiên, chị và các nhân viên Hội đồng Anh tại Việt Nam đang là nguồn cảm hứng lan tỏa trong tất cả các chương trình dự án của Hội đồng Anh, trong gia đình và cộng đồng của mình.

“Với Hội đồng Anh mình được chứng kiến sự tiến bộ, cởi mở dần lên của xã hội.”