©

British Council

Những dự án tuyệt vời, sự kiện mở rộng văn phòng, người Việt trong đội ngũ quản lý cấp cao, những dấu ấn văn hóa tươi đẹp (có cả sự hài hước) – là những điểm nhấn trong quãng thời gian bốn năm mà cựu giám đốc Hội đồng Anh David Cordingley làm việc ở Việt Nam.

Hồi đó, sau khi kết thúc một công việc ở châu Phi, tôi đã chuyển tới Việt Nam để đảm nhận vị trí Giám đốc Hội đồng Anh vào tháng Sáu năm 2000 – mở đầu của một thiên niên kỷ mới, ở một châu lục mới và với một công việc mới. Ngày đầu tiên tới văn phòng, tôi đã thực sự bị ‘ngợp’ bởi một thực tế có lẽ phải có tới hơn 90 phần trăm đồng nghiệp trong văn phòng là nữ, còn trẻ, và dường như hầu hết trong số đó đang có bầu (có lẽ tôi cũng có hơi nói quá lên một chút!). Điều này hóa ra lại chỉ là một phép nói ẩn dụ và khái quát hóa lên đối với Hội đồng Anh tại Việt Nam mà thôi khi mà đó là: một ban giám đốc trẻ trung, năng động và cởi mở. Việt Nam được biết tới là quốc gia đã bị cấm vận quốc tế trong nhiều năm liền, và để xây dựng những mối quan hệ mới và bền vững với Vương quốc Anh (quốc gia mà, dĩ nhiên, trước đó chưa bao giờ là đối tác truyền thống của nhau), đó thực sự là một thách thức lý thú. 

Chúng tôi đã thực hiện được những dự án tuyệt vời. Thời điểm đó, nhu cầu học tiếng Anh ở Việt Nam đã khá hiện hữu và các trung tâm giảng dạy ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cùng ban Khảo thí của chúng tôi đã thực sự phải gồng mình để đáp ứng những nhu cầu đó, đặc biệt sau khi chúng tôi có được giấy phép chính thức để mở những lớp học có thu học phí. Với Chương trình Tiếng Anh cho cán bộ cấp cao (ESOP), các giáo viên của chúng tôi đã cho thấy sự nhiệt huyết của mình đối với một chương trình tuyệt vời do chính phủ Anh tài trợ và Hội đồng Anh thực hiện tại Việt Nam - một dự án trọng điểm đã bước đầu góp phần kết nối và thiết lập một tình hữu nghị lâu dài giữa hai quốc gia. Tôi nhớ rõ lần tham dự buổi lễ tốt nghiệp của một khóa đào tạo cán bộ bao gồm các sĩ quan quân đội, vào một buổi sáng sớm và chia sẻ một ly Bia Hà Nội ấm áp vào 8h30 với đại tá phụ trách. (Khá sớm đối với tôi, tuy nhiên đó là công việc). Trong lĩnh vực Nghệ thuật, việc hợp tác với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam (VNSO), được dẫn dắt bởi giáo sư Colin Metters và Giám đốc Nghệ thuật của chúng tôi Graham Sucliffe đã thực sự là một sự kiện mang tính đột phá thời điểm lúc bấy giờ. Chúng tôi đã có những buổi tối rất tuyệt vời tại Nhà hát lớn Hà Nội. 

Chúng tôi cũng đã thực hiện thành công việc mở rộng văn phòng. Khi tới Hà Nội, văn phòng của chúng tôi nằm ở con phố Cao Bá Quát, ở khu vực khá trũng của Hà Nội vốn đã nổi tiếng ngập lụt mỗi mùa mưa tới. Trong những ngày đầu khi tới đây, tôi đã từng phải sử dụng tới xích lô để làm ‘phà’ di chuyển qua những chỗ ngập nước khi chiếc xe ô tô của tôi không thể đi tiếp, để tới được văn phòng của mình – Tôi nghĩ rằng mực nước sau đó cũng đã rút vào cuối ngày. Tất cả chúng tôi đều rất vui khi chuyển tới văn phòng mới, rộng hơn và là một cơ sở phù hợp hơn, là một phần bên cạnh của khách sạn Horison ở phố Cát Linh, nơi mà các ban chương trình của chúng tôi từ giảng dạy tiếng Anh, khảo thí, nghệ thuật và giáo dục đều có một không gian hợp lý để làm việc. Trung tâm thông tin luôn là điểm đến của nhiều bạn trẻ Việt Nam lúc bấy giờ với mong muốn mở mang chân trời kiến thức của mình. Ở thành phố Hồ Chí Minh, văn phòng của chúng tôi cũng được chuyển tới nằm ở một bên khuôn viên của Lãnh sự quán Anh, là một cơ sở mới rất tuyệt vời. 

Tuy nhiên, với tôi, ấn tượng thực sự sâu sắc trong khoảng thời gian tôi ở Việt Nam là chứng kiến sự phát triển một cách đầy tự tin và vững vàng trong công việc của đội ngũ nhân viên của mình. Chúng tôi đã cơ cấu để có cả các vị trí người Việt trong đội ngũ quản lý cấp cao – ngày nay được coi là hết sức bình thường – nhưng thời kỳ đó có thể coi là mang tính đột phá. Thực sự rất xứng đáng khi chứng kiến các đồng nghiệp – mới đầu còn bỡ ngỡ, rụt rè, khi nhận một nhiệm vụ mới – thì nay đã thực hiện công việc đó một cách thành thạo. 

Patricia, Timothy và tôi có những ký ức rất đẹp về những dịp Tết, khi mà chúng tôi cùng nhau tổ chức đón Tết Việt Nam, được mời tới nhà của các đồng nghiệp nơi mà chúng tôi có thể nhận thấy rõ sự nồng hậu và hiếu khách. Một cơ quan tuyệt vời, những món ăn ngon, và – tôi cũng không còn nhớ chính xác lắm – chắc chắn không thể thiếu những đồ uống theo mùa! Tết ở Anh – không phải chỉ là thiếu hình ảnh của cây quất – mà đơn giản chỉ là không thể giống được như vậy mà thôi. 

"Chúng tôi quay trở về London vào tháng Sáu năm 2014 và sau đó tiếp tục chuyển tới Brazil rồi tới Nam Phi, tuy nhiên, trong hành trình đó tôi đã không bao giờ còn gặp lại bất cứ thứ gì có thể giống với sự háo hức cũng như tốc độ phát triển của Việt Nam mà tôi đã từng biết. Tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới Hội đồng Anh tại Việt Nam trong 25 năm tới."