©

British Council

Trung tâm Sáng tạo xã hội và Khởi nghiệp (CSIE) thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc dân là tổ chức đầu tiên thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo vì xã hội trong các trường đại học của Việt Nam. Phó Giáo sư,Tiến sĩ Trương Thị Nam Thắng, Giám đốc Trung tâm, đề cao vai trò của Hội đồng Anh trong việc thành lập và thúc đẩy kết nối để trung tâm phát triển lớn mạnh, trở thành một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. 

CSIE được thành lập chính là nhờ sự thúc đẩy và hỗ trợ kỹ thuật, tài chính từ Hội đồng Anh – PGS. Nam Thắng cho biết. Khi mô hình doanh nghiệp xã hội (DNXH) của Anh được đưa đến với Đại học Kinh tế Quốc dân vào năm 2012, đó là khái niệm vẫn còn khá mới ở Việt Nam. Hội đồng Anh tích cực hỗ trợ, nâng cao năng lực, tổ chức hội thảo và các chuyến tham quan sang Vương quốc Anh, vận động đưa khái niệm này vào chương trình đào tạo. Bị cuốn hút bởi lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy mới, PGS. Nam Thắng đã đồng hành với Hội đồng Anh ngay từ những ngày đầu tiên để gieo vào các doanh nhân, nhà quản lý kinh tế tương lai một tinh thần khởi nghiệp vì cộng đồng. Và đến tháng 4 năm 2017, với sự ủng hộ của lãnh đạo trường, CSIE ra đời với ba mảng hoạt động là nghiên cứu, giáo dục, ươm tạo tinh thần kinh doanh vì xã hội trong giới trẻ.

Mới thành lập được hơn một năm, nhưng CSIE lớn mạnh rõ rệt nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của Hội đồng Anh cả về tài chính và nâng cao năng lực. Với uy tín của mình, Hội đồng Anh đã đem đến nhiều cơ hội khi kết nối CSIE với các trường đại học lớn ở Vương quốc Anh, Pháp, Mỹ, Canada..., các DNXH ở Anh, nhiều nước khác và các đối tác hàng đầu như UNDP. Quan hệ đối tác chiến lược giữa Viện Sáng tạo và Tác động Xã hội (ISII), Đại học Northampton và CSIE là một minh chứng của hợp tác Anh–Việt. CSIE và ISII trong hơn một năm vừa qua và các năm tiếp theo liên tục cùng nhau thực hiện nghiên cứu quốc gia về DNXH, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh viên DNXH, trao đổi nghiên cứu viên, mở ra Impact Hub (trung tâm ươm tạo khởi nghiệp tạo tác động) đầu tiên ở Việt Nam, sắp tới sẽ là cùng mở chương trình đào tạo thạc sỹ về sáng tạo xã hội. Nhà trường và Hội đồng Anh ký kết thỏa thuận hàng năm tổ chức hội thảo quốc tế về DNXH và sáng tạo xã hội, nơi các học giả Việt Nam tiếp cận được các học giả và doanh nghiệp quốc tế, và quy mô của hội thảo mỗi năm một rộng hơn.

Với sự đồng hành của Hội đồng Anh, CSIE đang dần lan tỏa diện rộng tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo xã hội trong giới trẻ. Trong hơn một năm hoạt động của mình, CSIE đã tổ chức đào tạo 25 giảng viên nguồn về sáng tạo xã hội trên toàn quốc, một số người được gửi đi học ở Anh hoặc trong khu vực, 25 giảng viên nguồn này tiếp tục đào tạo lại cho 300 sinh viên, doanh nhân xã hội trẻ. Cuộc thi “Thử thách Thanh niên Việt Nam vì Sáng tạo Xã hội” do CSIE đồng tổ chức với Hội đồng Anh vào nửa đầu năm 2018 đã thu hút 15 đối tác trong nước và quốc tế cùng hàng trăm bạn trẻ tham gia với hơn 100 đề xuất sáng kiến khởi nghiệp xã hội, là cuộc thi lớn nhất ở Việt Nam trong lĩnh vực này.

PGS. Nam Thắng khẳng định: Tất cả những hoạt động nói trên đã khiến CSIE trở thành yếu tố định vị thương hiệu rất tốt cho Đại học Kinh tế Quốc dân, nhắc tới CSIE là nhắc tới trường và ngược lại. Trường đi tiên phong và chia sẻ cơ hội hợp tác với nhiều trường đại học khác trong nước, để họ được tham gia mảng sáng tạo xã hội, nâng cao năng lực cho trường và đem lại nhiều cơ hội cho sinh viên. Nhiều cơ hội hợp tác đã đến với CSIE và nhà trường với Bộ giáo dục và đào tạo và Bộ Khoa học công nghệ và môi trường thông qua Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 - gọi tắt là Chương trình 1665 và đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 – gọi tắt là Đề án 844 của chính phủ Việt Nam.

Nhiều cơ hội cũng đến với cá nhân PGS. Nam Thắng. Chị trở thành thành viên ban cố vấn cho Bộ Giáo dục Đào tạo trong Chương trình 1665 về hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, thành viên ban cố vấn của Hội đồng Anh khu vực Đông Nam Á trong chương trình thúc đẩy DNXH phát triển 2018-2021. “Tôi muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, để ngày nào đó, DNXH không còn là lựa chọn nữa, mà là việc phải làm, giống như khái niệm phát triển bền vững bây giờ”, chị Thắng nói.

Có thể thấy, Hội đồng Anh đã rất thành công trong việc tìm được và đồng hành với những người như chị Thắng - những nhân tố tâm huyết và có khả năng lãnh đạo để thành những đối tác hàng đầu về DNXH ở Việt Nam.

Được tiếp cận các nguồn lực của Vương quốc Anh và khu vực Đông Nam Á, CSIE đang phát triển mạnh mẽ để chắp cánh cho giới trẻ. Chị Thắng tin tưởng, trong một tương lai không xa, giấc mơ của chị về việc DNXH đóng góp 1 phần trăm GDP ở Việt Nam sẽ thành sự thật.