©

British Council

Trong xưởng sản xuất nhỏ của công ty Kym Việt, những người khuyết tật đang cặm cụi lao động. Dưới bàn tay họ, những sản phẩm như thú nhồi, gối kê cổ bằng vải…dần hiện lên rất đáng yêu và có hồn. Những sản phẩm ấy giúp họ có thu nhập đều đặn, có bảo hiểm như mọi lao động bình thường khác. Đặc biệt hơn, từ ngày đầu thành lập, họ có sự hỗ trợ và đồng hành của Hội đồng Anh cả về năng lực quản lý kinh doanh và sự ủng hộ về tinh thần. Điều đó rất quan trọng đối với sự thành công ngày hôm nay của Kym Việt.

Kym Việt do ba người khuyết tật là Phạm Việt Hoài, Lê Việt Cường và Nguyễn Đức Minh lập nên vào cuối tháng 12 năm 2013. Một cách kiêu hãnh và tự hào, ngay từ đầu ba người đã xác định lập ra một “công ty bình thường”, làm sao đưa ra thị trường sản phẩm tốt được khách hàng yêu thích, chứ không “lấy cái khuyết tật của mình để xin người mua”. 

Với một công ty như vậy, việc tồn tại không dễ. Nhưng rồi, Hội đồng Anh đã đồng hành với Kym Việt gần như ngay từ ngày đầu thành lập thông qua các khóa đào tạo và hội thảo về năng lực quản lý dành cho doanh nghiệp xã hội do Hội đồng Anh tổ chức, bên cạnh đó là sự ủng hộ về tinh thần của các chuyên gia cũng như các cán bộ chương trình ở Hội đồng Anh. 

Khi Hội đồng Anh xuống xưởng thăm Kym Việt năm 2014, lúc đó trụ sở kiêm xưởng sản xuất là hai phòng trọ sinh viên hơn 10 mét vuông, với hai công nhân, hai máy khâu, một máy vắt sổ, một bàn là “không chuyên” mang đi từ nhà. Công ty vận hành khá tùy tiện, không có quy trình chuyên nghiệp. 

Anh Phạm Việt Hoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kym Việt nói rằng những khóa đào tạo với Hội đồng Anh đã giúp chuyên nghiệp hóa công ty: “Giờ thì công ty đã có quy trình, ví dụ như có một đơn hàng nào đó, thì mọi người sẽ biết ai là người đi lấy vải, sau đó đưa cho người nào ép mếch, xong chuyển cho cắt, xong chuyển cho may… một cách tự động. Ngày xưa thì không chuyên, mạnh ai nấy làm, mất thời gian, chất lượng không cao, tính chuyên nghiệp thấp…”

Được chuyên nghiệp hóa, dần dần Kym Việt phát triển hơn, từ phòng trọ sinh viên chuyển sang căn nhà cấp 4 rộng khoảng 50 mét, có cái sân nho nhỏ. Năm 2015 có thêm đơn đặt hàng, Kym Việt chuyển sang xưởng mới, số lượng nhân viên khoảng bẩy, tám người. Cuối 2015 Kym Việt chuyển về trụ sở hiện tại, căn nhà bốn tầng có kho, có xưởng, có phòng nghỉ cho các nhân viên, số lượng người làm lên đến 18. 

Nhờ sự “chuẩn hóa”, Kym Việt vào năm 2015 đã có được “tem Quacert” gắn trên các sản phẩm – như một minh chứng sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam bởi Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng. Và nhờ có “tem” này, Kym Việt bắt đầu có đơn đặt hàng từ khách hàng lớn hơn, nhiều đơn hàng hơn trước. Ba nhà sáng lập ngày xưa chỉ có kênh chính là bán hàng hội chợ, hàng có khi bán được 500 ngàn nhưng ăn uống còn tốn hơn tiền hàng. Sau đó năng suất tăng dần lên. Khách hàng cũng lớn dần, từ các shop bán đồ lưu niệm cho đến các công ty lớn như Bibo Mart, Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Thăng Long… 

Kym Việt bây giờ đã “không lo phải chạy ăn từng bữa”, các nhân viên của công ty đã có thể tự nuôi bản thân với thu nhập trung bình là 3,5 triệu/tháng/người chưa kể hỗ trợ xăng xe, vé xe buýt, ăn trưa tại công ty. Và một thành công khác không kém phần quan trọng của Kym Việt, là giúp thay đổi định kiến không chỉ của xã hội về sự đóng góp của người khuyết tật mà còn của chính bản thân người khuyết tật về khả năng của mình. “Phần lớn các bạn vào xưởng anh, lúc đầu đôi khi không cố gắng. Nhưng làm ở đây thì phải khác, phải lao động thực sự. Cho đến lúc này thì các gia đình đều thấy con em mình có sự thay đổi cả về tư duy, về hành động”, anh Phạm Việt Hoài nói.

Năm 2016, Kym Việt được Hội đồng Anh trao tặng giải thưởng Doanh nghiệp Xã hội có Yếu tố hòa nhập cao. Và cho đến thời điểm này Kym Việt với Hội đồng Anh vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết. “Vừa rồi bà giám đốc Cherry về nước, bà ấy mời những người thân đến để chia tay, bà ấy mời Kym Việt tới dự”, anh Phạm Việt Hoài kể. 

Đội ngũ Kym Việt bây giờ bên cạnh 18 lao động là ba nhà sáng lập, thủ kho và kế toán, tất cả 23 người đã và đang tạo lập, chia sẻ và thụ hưởng các giá trị của Kym Việt, và con số này sẽ còn tăng hơn nữa trong tương lai.