Trong hai ngày 7 và 8 tháng Năm tại Hà Nội, Hội đồng Anh phối hợp cùng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hai hội thảo về Vai trò của Hội đồng Kỹ năng ngành trong việc phát triển kỹ năng theo nhu cầu sử dụng lao động và Xây dựng mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng tại các trường nghề và công cụ thực hiện.
Hội thảo về bảo đảm chất lượng là một hoạt động nằm trong Biên bản Ghi nhớ giữa Hội đồng Anh và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc hỗ trợ các trường cao đẳng nghề xây dựng hệ thống khung bảo đảm chất lượng dựa trên kinh nghiệm từ Vương quốc Anh. Trong khi đó, hội thảo giới thiệu về Hội đồng Kỹ năng ngành là một hoạt động của Hội đồng Anh hỗ trợ Tổng cục Dạy nghề và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong mục tiêu liên kết các doanh nghiệp nhằm thiết lập Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Quốc gia.
Hội thảo có sự tham dự của Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Cao Văn Sâm và Tiến sỹ Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề. Sự mới mẻ của mô hình Hội đồng Kỹ năng ngành và những lợi ích đã được chứng minh của mô hình này đã giúp hội thảo thu hút được sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề trong nước như Rolls-Royce Việt Nam, Viglacera, Hanel, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, VCCI, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhiều doanh nghiệp khác.
Việc nâng cao chất lượng lao động là yếu tố quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững; đây cũng là vấn đề sẽ được đề cập trong Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam do Hội đồng Anh và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức ngày 14 tháng Năm.
Bà Cherry Gough, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam nói: “Hội đồng Anh rất vinh dự được tham gia hợp tác vì sự phát triển đào tạo nghề tại Việt Nam thông qua việc chia sẻ những kinh nghiệm và điển hình tốt từ Vương quốc Anh.
“Hội thảo về xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng trong đào tạo nghề là cơ hội để các nhà giáo dục Việt Nam và Anh cùng xem xét những cách thức mà Vương quốc Anh đang tiếp cận, những công cụ và hệ thống phát triển và duy trì các tiêu chuẩn chất lượng có thể áp dụng phù hợp cho Việt Nam. Quan trọng hơn, hội thảo sẽ mở ra những cánh cửa cho sự hợp tác tiềm năng giữa các cơ sở đào tạo nghề ở hai quốc gia để cùng thực hiện những ý tưởng chung.
"Chúng tôi cũng rất hào hứng được lắng nghe kinh nghiệm từ Vương quốc Anh trong việc gắn kết bên sử dụng lao động và Hội đồng kỹ năng ngành với khâu thiết kế, cung cấp và sát hạch đào tạo kỹ năng nghề, do tổ chức Proskills và Energy & Utility Skills (EU Skills) giới thiệu. Chúng tôi hi vọng hội thảo sẽ khơi gợi nhiều ý tưởng hợp tác mới mẻ nhằm mục đích đào tạo hiệu quả hơn trong các lĩnh vực nghề tại Việt Nam.”
Hội đồng Kỹ năng ngành – Tương lai của đào tạo nghề nhìn từ phía doanh nghiệp
Hội đồng kỹ năng ngành, một khái niệm mới mẻ tại Việt Nam, đã trở nên rõ ràng và cụ thể hơn qua phần trình bày của hai chuyên gia Neil Robertson, Giám đốc điều hành Hội đồng Kỹ năng ngành Năng lượng (EU SKills) và ông Jonathan Ledger, Giám đốc điều hành ProSkills, Hội đồng Kỹ năng ngành Vật liệu và Chế tạo.
Hội đồng Kỹ năng ngành là những tổ chức do doanh nghiệp lãnh đạo, giúp thu hút tài năng, phát triển lực lượng lao động và bảo đảm chất lượng lao động luôn được giữ ở mức cao trong các doanh nghiệp thành viên. Tại Vương quốc Anh, Hội đồng Kỹ năng ngành có thể cung cấp giải pháp tổng thể về nhân lực cho doanh nghiệp từ tuyển dụng lao động có kỹ năng mà doanh nghiệp cần cho đến phát triển những chương trình Thực tập hay Học việc (Apprenticeship).
Tính chuyên nghiệp của Hội đồng Kỹ năng ngành đã được minh họa qua một ví dụ cụ thể của ông Neil Robertson. Theo đó, hiện Hội đồng Kỹ năng ngành Năng lượng (EU Skills) đã phát triển hệ thống Đăng ký Kỹ năng ngành (Skills Register); đây là nơi lưu giữ 163.000 hồ sơ cá nhân và hơn 1,1 triệu hồ sơ tay nghề. Các cá nhân đăng ký trên Skills Register có mã số kỹ năng và trình độ được chứng nhận bởi Hội đồng Kỹ năng ngành. Từ đó, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng hơn khi tìm kiếm nhân lực có tay nghề phù hợp và người lao động giới thiệu hồ sơ một cách trực tiếp và hiệu quả.
Ông Jonathan Ledger, Giám đốc điều hành ProSkills nói về LMI (Labour Market Intelligence) – Thông tin chiến lược về Thị trường Lao động. LMI là một cách tiếp cận chủ động của Hội đồng Kỹ năng ngành tại Vương quốc Anh. The đó, thông tin về thị trường lao động được thu thập và phân tích để đưa ra những dự báo chính xác về sự thiếu hụt lao động có kỹ năng trong tương lai. Từ dự báo này, các doanh nghiệp sẽ có kế hoạch tuyển dụng và đào tạo, giảm thiểu chi phí chuẩn bị nhân lực.
Bảo đảm Chất lượng Đào tạo nghề - Tương lai của Đào tạo nghề nhìn từ nhà trường
Cuộc hội thảo ngày 7 tháng Năm lại mang đến một góc nhìn khác về tương lai đào tạo nghề khi đại diện đến từ ba trường Cao đẳng Nghề Vương quốc Anh Colege Y Cymoedd, West College Scotland và Highbury College trình bày những công cụ và nghiên cứu điển hình về bảo đảm chất lượng. Quan trọng hơn, những kinh nghiệm này được trình bày sau khi ba trường tiến hành khảo sát thực tế tại chín trường nghề Việt Nam vào tháng Hai năm nay.
Kết quả khảo sát được trình bày trong hội thảo đều không mới với người nghe Việt Nam khi đưa ra nhận định các trường nghề được khảo sát chưa có những công cụ hữu hiệu để thực hiện công tác bảo đảm chất lượng, quy trình không đồng bộ, người học chưa được đặt ở vị trí trung tâm, giáo viên gặp khó khăn trong việc cập nhật kỹ năng mới trong các ngành nghề, hay giáo viên được tuyển dụng chưa có kinh nghiệm làm việc trong ngành họ giảng dạy. Với kết quả khảo sát này, các mô hình bảo đảm chất lượng của ba trường đào tạo nghề Vương quốc Anh mang lại cách tiếp cận hữu ích.
Cao đẳng West College Scotland có mô hình Giảng viên Phát triển Chuyên môn – đây là người có trách nhiệm khuyến khích chia sẻ chuyên môn giữa các giảng viên trong trường, và hỗ trợ nâng cao chuyên ngành cho đội ngũ giảng dạy. West College còn có Điều phối Sinh viên với vai trò lựa chọn và tập huấn cho đại diện của mỗi lớp học để từ những đại diện này, phản hồi của sinh viên được ghi nhận đầy đủ và hệ thống nhất.
Trường Y Cymoedd nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ với doanh nghiệp. Trường có đại diện của doanh nghiệp ngồi trong ban lãnh đạo, nói lên nhu cầu của doanh nghiệp khi đánh giá chất lượng đào tạo và điều chỉnh chương trình giảng dạy. Ngược lại, trường cũng có hai vị trí nhân sự đặc biệt: Chuyên viên phụ trách Doanh nghiệp và Chuyên viên phụ trách Cơ hội thực tập cho sinh viên – đây là những người sẽ giữ mối liên hệ mật thiết với các doanh nghiệp để ghi nhận những nhu cầu về tay nghề của doanh nghiệp, đánh giá về kỹ năng của sinh viên thực tập và nắm bắt cơ hội thực tập cho sinh viên.
Quan trọng hơn, các trường đều nhấn mạnh chữ “địa phương” trong công tác đào tạo của mình. Họ tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp địa phương để giúp các doanh nghiệp đó phát triển và tạo ra công ăn việc làm tại chỗ cho nhân công tại địa phương. Đây cũng là một điểm nhấn thú vị, đánh trúng vào một trong những mục tiêu và vấn đề lớn trong vấn đề lao động và việc làm tại Việt Nam.