Thứ Năm 03 Tháng Chín 2020

 

Tiền thân từ Hội thảo Quốc tế về Tin học, Quản lý và Viễn thông (ComManTel), Hội thảo quốc tế về Công nghệ tiên tiến trong Xử lý tín hiệu, viễn thông và điện toán (SigTelCom) hướng tới một diễn đàn giao lưu học thuật hàng đầu nhằm trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu tiên tiến nhất về các lĩnh vực trên.

Hội thảo quốc tế lần thứ tư về Công nghệ tiên tiến trong Xử lý tín hiệu, viễn thông và điện toán (SigTelCom2020) sẽ tiếp nối chuỗi hội thảo thường niên mà trước đó đã từng được tổ chức tại Đà Nẵng (2017), thành phố Hồ Chí Minh (2018) và Hà Nội (2019). SigTelCom2020 được tài trợ kỹ thuật bởi Viện Kỹ thuật Điện - Điện tử (IEEE) và IEEE Việt Nam; và được tài trợ tài chính bởi Quỹ Newton, Vương quốc Anh và do Hội đồng Anh triển khai. Hội thảo sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Thủy lợi. 

Sự kiện lễ khai mạc và phiên toàn thể của Hội thảo đã diễn ra vào

  • Thời gian: Sáng ngày 28 tháng 8 năm 2020 
  • Địa điểm: Phòng 225 nhà A2, Trường Đại học Thủy lợi, 175 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội 

Hội thảo SigTelCom2020 rất vinh dự có được sự tham gia của ba diễn giả chính, những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực xử lý tín hiệu, viễn thông và điện toán: Giáo sư Nguyễn Đức Hòa (Đại học Bách Khoa Hà Nội, Việt Nam), Phó giáo sư Lê Minh Hòa (Đại học Northumbria, Vương quốc Anh) và Tiến sĩ Antonino Masaracchia (Đại học Queen’s Belfast, Vương quốc Anh). Năm nay, hội thảo thu hút hơn 50 tác giả đến từ 15 quốc gia tham dự.  Mỗi bài báo của mỗi tác giả được đánh giá bởi ít nhất ba chuyên gia được chọn từ 295 thành viên của Ủy ban Chương trình Kỹ thuật từ các học viện, phòng thí nghiệm và các ngành công nghiệp. Sau khi xét duyệt cẩn thận, Ủy ban Chương trình Kỹ thuật của SigTelCom2020 đã lựa chọn 21 bài báo chất lượng để trình bày tại hội thảo và xuất bản trong Kỷ yếu của hội thảo. 

Nội dung của hội thảo năm nay hướng đến các vấn đề mang tính thời sự về lý thuyết, thuật toán và ứng dụng để xử lý tín hiệu, viễn thông và điện toán với chủ đề Internet kết nối vạn vật và mạng truyền thông 5G phòng chống thảm họa thiên nhiên và suy thoái môi trường. Hội thảo bao gồm bốn nhóm chuyên ngành chính:

  • Hệ thống điện tử và điều khiển (Electronics and Control Systems);
  • Công nghệ bảo mật, riêng tư và điện toán (Security, privacy & computing technologies);
  • Hệ thống và mạng lưới liên lạc viễn thông (Telecommun. Systems and Networks);
  • Kỹ thuật phần mềm, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng (Software Engineering, AI & Applications)

Bà Donna McGowan, Giám đốc Quốc Gia của Hội đồng Anh tại Việt Nam nhấn mạnh: ‘Trong vai trò là một quốc gia đi đầu trong khoa học và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, Vương quốc Anh đặt hợp tác quốc tế là một trong những ưu tiên của mình bởi tầm quan trọng của việc chia sẻ chuyên môn với các nước đối tác và đồng thời học hỏi từ các bên và tận dụng các nguồn lực quốc tế để mang đến những thay đổi bền vững trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó tạo nên lợi ích cho người dân và xã hội.’ Bà cũng tin rằng hội thảo đã, đang và sẽ tiếp tục mang đến cơ hội đa dạng cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các tổ chức liên quan từ Vương quốc Anh, Việt Nam và trong khu vực để chia sẻ các kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm ở những lĩnh vực liên quan.

Hội thảo SigTelCom2020 kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh năm 2019, mở ra cơ hội nâng cao chất lượng nghiên cứu, đẩy mạnh cơ hội công bố quốc tế cho Việt Nam. Đây cũng là cơ hội quý giá cho quý vị đồng nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xử lý tín hiệu, viễn thông và điện toán trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và cập nhật các thông tin, kiến thức mới qua các Hội thảo chuyên đề. 

Thông tin liên hệ cho báo chí

Lê Mai Hạnh 
Quản lý Truyền thông
Hội đồng Anh
20 Thụy Khuê
Tây Hồ
Hà Nội
Việt Nam
T +84 (0)24 38436780 (ext.1957)
F +84 (0)24 38434962
hanh.le@britishcouncil.org.vn

Thông tin thêm về Hội đồng Anh

Hội đồng Anh là tổ chức văn hóa và giáo dục quốc tế của Vương quốc Anh. Chúng tôi hợp tác với hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, tiếng Anh, giáo dục và xã hội dân sự. Trong năm vừa qua, chúng tôi đã làm việc và tương tác trực tiếp với hơn 80 triệu người, đồng thời tương tác qua mạng, qua sóng phát thanh, truyền hình và ấn phẩm in với 791 triệu người. Chúng tôi có những đóng góp tích cực tại mỗi quốc gia nơi chúng tôi hoạt động và hợp tác – thay đổi cuộc sống thông qua việc kiến tạo cơ hội, xây dựng quan hệ và củng cố niềm tin. Được thành lập vào năm 1934, Hội đồng Anh là một tổ chức từ thiện hoạt động theo Hiến chương Anh và là một tổ chức công của Vương quốc Anh. Tài trợ đến từ chính phủ Anh chiếm 15 phần trăm ngân sách hoạt động của chúng tôi. www.britishcouncil.org

Giới thiệu về Quỹ Newton

Quỹ Newton xây dựng quan hệ đối tác giữa Vương quốc Anh và 17 quốc gia nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại các nước đối tác vì mục tiêu phát triển bền vững. Quỹ có tổng kinh phí 735 triệu Bảng từ Chính phủ Anh và nguồn đóng góp đối ứng từ các nước đối tác đến năm 2021.

Về phía Vương quốc Anh, Quỹ Newton do Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp (BEIS) quản lý và được 7 tổ chức chuyên môn, bao gồm Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Vương quốc Anh, các Viện Hàn lâm, Hội đồng Anh, và Cơ quan Khí tượng Anh triển khai trực tiếp. 

Mời xem thêm thông tin thêm về Quỹ Newton tại trang web www.newtonfund.ac.uk và Twitter: @NewtonFund.

Giới thiệu về Dự án

Dự án “Hướng tới giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng phục hồi trước các nguy cơ ven biển: Cách tiếp cận phân tích dữ liệu lớn” thuộc Chương trình Kết nối Xây dựng Môi trường nghiên cứu, ID số 527612186, trong khuôn khổ Chương trình Newton Việt Nam. Khoản tài trợ được cấp bởi Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Anh (BEIS) và do Hội đồng Anh triển khai.

Là một quốc gia ven biển, dân cư tập trung đông đúc ở những vùng đất thấp, Việt Nam nằm trong số năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là mực nước biển dâng và thảm họa ven biển, với quy mô và cường độ ngày càng tăng. Năm 2013, Việt Nam hứng chịu những trận lụt nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, ảnh hưởng đến hơn 10 triệu người dân duyên hải miền Trung (từ Huế đến Khánh Hòa). Trong các thảm họa thiên nhiên như thế này, cảnh báo sớm chính xác cho phép có đủ thời gian để tiến hành các hoạt động ứng phó phù hợp, và giảm thương tích, thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, các giải pháp khoa học và kỹ thuật trong cảnh báo sớm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Dự án này tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng chống chịu với thảm họa trong bối cảnh đang gia tăng thiên tai ở các khu vực ven biển dễ bị thảm họa ở Việt Nam, bằng cách đề xuất một mạng lưới viễn thông khẩn cấp phục vụ cho việc ứng phó thiên tai và được triển khai dựa trên các phân tích dựa dữ liệu lớn. Hệ thống được đề xuất có khả năng cải thiện độ chính xác của các dự đoán trong môi trường thay đổi linh hoạt và cho phép phản ứng nhanh trong điều kiện nguồn lực hạn chế tại các khu vực xảy ra thiên tai ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Hệ thống này hiện chưa được nghiên cứu và ứng dụng.

Dự án liên ngành này dựa trên tri thức từ các chuyên gia Vương quốc Anh (dữ liệu lớn, viễn thông ứng dụng trong quản lý thiên tai), và các nhà nghiên cứu Việt Nam (kỹ thuật môi trường thủy lực), các cơ quan chính phủ và các đối tác trong ngành liên quan. Dự án cũng triển khai các hoạt động để cải thiện kỹ năng nguồn nhân lực, cơ sở kiến thức nghiên cứu và giới thiệu các phân tích dữ liệu lớn và các công nghệ không dây mới nổi cho thị trường tại Việt Nam. Những hoạt động này sẽ thu hút đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực học thuật và công nghệ để thúc đẩy sự phát triển xã hội và phúc lợi xã hội. Chất lượng kiến thức và chuyển giao kỹ năng được đảm bảo thông qua đào tạo nâng cao năng lực. Sự tham gia trực tiếp với các bên liên quan và các cơ quan chính phủ khác nhau là một hoạt động nghiên cứu chính và sẽ đảm bảo kết quả dự án được khai thác triệt để tại Việt Nam.