Đây là dự án được triển khai thành công tại 10 quốc gia trên 3 châu lục. Dự án BridgeIT đầu tiên được Hội đồng Anh hợp tác với Nokia và Pearson Foudation thí điểm tại 10 trường có cơ sở vật chất khó khăn với sự tham gia của 20 giáo viên ở TP Hồ Chí Minh

Lễ ra mắt dự án

Dự án thí điểm được công bố vào ngày 25 tháng 1 tại trường tiểu học Lê Đình Chinh, quận 11, TP Hồ Chí Minh – một trong những trường cũng tham gia vào dự án. Sau đó Hội đồng Anh tiến hành 2 ngày tập huấn cho tất cả các giáo viên tham gia giúp trang bị cho họ các kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh để truy cập các tài liệu dạy và học chất lượng. Các tài liệu này được Hội đồng Anh thiết kế theo chương trình học quốc gia trên nền tảng NED (Nokia Education Delivery).

Nội dung dự án

Hội đồng Anh sẽ lựa chọn các tài liệu học tập phù hợp bao gồm các đoạn phim về bài hát, mẩu chuyện và ngữ pháp từ trang mạng Learn English Kids để lưu trữ trên máy chủ điện toán đám mây. Các giáo viên sử dụng phần mềm NED (được cài sẵn trong các điện thoại thông minh của Nokia), thông qua mạng 3G để tải các tài liệu giảng dạy về máy. Sau đó các giáo viên sẽ kết nối điện thoại với tivi hoặc máy chiếu để trình chiếu các tài liệu để hỗ trợ giảng dạy trên lớp. Với chức năng của công nghệ di động, các giáo viên và học sinh có thể khám phá các chương trình giáo dục hiện đại không phụ thuộc vào địa điểm của trường, mạng của trường và ngân sách dành cho các tài liệu giảng dạy của trường.

Thay vì hỗ trợ các môn Toán và Khoa học như ở Philippines và các nước khác, dự án thí điểm ở Việt Nam chú trọng giảng dạy tiếng Anh ở các trường tiểu học (từ lớp 3 đến lớp 5). Cách tiếp cận này phù hợp với mục tiêu chiến lược của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm ứng dụng công nghệ thông tin và các nguồn tài liệu số để nâng cao việc dạy và học tiếng Anh ở cả bậc tiểu học và trung học.

Quản lý và đánh giá dự án

Thành công của dự án được đánh giá bởi việc hoàn thành khóa tập huấn cho 20 giáo viên tiếng Anh được tuyển chọn, sự nhiệt tình và cam kết sử dụng điện thoại Nokia, phần mềm NED cũng như các tài liệu dạy và học của Hội đồng Anh. Các nghiên cứu độc lập được tiếp hành dựa trên các tiết học dự giờ, bảng hỏi nhận xét, bảng khảo sát thái độ và thảo luận nhóm tập trung.

Sau đợt tập huấn đầu tiên vào tháng 1 năm 2013, chuyên gia đánh giá dự án đã dự giờ dạy của các giáo viên sử dụng nội dung NED trên lớp và khẳng định rằng các giáo viên có thể sử dụng các công nghệ hiệu quả trong lớp học. Tất cả các giáo viên có thể sử dụng hiệu quả nội dung NED để giải thích từ vựng và tập trung vào các cấu trúc ngôn ngữ cụ thể.

Các nhận xét thu được từ các buổi phỏng vấn với giáo viên và học sinh tham gia vào dự án thí điểm vào tháng 4 năm 2013 là rất khả quan. Các giáo viên nói rằng nội dung NED khác với các công nghệ khác vì nó liên kết rõ ràng giữa nội dung NED và chương trình học quốc gia. Các học sinh cho biết các em rất thích các đoạn phim sinh động và các nhân vật trong các bài hát và mẩu chuyện ngắn. Cả giáo viên và học sinh đều rất lạc quan về mức độ mà nội dung NED đã giúp các học sinh học tiếng Anh đặc biệt là học ngữ pháp, tăng cường cấu trúc cơ bản và nâng cao kỹ năng nghe và nói của các em.

Buổi tập huấn sau đó vào tháng 7 năm 2013 tập trung giúp các giáo viên áp dụng tốt hơn các nội dung NED vào bài giảng và khai thác sâu hơn nội dung NED không chỉ tập trung vào từ vựng và các dạng câu, khuyến khích giáo viên sử dụng NED để dạy các từ mới thông qua các ngữ cảnh mà còn khai thác ngữ cảnh này để tổ chức các hoạt động thực hành có ý nghĩa ngay tại lớp học.

Các tiết dự giờ cuối cùng của dự án vào tháng 9 năm 2013 – thời điểm đầu năm học mới đã nói lên mức độ các giáo viên có thể khai thác nội dung NED. Tuy không phải giáo viên nào cũng có thể khai thác trọn vẹn ngữ cảnh của các bài hát, mẩu chuyện để làm rõ ngữ nghĩa và cách sử dụng ngôn ngữ nhưng họ đã có những bước chuyển tích cực ở cách áp dụng nội dung NED vào bài giảng. Chẳng hạn, thay vào việc sử dụng làm phần thưởng cho học sinh vào cuối mỗi giờ học, các tài liệu NED nay đã trở thành những hoạt động tích cực phục vụ việc dạy và thực hành các kiến thức chính trên lớp bổ trợ cho chương trình quốc gia và sách giáo khoa tiểu học đang được sử dụng tại TP Hồ Chí Minh.