Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh sớm không chỉ giúp con sớm hoàn thiện một ngôn ngữ mới mà còn kích hoạt tư duy. Tuy nhiên, quá trình dạy ngoại ngữ cho trẻ thường không đơn giản như người lớn bởi khả năng tập trung có giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định. Độ tuổi càng nhỏ trẻ lại càng tò mò với thế giới xung quanh, khó có thể tiếp thu những bài giảng khô khan. Vì thế dạy Anh văn giao tiếp hay ngữ pháp cho trẻ luôn cần phương pháp truyền đạt kiến thức linh hoạt, sáng tạo.
1. Môi trường học tiếng Anh sáng tạo
Môi trường vui nhộn, mới lạ là yếu tố thực sự quan trọng đối với trẻ em, đặc biệt ở lứa tuổi mầm non luôn tò mò và thích khám phá. Bạn hoàn toàn có thể dạy một lớp học vui nhộn và mang tính giáo dục cao. Các chuyên gia giáo dục tin rằng trẻ em học tốt nhất thông qua vui chơi. Dưới đây là một số cách bạn có thể làm cho việc học tập trở nên thú vị hơn với học sinh của mình:
Chơi game
Các trò chơi sẽ giúp việc học trở nên thú vị hơn. Các trò chơi tạo ra môi trường cạnh tranh, động lực thúc đẩy trẻ hoàn thành mục tiêu. Khi thắng một trò chơi, trẻ sẽ cảm thấy hài lòng về thành công của mình. Có rất nhiều trò chơi phù hợp với lớp học Anh văn giao tiếp không cần chuẩn bị cầu kỳ nhưng cực kỳ thú vị cho các học sinh nhỏ tuổi.
- Simon Says: Simon Says là một trò chơi cổ điển rất tốt để luyện kỹ năng nghe của trẻ. Bạn có thể sử dụng nó để ôn tập lại các bộ phận trên cơ thể (“Simon nói hãy chạm vào đầu bạn”) hoặc các giới từ (“Simon nói hãy đặt chân lên ghế của bạn”).
- Mother May I: Học sinh của bạn có thể sử dụng các từ vựng về tính từ để mô tả các loại bước mà chúng muốn thực hiện khi chạy đua sang phía bên kia của khu vực chơi.
- Memories: Trò chơi này rất tốt cho việc học từ vựng. Bạn có thể chuẩn bị một tấm thẻ ghi một từ vựng và một tấm thẻ khác có hình ảnh hiển thị của từ vựng đó, hoặc các cặp thẻ từ đồng nghĩa và trái nghĩa. Sau đó yêu cầu học sinh hãy tìm đúng các cặp thẻ tương đồng.
Sáng tạo
Việc lặp đi lặp lại những hành động quen thuộc trong lớp luôn gây nhàm chán đối với học sinh và cả giáo viên. Vì vậy, hãy sáng tạo các kế hoạch giảng dạy thúc đẩy môi trường học tích cực tương tác.
Thay đổi tổ chức lớp học cũng là một cách sáng tạo. Sắp xếp lại chỗ ngồi của học sinh để tạo sự đổi mới. Cho học sinh làm bài kiểm tra trước khi học và cố gắng lôi kéo sự tham gia của học sinh trong khi quá trình học. Hoặc bạn có thể mời các khách mời tham gia cùng lớp học.
Bạn có thể giữ nguyên một giáo án cơ bản mỗi ngày, nhưng hãy thay đổi các loại bài tập mà bạn giao cho học sinh. Ngoài ra, hãy thử xoay vòng giữa việc làm các bài tập trong sách giáo khoa, trên máy tính hoặc các trang web học tiếng Anh, và cung cấp các tài liệu thực tế để học sinh tự thực hành.
Chẳng hạn, bạn có thể lấy một bài thơ của Robert Frost làm bài tập đọc luyện phát âm cho lớp học tiếng Anh giao tiếp. Bạn cũng có thể yêu cầu học sinh đưa ra các trò chơi, hoạt động và bài tập theo sở thích riêng, ví dụ viết câu hỏi trắc nghiệm lẫn cho nhau, hoặc các trò chơi ôn tập từ vựng và ngữ pháp.
Đưa nghệ thuật vào trong lớp học
Trẻ em thích làm những thứ đầy màu sắc và thú vị trong lớp học. Pablo Picasso đã từng nhận xét rằng “mọi đứa trẻ đều là một nghệ sĩ.” Hãy tận dụng phẩm chất bẩm sinh đó và sử dụng nghệ thuật để dạy tiếng Anh cho những học sinh nhỏ tuổi.
Truyền thống văn hóa
Hãy để các học sinh của bạn thực hiện một dự án nghệ thuật dựa trên các truyền thống văn hóa khác nhau. Sau đó, hãy nói về nền văn hóa đó cũng như nền văn hóa của chính học sinh. Vì trẻ em đòi hỏi sự cụ thể cao hơn người lớn, việc có một tác phẩm nghệ thuật trước mặt chúng sẽ giúp chúng kết nối với văn hóa - vốn là một chủ đề siêu trừu tượng đối với trẻ em - tốt hơn.
Ảnh ghép
Các dự án nghệ thuật cũng là một cách tuyệt vời để nói về từ vựng liên quan đến giới từ chỉ địa điểm. Ảnh ghép rất dễ dàng và bạn có thể tạo ảnh ghép chỉ với bất cứ thứ gì. Khi học sinh của bạn làm hoạt động này, hãy hướng dẫn chúng về các vị trí đặt hình ảnh khác nhau bằng cách sử dụng giới từ. Đừng quên cho mỗi người cơ hội để nói về tác phẩm nghệ thuật đã hoàn thành của chúng sau bất kỳ hoạt động nghệ thuật nào.
Nấu ăn
Chế biến món ăn nào trong lớp, dù là món dân tộc hay Á-Âu, bạn sẽ đều có cơ hội để nói về các giác quan. Có một câu nói rằng: đầu tiên chúng ta ăn bằng mắt, sau đó là mũi, cuối cùng mới đến miệng. Hãy nói về tất cả các giác quan khi bạn nấu ăn với học sinh, đây là cách hiệu quả để dạy và củng cố các từ vựng liên quan đến quá trình nấu ăn nữa.
Học tập ngoài trời
Bạn đã bao giờ thử tham gia một lớp học “không tường” chưa? Nếu chưa, bạn có thể sẽ ngạc nhiên về những gì học sinh có thể học được khi ở ngoài trời. Với mô hình lớp học ngoài trời, giáo viên có thể tạo các hoạt động như
- Truy tìm kho báu: Bạn có thể đưa học sinh của mình ra ngoài với các manh mối để tìm kiếm và để mỗi manh mối dẫn họ đến đầu mối khác. Giấu các manh mối của bạn ra bên ngoài trước khi đến lớp và cho học sinh đủ thời gian để thu thập tất cả các manh mối trước khi vào bên trong và cùng thảo luận về các manh mối này và đích đến cuối cùng là gì.
- Làm biển báo: Bạn có thể sao chép các trang của một cuốn sách ảnh thành các biển báo. Đặt những biển báo này xung quanh khuôn viên trường học của bạn và yêu cầu học sinh đọc trang tương ứng và trả lời một câu hỏi trước khi chuyển sang biển báo tiếp theo. Bạn sẽ có rất nhiều cách để có thể mang sách ra ngoài trời.
2. Môi trường học kích thích tương tác và vận động
Trẻ con luôn thích chuyển động. Trên thực tế, Tiến sĩ Maria Montessori cho rằng trẻ nhỏ không thể học trừ khi chúng cũng có thể di chuyển. Ngoài ra, tích hợp vận động toàn bộ cơ thể trong khi học ngôn ngữ là một phương pháp giảng dạy hữu ích. Người học ngoại ngữ càng di chuyển nhiều, họ càng hiểu rõ hơn và nhanh hơn những gì bạn đang dạy và họ càng dễ dàng lưu giữ thông tin.
TPR (Phản ứng toàn diện) là một phương pháp giảng dạy thực sự hiệu quả với trẻ em. Về bản chất, bạn liên kết các chuyển động thể chất với các hướng dẫn về ngôn ngữ. Học sinh di chuyển theo hướng dẫn trong khi thực hành các khái niệm ngôn ngữ. Đây là một trong những cách hiệu quả nhất để dạy tiếng Anh giao tiếp cho trẻ em.
Sử dụng tài liệu thực hành cũng là một cách tuyệt vời để giúp học sinh của bạn tiến bộ khi học tiếng Anh. Bạn có thể sử dụng những vật dụng đơn giản như thẻ ghi chú, hoặc sáng tạo hơn với những gì bạn giao cho học sinh của mình, ví dụ như:
- Chơi trò chơi Thế Giới Nhỏ: Hãy thử thu thập các hình ảnh về động vật xuất hiện trong một cuốn sách hoặc câu chuyện đang sử dụng trong lớp học. Bạn hãy yêu cầu học sinh kể lại câu chuyện bằng cách sử dụng các hình vẽ đó. Hãy thử sử dụng trò chơi thế giới nhỏ này khi bạn thực hiện các bài học trên các chủ đề khác nhau. Bạn cũng có thể tạo ra một hoạt cảnh nhỏ bao gồm các nhân vật ở kích cỡ đồ chơi để đại diện cho những vật phẩm được tìm thấy trong thế giới thực.
- Túi bí ẩn: Trò chơi này nhằm mục tiêu phát triển xúc giác của học sinh bằng cách cho các vật dụng vào một túi giấy màu nâu. Sau đó, yêu cầu các học sinh đưa tay vào túi và mô tả những gì chúng đang cảm nhận được.
3. Môi trường học không áp lực
Một trong những điều quan trọng nhất khi dạy tiếng Anh giao tiếp hoặc ngữ pháp cho trẻ là tránh tạo áp lực. Hãy nhớ rằng trẻ em học một số khía cạnh của ngoại ngữ dễ dàng hơn người lớn. Quá trình thu nhận tự nhiên của học sinh sẽ tuân theo ba bước đơn giản: Nhận ra từ vựng và ngữ pháp khi bạn sử dụng chúng; trả lời khi bạn đặt câu hỏi về các từ vựng và ngữ pháp này; và cuối cùng là khả năng tự sử dụng các cấu trúc ngôn ngữ đó.
Để tạo ra môi trường học tập thoải mái, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Không sửa chữa mọi lỗi sai học sinh mắc phải. Bạn chỉ nên tập trung vào những gì bạn đã dạy gần đây và sửa lỗi với những từ và cấu trúc đó. Nhưng nếu học sinh của bạn chưa được học một điểm ngữ pháp nào, hãy cứ để chúng sai. Học sinh của bạn không cần phải thành thạo tất cả mọi thứ trong tiếng Anh ngay lập tức.
- Đảm bảo sử dụng ngôn ngữ chính xác ngay từ đầu. Khi bạn nghe một học sinh nói sai điều gì đó hoặc sử dụng một từ không chính xác, bạn chỉ cần sử dụng nó một cách chính xác ngay sau đó. Hệ thống phản hồi học tập ngôn ngữ tự nhiên trong não bộ của con người sẽ nhận thấy sự khác biệt và lần tới học sinh của bạn có thể sẽ sử dụng đúng những cấu trúc này sau khi đã nghe cách dùng đúng từ bạn.
- Không chấm điểm mọi thứ. Đôi khi bạn chỉ cần chỉ ra câu nào là đúng hay cho học sinh của bạn hoặc để chúng tự thảo luận với nhau về các câu trả lời là đủ. Bạn không cần phải thu thập từng phiếu kiểm tra một và đánh dấu chi chít các dấu đỏ trên đó.
Ngôn ngữ là một thứ mang tính trừu tượng còn trẻ em thường thích sự cụ thể. Việc trẻ chưa thể hiểu rõ ngữ pháp và các khía cạnh học thuật khác của ngôn ngữ, đừng gây áp lực cho trẻ. Đảm bảo môi trường học tập vui vẻ, náo nhiệt, sáng tạo, kích thích tư duy và vận động, các giáo viên sẽ giúp cho học sinh tiếp thu ngôn ngữ mới một cách hiệu quả hơn.
Xem thêm: