(Thanh Hóa, ngày 23 tháng Năm 2014) 88.000 bài dự thi, 1.144 trường trung học cơ sở, 54 tỉnh thành – đó là những con số ấn tượng khẳng định thành công của Biến đổi khí hậu – Hành động của em, cuộc thi quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở tại Việt Nam. Được khởi động từ cuối năm 2013, ngày hôm nay, những giải thưởng cao nhất đã được trao tại thành phố Thanh Hóa, nơi các hành động và hoạt động nâng cao nhận thức về môi trường và biến đổi khí hậu diễn ra rất sôi nổi.
Cuộc thi là một phần của dự án hợp tác giữa Hội đồng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn). Dự án tập trung vào việc đưa nội dung giáo dục biến đổi khí hậu vào các trường trung học cơ sở ở Việt Nam. Dự án được tài trợ một phần bởi Đại sứ quán Anh tại Hà Nội.
Hướng tới mục đích nâng cao nhận thức của học sinh về biến đổi khí hậu và khuyến khích các hành động cũng như các sáng kiến của các em để giải quyết vấn đề, hai hình thức của cuộc thi là bài viết và vẽ tranh. Hàng ngàn bức tranh dự thi đã vẽ nên một bức tranh sinh động của trái đất trong quá khứ, hiện tại và tương lai dưới tác động của biến đổi khí hậu. Rất thú vị, những hình ảnh đó đã được vẽ lại xuất sắc bằng “lời văn” trong những bài thi viết.
Ban giám khảo đã thực sự ngạc nhiên khi các em học sinh cấp hai đã thể hiện khả năng tìm tòi thông tin và chuyển tải những thông tin khoa học về nguyên nhân và tác động của biến đổi khí hậu một cách sinh động và chính xác trong bài viết của mình.
Đa số các bài dự thi đều khẳng định biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của tương lai, mà nó đã trở thành mối đe dọa thường trực, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Và các em tin rằng ai cũng có thể “tham dự” vào sứ mệnh “cứu Trái đất” bằng những hành động nhỏ của mình và gia đình như tiết kiệm năng lượng, tuyên truyền để người thân và bạn bè mình có ý thức bảo vệ môi trường hơn.
Giải Nhất ở thể loại Tranh vẽ được trao cho em Trần Thị Tỉnh, Trung học cơ sở Chiềng Sinh, Sơn La. Bức tranh của em Tỉnh đã thuyết phục được ban giám khảo khi thể hiện thông điệp về môi trường và ý thức của con người một cách nhẹ nhàng, không cần quá hô hào và lên gân – bức tranh mang lại cho người xem sự hy vọng, thay vì cảm giác lo lắng trước những tác động của biến đổi khí hậu.
Ở nội dung Bài viết, em Nguyễn Anh Phong, trường Trung học Cơ sở Lê Độ, thành phố Đà Nẵng đã giành giải cao nhất. Nguyễn Anh Phong đã như một nhà khoa học khi phân tích những nguyên nhân tự nhiên (sự thay đổi cường độ ánh sáng của mặt trời, các dòng hải lưu, quỹ đạo quay quanh Mặt trời của Trái đất) và nhân tạo (khí thải công nghiệp, sự phung phí năng lượng) dẫn đến biến đổi khí hậu. Ấn tượng hơn, bài viết của em còn đưa ra thông điệp giản dị nhưng rất sâu sắc: ‘Để cải thiện môi trường không phải là chuyện khó khăn, nhưng nó cũng không hề dễ dàng. Một con sâu có thể làm rầu nồi canh. Chỉ cần một hành động không tốt, một lần vô ý thức cũng có thể để lại hậu quả rất lớn.’
Ông Chris Brown, Giám đốc của Hội đồng Anh tại Việt Nam nói: ‘Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất dưới tác động của biến đổi khí hậu, vì vậy Hội đồng Anh tin rằng, các em có quyền được lên tiếng và đóng góp sự sáng tạo của mình trong công cuộc ứng phó lâu dài này.
‘Tôi rất vui mừng khi cuộc thi đã được các em hưởng ứng mạnh mẽ với số lượng bài dự thi lớn như vậy. Quan trọng hơn, cuộc thi đã thực sự khơi dậy trong các em tình yêu với trái đất và ý thức với môi trường. Hy vọng rằng, tinh thần đó sẽ được lan tỏa trong gia đình và cộng đồng sau cuộc thi.’
Tiến sĩ Lê Trọng Hùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, phát biểu: ‘Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011, khẳng định tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững của Việt Nam. Tôi tin rằng thông qua cuộc thi này, các thông điệp về môi trường sẽ không chỉ được biết tới bởi các em học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc mà cả bạn bè cũng như gia đình của các em. Với ý nghĩa đó, cuộc thi này không nằm ngoài tinh thần chung của Chiến lược Quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu.’
Là một trong những tổ chức tích cực trong lĩnh vực này, Hội đồng Anh đã thực hiện dự án ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Úc, Trung Quốc và Việt Nam, và cùng hợp tác với các đối tác địa phương trong những nỗ lực hạn chế các tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Cuộc thi là một hoạt động của dự án “Đưa giáo dục về biến đổi khí hậu vào các trường trung học cơ sở trên toàn Việt Nam” trong năm 2013/14, được thực hiện bởi Hội đồng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng, cùng với sự tài trợ của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội. Thành công của dự án này là một minh chứng thuyết phục cho tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức và thay đổi hành vi của thế hệ trẻ từ rất sớm để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai đưa nội dung quan trọng này cũng những tài liệu đã được xây dựng và thẩm định trong dự án này vào chương trình giảng dạy trong nhà trường trên toàn quốc trong thời gian tới.
Dự án đã được triển khai trên toàn quốc tập trung vào các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa và Nghệ An. Đây là năm thứ hai dự án được triển khai và tài trợ bởi các đối tác. Dự án được xây dựng dựa trên thành công thu được từ năm 2012 khi dự án được triển khai thí điểm tại 239 trường ở Hòa Bình.
Trích đoạn một số bài dự thi
“Tôi còn nhớ, ngày còn bé xíu tôi cùng anh trai chạy ra biển chơi, chúng tôi rượt đuổi nhau trên con đê uốn lượn và cùng nhay ngắm cánh rừng xanh bạt ngàn. Ký ức đó vẫn còn rõ ràng lắm, nhắm mắt lại tôi vẫn có thể thấy cả những đàn cò trắng muốt bay phấp phới, ngửi thấy mùi muối mặn mòi của biển cả, nghe tiếng biển hát cùng rặng phi lao cao vút và hơn thế nữa tôi còn có thể nhìn thấy cả cánh diều chở theo bao ước mơ của tụi trẻ con chúng tôi.”
“Nếu như rác, khói bụi, nước thải, các chất độc hại cứ liên tục thải ra môi trường thì chỉ vài năm nữa thôi trong tương lai chúng ta sẽ sống và làm việc với rác, bầu trời thì u ám, nước thì hôi, và biết bao nhiêu mầm bệnh mới tồn tại trong môi trường như thế mà nguyên nhân chính dẫn đến những việc trên chính là do sự thiếu ý thức của con người và cũng do chính con người gây nên.”
“Từ khi hình thành sự sống mất 380 triệu năm con bướm mới bay được, rồi 180 triệu năm nữa bông hồng mới nở chỉ muốn làm đẹp cho đời bằng sắc của mình. Cũng phải trải qua 4 kỳ địa chất con người mới có thể hát hay hơn chim và biết thế nào là tình yêu… Vì thế ngay từ bây giờ chúng ta hãy có những mục tiêu và biện pháp thiết thực để bảo vệ cuộc sống của chúng ta.”
“Môi trường rộng là vũ trụ bao la, hẹp là cái giường cá nhân ta nằm hay cái tổ kiến con kiến sống, cái bể cá cảnh con cá vàng bơi… Và đây cũng chính là nơi “chứa đựng chất thải”.
“Bạn đừng nghĩa rằng bảo vệ môi trường là phải sản xuất ra một máy móc nào đó, hay đó là công việc của các chuyên gia, pháp luật mà bằng chẵng việc nhỏ nhặn cụ thể hàng ngày, chúng ta đã góp phần bảo vệ môi trường.”
“Thiết nghĩ biến đổi khí hậu gần như chín mươi phần trăm là do chính con người gây ra chứ tự nhiên chúng tôi chỉ có nhiều nhất mười phần trăm là cùng. Con người có sức phá hủy thật mạnh! Tôi nghĩ bụng.”