Tăng cường sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, củng cố vai trò của các trường đại học trong ngành công nghiệp sáng tạo của Việt Nam, thắt chặt liên kết giữa các trường đại học, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường… là những vấn đề mà Vương quốc Anh và Việt Nam đang chung tay giải quyết, trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Giáo dục Đại học Việt Nam và Vương quốc Anh (UK–VN HEP).
Một trong những nội dung GS Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi với Hội đồng Anh trong chuyên tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu 2019 tại London, Vương quốc Anh tập trung vào các kết quả hợp tác đối tác với Vương quốc Anh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Chương trình UK–VN HEP giúp tạo ra mạng lưới Giáo dục Đại học Vương quốc Anh–Việt Nam giữa 14 tổ chức, trường đại học Vương quốc Anh và 30 trường đại học Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong năm đầu hợp tác.
Hội đồng Anh tại Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức buổi chia sẻ kết quả ban đầu của mạng lưới tới ngài Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam. Chương trình có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS TS Nguyễn Văn Phúc; Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học; Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế; Global Wales và 130 lãnh đạo và chuyên gia từ các tổ chức giáo dục đại học thuộc mạng lưới giáo dục đại học Việt Nam Vương quốc Anh và nhiều đại biểu khác.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: “Vương quốc Anh là một trong những nước có quan hệ giáo dục phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng với Việt Nam. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Vương quốc Anh, các trường đại học của Anh, các cơ sở giáo dục của Anh với các đối tác Việt Nam. Thông qua thỏa thuận hợp tác giữa Hội đồng Anh và Vụ Giáo dục đại học Việt Nam, hiện nay đã có hơn 50 trường đại học Việt Nam và Vương quốc Anh tham gia vào mạng lưới kết nối các trường đại học của hai quốc gia. Đây là kết quả bước đầu rất tích cực, Bộ Giáo dục và Đào tạo hy vọng mạng lưới này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.”
Buổi tiếp tân và chia sẻ là cơ hội gặp gỡ của các trường đại học và chia sẻ kinh nghiệm của tám dự án hợp tác của Việt Nam và Vương quốc Anh trong các lĩnh vực Lãnh đạo và quản trị trường đại hoc, Nghiên cứu và Dịch chuyển, Chương trình liên kết đào tạo và đảm bảo chất lượng và Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Đặc biệt, buổi gặp mặt còn có sự tham gia của đại diện Global Wales - tổ chức chuyên trách về xúc tiến hợp tác giáo dục xứ Wales nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam về Lãnh đạo và quản trị trường đại học.
Bà Mairwen Harris, đại diện Global Wales, đánh giá về quan hệ hợp tác giữa các trường đại học xứ Wales và Việt Nam trong lĩnh vực Lãnh đạo và quản trị trường đại học bước đầu đã có những kết quả tích cực. Trong tương lai các trường đại học và các cơ sở giáo dục xứ Wales mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ đối tác và thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực với Việt Nam.
Chia sẻ về kết quả của dự án Lãnh đạo và quản trị trường đại học giữa năm trường đại học Việt Nam và Global Wales, PGS TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nói: “Các trường đại học Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều từ mô hình quản trị các trường đại học tại xứ Wales, từ cấp nhà nước, các bộ đến cấp trường và nội bộ các trường. Tham gia dự án và tiếp xúc với các đại diện từ Global Wales là cơ hội tốt để các nhà quản trị giáo dục nhận diện được sự thay đổi của lĩnh vực Giáo dục Đại học trên toàn thế giới, thấy được những điểm tương đồng trong xu hướng quốc tế hóa, tăng quyền tự chủ và cắt giảm ngân sách tại các trường đại học. Để có thể học tập mô hình từ các quốc gia có nền giáo dục đi trước, các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam cần hiểu sâu sắc lí do vì sao các quốc gia phát triển lại áp dụng mô hình quản trị đó trong nền giáo dục của họ, từ đó rút kinh nghiệm và áp dụng một cách hợp lý vào môi trường Giáo dục Đại học Việt Nam.”
Ông cũng chia sẻ thêm về thách thức lớn nhất của các trường đại học Việt Nam là nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý cũng như trình độ, số lượng và chất lượng của các giáo viên giảng dạy. Mặc dù nhà nước cũng đã có nhiều đổi mới trong lĩnh vực giáo dục, nhưng để Giáo dục Đại học là phát triển hơn nữa và là động lực lớn cho phát triển kinh tế, các trường đại học mong muốn được đầu tư nhiều hơn trong tương lai. Trước những thay đổi không ngừng của giáo dục đại học trên thế giới, các nhà quản trị, giảng viên cũng như sinh viên cần chuẩn bị nền tảng vững chắc, khả năng thích ứng để có giáo dục có thể phát triển bền vững trong tương lai.
Cùng với đó, đại diện các dự án về Nghiên cứu và Dịch chuyển giữa giữa trường Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội và trường Đại học Salford của Vương quốc Anh, dự án Chương trình liên kết đào tạo và đảm bảo chất lượng giữa trường Đại học Kinh tế Quốc dân và trường Đại học Cardiff Metropolitan và dự án Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp giữa trường Đại học Ngoại thương Hà Nội và trường Đại học Bournemouth… cũng đã chia sẻ về những thành công bước đầu nổi bật của dự án, đặc biệt sau chuyến thăm các trường đối tác Vương quốc Anh vừa qua.
Quan hê Giáo dục đại học giữa Việt Nam và Vương quốc Anh có tiềm năng phát triển rất lớn. Chính phủ Anh và Hội đồng Anh luôn cam kết hỗ trợ quá trình quốc tế hóa Giáo dục đại học và tăng cường hợp tác giáo dục giữa hai quốc gia thông qua việc trao đổi kinh nghiệm cũng như chuyên môn trong các lĩnh vực quan tâm chiến lược với Bộ Giáo dục và Đào tạo.