Thứ Năm 24 Tháng Tư 2025

 

Hội đồng Anh vừa ra mắt một tuyển tập gồm 100 thành ngữ, tục ngữ và cụm từ giúp hiểu rõ hơn quá trình phát triển của tiếng Anh.

Ra mắt đúng vào Ngày tiếng Anh Thế giới, 23 tháng Tư 2025, Phrase-ology giới thiệu cách mà tiếng Anh vẫn luôn không ngừng phát triển, cũng như cách mà nó được hình thành bởi ảnh hưởng của toàn cầu hóa và văn hóa đại chúng, tuy nhiên, vẫn đồng thời lưu giữ được những cụm từ có nguồn gốc từ thời Hy Lạp cổ đại.

Dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Barbara McGillivray – chuyên gia Ngôn ngữ học Tính toán, và Iacopo Ghinassi – chuyên gia Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhóm nghiên cứu đã phân tích hàng triệu tài liệu trực tuyến để theo dõi sự xuất hiện và tần suất của các biểu đạt, từ “breaking the ice” (phá vỡ sự ngại ngùng) đến “ate and left no crumbs” (làm điều gì đó một cách hoàn hảo).

Hội đồng Anh đã lựa chọn 100 cụm từ có bối cảnh thú vị nhất để đưa vào danh sách cuối cùng.

Spilling Beans và Serving Tea – cụm từ mới, nghĩa giống nhau

Trong khi những thành ngữ cổ điển như "kill two birds with one stone" (một công đôi việc) vẫn được sử dụng rộng rãi, thì theo thời gian, các cụm từ mới cũng đang dần trở nên phổ biến. "Spill the beans" (lộ bí mật), được ghi nhận lần đầu từ đầu những năm 1900, và đã bùng nổ vào thập niên 90. Trong khi đó, “spill the tea” – bắt nguồn từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi và cộng đồng LGBTQ+ – đã trở thành hiện tượng từ năm 2017, nhờ sức lan tỏa của mạng xã hội.

"All that glisters is not gold" – khi văn hóa đại chúng tái sinh ngôn ngữ

Thời đại số đã khai sinh nhiều biểu đạt mới như “let them cook” hay “main character energy”, nhưng việc tái sinh ngôn ngữ cũng không phải là điều mới mẻ. “All that glisters is not gold” (không phải mọi thứ lấp lánh đều là vàng) bắt nguồn từ một biểu đạt tiếng Anh trung cổ được ghi nhận vào năm 1229, “Nis hit nower neh gold al þet ter schineð”, đã có lịch sử hơn 300 năm trước khi được Shakespeare hồi sinh lại trong The Merchant of Venice. Một số cụm từ, như “bucket list” (danh sách những việc muốn làm), lại được biết tới chỉ sau một đêm – thuật ngữ này hầu như không được biết đến trước khi xuất hiện trong bộ phim The Bucket List năm 2007.

No Cap – Từ thế hệ Baby Boomers, Millennials đến Gen Z, ai cũng muốn "sống thật"

Nghiên cứu đã phân tích cách các thế hệ khác nhau sử dụng ngôn ngữ trực tuyến, thông qua bình luận trên các nền tảng phổ biến với từng nhóm tuổi. Trong khi các biểu đạt như “better late than never” (muộn còn hơn không) và “pipe down” (im lặng) vẫn phổ biến qua nhiều thế hệ, thì các cụm từ mới như “glow up” lại xuất hiện chủ yếu ở thế hệ Millennials và Gen Z. Một số cụm từ như “keep it real” (sống thật), phổ biến từ thập niên 1960, vượt qua khác biệt thế hệ, vẫn được dùng rộng rãi cho tới ngày nay trong khi “YOLO” – được Drake phổ biến vào năm 2011 – cũng được dùng trên mọi nền tảng và đã lan rộng đến cả thế hệ lớn tuổi nhờ ảnh hưởng từ mạng xã hội.

Long time no see – Nguồn gốc quốc tế bị lãng quên của các cụm từ tiếng Anh

Nghiên cứu còn khám phá nguồn gốc quốc tế của nhiều cụm từ tiếng Anh quen thuộc. “Moment of truth” được cho là bắt nguồn từ tiếng Tây Ban Nha “hora de la verdad”, một thuật ngữ trong đấu bò. “Long time no see” có thể bắt nguồn từ tiếng Anh Pidgin Trung Quốc hoặc văn học miền Tây nước Mỹ đầu thế kỷ 20. “Chin chin” – lời chúc khi nâng ly – xuất phát từ tiếng Trung “qǐng” (mời). Nghiên cứu cũng cho thấy rõ các nét tương đồng trong ngôn ngữ toàn cầu – như cụm “to yarn dust” của Nigeria, tương đương với “nói nhảm” hay “to spin a yarn” trong tiếng Anh.

Tuyển tập được chia thành 8 nhóm chủ đề:

  • Global English – Mượn từ các ngôn ngữ và văn hóa khác (VD: “let the genie out of the bottle”, từ tiếng Ả Rập)
  • Classic Evergreen – Cụm từ lâu đời (VD: “raining cats and dogs”, xuất hiện từ năm 1661)
  • Generational – Phổ biến trong từng thời kỳ (VD: “instant karma”, do John Lennon đặt ra năm 1970, phổ biến trong những năm 2000)
  • Pop Culture – Phổ biến bởi truyền thông đại chúng (VD: “let them cook”)
  • Sports – Có nguồn gốc từ thể thao (VD: “straight off the bat”)
  • Gen Z – Tiếng lóng và biểu đạt mới (VD: “no cap”)
  • Language of Belief – Liên quan đến tôn giáo (VD: “turn the other cheek”)
  • Shakespeare – Xuất hiện hoặc được phổ biến thông qua các tác phẩm của Shakespeare (VD: “wearing one’s heart on one’s sleeve”, từ Othello)

Mark Walker, Giám đốc toàn cầu Bộ phận Tiếng Anh và Khảo thí của Hội đồng Anh cho biết:

“Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm khám phá cách con người sử dụng ngôn ngữ để chia sẻ ý tưởng và trải nghiệm chung – điều đó cho thấy tiếng Anh được hình thành từ ảnh hưởng của con người trên toàn thế giới và không ngừng phát triển. Khi tôn vinh sự phong phú của ngôn ngữ, chúng tôi không chỉ nhìn lại quá khứ mà còn hướng đến tương lai của tiếng Anh. Là ngôn ngữ toàn cầu, tiếng Anh giúp mọi người kết nối và gắn kết từ mọi nền văn hóa – thông qua công việc, học tập, du lịch, các mối quan hệ hay học tập suốt đời.”

Tiến sĩ Barbara McGillivray, chuyên gia đầu ngành về Ngôn ngữ học Tính toán và Nhân văn kỹ thuật số chia sẻ:

“Tham gia vào dự án này, chúng tôi có cơ hội khám phá gốc rễ lịch sử sâu xa của các biểu đạt tiếng Anh, đồng thời áp dụng các kỹ thuật tính toán hiện đại để truy vết sự tiến hóa của chúng. Việc phân tích tần suất và sự xuất hiện của thành ngữ, tục ngữ, và cụm từ cho thấy tiếng Anh không chỉ chịu ảnh hưởng của các sự kiện lịch sử mà còn cả tác động của thời đại số. Tuyển tập này đem đến một góc nhìn độc đáo về cách tiếng Anh – vừa là thực thể sống vừa là thực thể lịch sử – tiếp tục thích nghi và phản ánh thế giới đang thay đổi.”

Để truy cập tuyển tập đầy đủ, bao gồm 20 cụm từ phổ biến nhất qua các thế hệ, vui lòng theo đường dẫn sau: https://www.britishcouncil.org/sites/default/files/wed_ebook_final_web_a...

HẾT

Thông tin liên hệ cho báo chí

Thông tin thêm dành cho báo chí

Phương pháp nghiên cứu

Dự án tập hợp danh sách gồm 100 biểu đạt ngôn ngữ – bao gồm thành ngữ, cụm từ và tục ngữ – được dựa trên nhiều nguồn tài liệu như Oxford English Dictionary, Dictionary.com, Green’s Dictionary of Slang, tài liệu học thuật, và văn hóa đại chúng như blog, báo chí, và nền tảng trực tuyến.

Phân tích định lượng: Dự án sử dụng 5 bộ dữ liệu chính để khảo sát cách các thế hệ sử dụng biểu đạt:

  • Google Ngram corpus (1500–2022)
  • Google Trends (truy vấn tìm kiếm trực tuyến)
  • Civic Comments (Người dùng lớn tuổi, 55+)
  • Bình luận trên YouTube (Thế hệ Millennials, 35–55)
  • Bình luận trên Twitch trong các kênh League of Legends (Thế hệ Gen Z, dưới 35)

(Lưu ý việc lập bản đồ thế hệ dựa trên dữ liệu nhân khẩu học bên ngoài từ mỗi nền tảng.)

Tần suất sử dụng được đo lường bằng số lần xuất hiện trên mỗi triệu bình luận hoặc tài liệu, cho phép phân loại thành ngữ thành ba nhóm: được sử dụng nhiều nhất, được sử dụng trung bình hoặc được sử dụng ít nhất.. Các biểu đạt được chia thành nhóm:

  • Q1: 25% ít dùng nhất
  • Q2–Q3: Mức sử dụng trung bình
  • Q4: 25% được dùng nhiều nhất

Điều này giúp phát hiện ra các mô hình sử dụng theo thế hệ. Một số biểu đạt (ví dụ “no cap”) có thể bị đánh giá cao hơn do có nhiều nghĩa – việc phân biệt này đòi hỏi kỹ thuật nâng cao vượt ngoài phạm vi dự án. Các bước chuẩn hóa được áp dụng xuyên suốt để giảm độ thiên lệch và đảm bảo tính nhất quán.

Phân loại thế hệ trong nghiên cứu được xây dựng dựa trên dữ liệu nhân khẩu học từ các nền tảng, có thể không hoàn toàn trùng khớp với định nghĩa về thế hệ một cách truyền thống. Các nhóm tuổi được lựa chọn để đại diện cho từng thế hệ, qua đó phản ánh thói quen sử dụng ngôn ngữ theo các bộ dữ liệu chính để khảo sát một cách cụ thể (Civic Comments, YouTube và Twitch). Mặc dù các nhóm này không bị ràng buộc chặt chẽ bởi các nhãn thế hệ thông thường, nhưng chúng có mục đích phản ánh hành vi của khán giả liên quan đến tần suất của một số biểu hiện nhất định.

Thông tin liên hệ báo chí:

Thông tin thêm về Hội đồng Anh

Hội đồng Anh là tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa và cơ hội giáo dục của Vương quốc Anh. Chúng tôi, thông qua xây dựng kết nối, tăng cường sự hiểu biết và tin tưởng giữa người dân Vương quốc Anh và các quốc gia khác, góp phần duy trì hoà bình và thịnh vượng trên toàn thế giới. Hội đồng Anh thực hiện sứ mệnh của mình thông qua các hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa, giáo dục và ngôn ngữ Anh. Chúng tôi triển khai hoạt động trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, và hiện diện tại hơn 100 quốc gia. Trong năm 2022–23, các hoạt động của chúng tôi đã tiếp cận 600 triệu người.

Trong 90 năm qua, Hội đồng Anh đã tạo dựng các mối quan hệ toàn cầu thông qua nghệ thuật, giáo dục và tiếng Anh. Mỗi năm chúng tôi hỗ trợ cải thiện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh và khả năng sử dụng tiếng Anh cho 100 triệu người. Chúng tôi cung cấp 4 triệu kỳ thi tại 140 quốc gia, mang tới nhiều hơn các cơ hội tiếp cận với bằng cấp của Vương quốc Anh. Thông qua hợp tác với 40 chính phủ hỗ trợ 4 triệu nhà giáo dục, chúng tôi giúp cải thiện việc giảng dạy tiếng Anh và mang đến cho người học trên toàn thế giới các kỹ năng bền vững để làm việc, học tập, du lịch và giao tiếp với thế giới.

www.britishcouncil.org